Từ văn hoá xin chữ ký ... đến
văn hóa đi đường Nguyễn Đình Đăng Đặng Thái Sơn ký tên sau buổi
recital tại Kioi Hall (Tokyo) đêm 3/6/2010. Ảnh: Nguyễn Đình Đăng. Đêm 3/6/2010 vừa qua danh cầm piano
Đặng Thái Sơn đã có buổi recital tại Kioi Hall - phòng hoà nhạc tại Kioi-cho
(Tokyo) với 800 chỗ ngồi. Đây là buổi biểu diễn thứ 7 trong tour biểu diễn 10
buổi từ 22/5 tới 12/6/2010 của Đặng Thái Sơn tại Nhật. Chương trình đêm 3/6
mang tên "Chopin's dances" (Các điệu vũ của Chopin), gồm 8 valses,
6 mazurki, boléro, tarantella, polonaise-fantaisie, và polonaise
"Héroique". Vé đã bán hết từ vài tháng trước. Trong giờ nghỉ, Kajimoto Music - công
ty âm nhạc tổ chức chương trình biểu diễn của Đặng Thái Sơn tại Nhật - bày
một số CD của Sơn tại tiền sảnh phòng hoà nhạc. Chẳng mấy chốc số CD đã được
khán giả mua hết. Những ai chưa mua được có thể đặt Kajimoto Music để mua.
Sau khi recital kết thúc, người ta mời Sơn ra tiền sảnh để ký CD. Khách xin
chữ ký được nhân viên của Kajimoto Music hướng dẫn xếp thành một hàng dài dẫn
đến cái bàn Sơn ngồi. Đoàn người đứng người nọ sau người kia rất trật tự, im
lặng đợi đến lượt mình. Khi một người tới lượt, tiến đến xin chữ ký và nói
chuyện với Sơn, người tiếp theo đứng cách vài bước. Khán giả Tokyo xếp hàng xin chữ ký
của Đặng Thái Sơn tại Kioi Hall (Tokyo) sau recital đêm 3/6/2010. Ảnh:
Nguyễn Đình Đăng. Còn đây là cảnh người Thăng Long xin chữ ký của
Đặng Thái Sơn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đêm 27/2/2009: Khán giả nhiều lứa tuổi, trong đó
có cả những em nhỏ, ùa vào xin chữ ký của NSND Đặng Thái Sơn sau buổi biểu diễn. Ảnh: Mỹ Dung. (Trích nguyên văn từ
www.video4viet.com) và tại Sài Gòn đêm 26/1/2010: Sau đêm diễn, khán giả Sài Gòn
chen chân xin chữ ký và trò chuyện với anh. (Trích nguyên văn từ VNExpress) Một cô bé thần tượng nghệ sĩ Đặng
Thái Sơn (cầm cuốn sổ trên tay) đang cố chen lách giữa đám đông để
xin chữ ký danh cầm. (Trích nguyên văn từ bài tại
VNExpress) * Hoa anh đào là một trong các biểu tượng
về vẻ đẹp của nước Nhật. Hoa thường nở rộ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Khi
đó người Nhật nô nức kéo nhau đi ngắm hoa anh đào, ăn uống nhảy múa dưới gốc
cây anh đào nở hoa. Chidorigafuchi - tên hào nước phía đông bắc hoàng thành
tại Tokyo - là một trong những điểm xem hoa anh đào đẹp nhất của Tokyo. Người
xem rất đông, nhưng trật tự vui vẻ đi theo ... lề trái dưới tán các cây anh
đào đầy hoa dọc theo bờ kênh, không ai chen lấn xô đẩy, nói oang oang, cười
hô hố, hay xả rác, không một cánh hoa anh đào nào bị ngắt. Trên quãng đường
dài khoảng 1 cây số chỉ có 2 - 3 người làm nhiệm vụ giữ trật tự. Không ai bị
móc túi, bị đánh, hay bị lôi đi xềnh xệch. Người Nhật ngắm hoa anh đào tại
Chidorigafuchi (Tokyo). Ảnh: Nguyễn Đình Đăng. Đến khi vài cây hoa anh đào Nhật Bản
được đưa sang dự lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội, chúng đã bị người Thăng Long
vặt trụi không thương tiếc, liên tục trong 3 năm 2007 - 2009. Tới năm 2010
ban tổ chức buộc phải bãi bỏ trưng bày hoa thật, thay bằng anh đào làm bằng
...lụa. Xô đẩy, giành nhau “thanh toán”
hoa anh đào. Ảnh: PHẠM HẢI (trích nguyên văn từ
Tuổi Trẻ) * Có blogger từng nói đại ý những người
đi nghe nhạc cổ điển tại phòng hoà nhạc đa số thuộc tầng lớp trung - thượng
lưu. Muốn nhìn vào trình độ văn hóa của một xã hội thì nên nhìn vào tầng lớp
này. Ngắm hoa anh đào là cái thú không chỉ của giới trung - thượng lưu. Có
thể nói không ngoa rằng cách ngắm hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa phản ánh
văn hoá, tính cách của toàn xã hội. Nó bộc lộ hoặc là tính lịch sự tôn trọng
người khác, quý trọng thiên nhiên, hoặc thói quen chụp giật, thô bạo, ích kỷ,
coi người khác không ra gì. Nếu điều này còn chưa đủ sức thuyết phục đối với
quý vị, xin mời quý vị xem tiếp hai hình chụp cảnh đi đường tại Ginza (Tokyo)
và tại Hà Nội dưới đây. Hai tấm hình kết thúc bài này phản ánh văn hoá của
tất cả mọi tầng lớp nhân dân: văn hóa đi đường. Việt Nam khác Nhật Bản ở chỗ
đi theo ... lề phải. Tuy nhiên, như quý vị thấy trong hình, giao thông tại
Việt Nam thực sự không theo một lề lối nào hết. Ngã tư tại Ginza (Tokyo). Giao thông tại Hà Nội. Tokyo 6/6/2010 |