© www.talawas.org     |     về trang chính

 

 

Nghệ thuật

 

Mĩ thuật

 

27.6.2006

Nguyễn Đình Đăng

Cuộc triển lãm dài nhất của tôi

 1   2 

 

Trong suốt thời gian 2 tháng triển lãm, nhiều khách đã đến xem tranh và thưởng thức đồ ăn của BiCE Tokyo. Một người bạn của tôi tới đó tới 3 lần, mỗi lần lại dẫn theo vài người khách mới. Tôi cũng được hân hạnh tiếp chuyện nhiều khách khứa. Gây ấn tượng nhất có lẽ là 7 cuộc gặp mặt tôi sẽ tóm tắt dưới đây với 1) một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, 2) một nhà sưu tầm tranh, 3) một ông bộ trưởng, 4) một họa sĩ Việt kiều, 5) một chủ gallery, 6) một giáo sư vật lý, và 7) một nhạc trưởng.


1. Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật

Tôi hay đọc Thời báo Nhật Bản (The Japan Times), một trong những nhật báo tiếng Anh phổ biến nhất xứ Phù Tang. Thấy các bài viết của anh về hội họa cận đại [1] của Nhật tỏ ra khá uyên bác và sâu sắc, lại hợp với những hình dung của tôi về mỹ thuật nước này, tôi gửi thiếp mời anh tới dự tiệc khai mạc triển lãm. Anh không tới được. Anh sống ở Kyoto. Nhưng anh đã viết một bài giới thiệu dựa trên các phiên bản tranh và thông tin trên trang nhà của tôi [2] . Một ngày trước tiệc khai mạc, bài báo xuất hiện trên Thời báo Nhật Bản [3] .

Thế rồi tôi cũng gặp được anh trong dịp anh kết hợp đi công cán để viết bài theo “đơn đặt hàng” của Thời báo Nhật Bản cho hai triển lãm tại Yokohama và Tokyo. Cuộc triển lãm ở Tokyo mà tờ báo đề nghị anh tổng quan chính là “Triển lãm 50 năm hội họa cận đại Việt Nam: 1925 – 1975” diễn ra tại Tokyo Station Gallery. Anh tới xem triển lãm của tôi tại BiCE Tokyo trước, sau đó chúng tôi cùng nhau đi xem triển lãm Việt Nam.

Anh là người Úc, lấy vợ Nhật. Anh còn trẻ, đẹp trai, tỏ ra khiêm tốn lịch sự khi nói chuyện. Anh có cách nhìn khá nghiêm khắc lên hội họa cận hiện đại của Nhật Bản. Anh cho rằng phần lớn họa sĩ Nhật chỉ theo đuôi phương Tây về hình thức, trong khi cái bản chất, lý do tại sao lại vẽ như thế, chưa thấm vào họ. Tôi hỏi anh có “được định hướng” bởi tòa soạn hay tổ chức nào khác khi viết bài không. Anh trả lời là không hề. Cũng có lần anh đã làm những người tổ chức một triển lãm phật ý vì những nhận xét chuyên nghiệp nhưng thẳng thừng trong bài viết của anh về triển lãm đó.

Xem triển lãm Việt Nam tại Tokyo Station Gallery, anh chăm chú ghi chép vào sổ tay, lắng nghe tôi kể về Victor Tardieu, về Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, v.v. Anh còn gặp curator của triển lãm và nhận được 2 quyển vựng tập dày với đầy đủ thông tin về từng bức tranh và tiểu sử tác giả. Anh tặng tôi một quyển.

Khoảng ba tuần sau, bài viết “The Art of War” [4] (Nghệ thuật của chiến tranh) của anh được đăng trên Thời báo Nhật Bản ngày 24/11/2005. Bài viết tóm tắt lịch sử của hội họa cận đại Việt Nam kể từ khi Victor Tardieu mở Trường Mỹ thuật Đông Dương đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trước phần kết của bài viết, anh nhận định: “Một khi nghệ thuật cúi mình trước chính trị, như một đặc tính, nghệ sĩ bị cắt khỏi thế giới hội họa quốc tế, trở thành nạn nhân của sự thiếu thuần khiết của mình, của sự tự vấn và các chủ đề khiên cưỡng. Như vậy sự bất đồng cơ bản giữa các nguyên tắc của chủ nghĩa Hiện đại và Hiện thực XHCN tiếc thay đã tạo nên cái cốt lõi của những năm hình thành nền hội họa Việt Nam.” Thấy đây là bài viết đầu tiên, và có lẽ cũng là duy nhất, của một nhà chuyên môn độc lập người ngoại quốc về triển lãm của Việt Nam tại Tokyo, tôi đề nghị anh cho phép tôi dịch sang tiếng Việt để độc giả Việt Nam thấy “bè bạn nhìn ta như thế nào”. Anh vui vẻ đồng ý ngay. Đầu tiên tôi gửi bản dịch kèm phỏng vấn anh về một chuyên san điện tử trong nước, nhưng bài bị từ chối. Sau đó ít lâu một tờ báo mạng nổi tiếng ở hải ngoại đã đăng nguyên văn bản dịch và phỏng vấn của tôi [5] .


2. Nhà sưu tầm tranh

Ông là chủ nhân của hai gallery tranh tại Hà Nội. Trong 56 tác phẩm Việt Nam gửi trưng bày tại Tokyo Station Gallery có 6 bức được mượn từ sưu tập tư nhân của ông. Nhân dịp ông sang Tokyo dự khai mạc triển lãm nói trên tôi gọi điện đến khách sạn mời ông cùng hai bạn của ông đến xem tranh và dùng bữa trưa tại BiCE Tokyo.

Xem tranh của tôi, ông nói:

“Ở Việt Nam tôi chưa thấy có ai vẽ như thế này!”

Biết tôi dự định sẽ về Hà Nội triển lãm nhóm cùng với một số nghệ sĩ Nhật khác vào cuối năm 2006, ông đề nghị:

“Mang bức ‘Thơ ngây’ về Hà Nội bày đi! Tôi sẽ mua.”

Tuy mới gặp nhau lần đầu tiên, chúng tôi trò chuyện khá cởi mở. Ông than phiền về các họa sĩ thương mại ở Việt Nam:

“Thằng T còn nợ tiền tôi mà chưa chịu vẽ tranh. Thằng U xây nhà lầu không phải do bán được tranh đâu! Chúng nó cứ ‘nống’ lên ‘tung hỏa mù’ đấy thôi. Nó buôn đồ cổ cho mấy quý bà đấy. Tôi còn lạ gì chúng nó! Thằng V vẽ chỉ có 5 ‘mô-típ’, diễn đi diễn lại mãi, bây giờ hết vở rồi.”

“Có lần tôi đặt tranh thằng X. Nó ‘ngâm tôm’ cả tháng. Tôi giục giã mãi, nó hẹn 11 giờ trưa đến nhà nó lấy. Bấm chuông, ô-sin ra đưa tranh, nói: ‘Chú ấy bắt đầu vẽ lúc 9 giờ sáng nay!’ Sơn trát dày như thế này này. Lúc đem tranh về, thằng nhỏ cầm lái, còn mình ngồi sau phải giữ khư khư để mặt tranh ngửa lên cho khỏi bị quệt dính.”

“Hồi tôi mới bắt đầu chơi tranh, tôi cũng ôm mộng nâng đỡ các nhân tài. Tôi trả tiền đặt nó vẽ, mua cả ‘toan’, bút vẽ, màu sơn cho nó, thậm chí cho nó mượn cả một phòng trong nhà tôi để ‘sáng tác’. Ông tướng đến, nổi cảm hứng nghệ sĩ, trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, bôi quệt trát tứ tung, rồi bỏ đấy ra về, để mặc bút vẽ, bảng pha màu và căn phòng dính đầy sơn cho tôi cọ rửa, lau dọn. Sau vài ‘vố’ như vậy tôi chào thua luôn.”

Nguyễn Đình Đăng, “Thơ ngây”, sơn dầu 162 x 97 cm, 2005

Câu chuyện chuyển sang các vấn đề đời sống hàng ngày ở Việt Nam. Tôi thắc mắc một cách ngây thơ rằng ở Hà Nội đường đã chật mà sao xe hơi “xịn” nhập về, chưa kịp xuất kho, đã được các đại gia đăng ký mua hết. Tôi lại so sánh với đời sống bên Nhật: có xe hơi là phải trả cả đống tiền thuê chỗ đậu, bảo hiểm, mà hiệu xuất sử dụng ít. Phần lớn đàn ông không dùng xe hơi đi làm, mà đi tàu điện, vì sợ kẹt xe, muộn giờ làm. Ông cười và nói:

“Ở Việt Nam ông cần ô-tô quá đi chứ! Ông muốn tiếp cận các ‘tai to mặt lớn’ để làm ăn chứ gì? Ông không thể đi Dream đến gặp các vị. Ông phải lên ‘con’ Mercedes. Ông đã quá niên trạc ngoại… ngũ tuần, nhưng lại muốn bắt bồ với em 8X chứ gì? Ông không thể đến đón em bằng ‘con’ a-còng, mà phải bằng một ‘con’ BMW chứ!”

Chân lý quả thực bao giờ cũng rất đơn giản.

Lúc chia tay, ông nhắc lại:

“Mang bức ‘Thơ ngây’ về nhé! Tôi sẽ mua… theo giá ở Việt Nam.”


3. Ông bộ trưởng

Khi tôi cùng nhà sưu tầm tranh nói trên và các bạn của ông bước vào BiCE Tokyo, Angelo đã chạy ra, hào hứng thông báo:

“Đại sứ Việt Nam và bầu đoàn đang ngồi ăn trong kia. Tôi đã giới thiệu tác phẩm của ông và mang sổ cảm tưởng của triển lãm tới tận bàn của họ để họ ghi. Ông vui lòng tới chụp hình với họ chứ?”

Liếc thấy vẻ mặt dửng dưng của nhà sưu tầm, Angelo hiểu mình đã lỡ lời, bèn nói:

“Ông cứ giới thiệu tranh cho khách của ông. Tôi sẽ báo lại với họ.”

Khi chúng tôi đến gần bức tranh “Đại dương mùa đông”, tôi thấy một đám thực khách cả Việt Nam và Nhật đang ăn uống tại đó, nhưng không có ai giống ông đại sứ Việt Nam mà tôi đã có hân hạnh được gặp trước đây. Nhà sưu tầm nhắc khéo:

“Ta cứ kệ họ thôi!"

Một lát sau, trong khi chúng tôi đang vừa ăn vừa nói chuyện, Angelo lại chạy ra nói:

"Bây giờ ông có thể ra với họ chứ? Họ đang dàn hàng ngang chụp hình trước tranh ông đấy.”

Tôi đành cáo lỗi các vị khách của tôi và theo Angelo tiến ra phía các quan khách nọ. Khi tôi đến gần, họ đang đứng dậy lục tục ra về. Angelo nói gì đó với một người Việt Nam đi giữa, trông bảnh bao, com-lê, cà-vạt, đầu chải gôm bóng mượt, có vẻ là nhân vật trung tâm. Vị này lãnh đạm bắt tay tôi trong khi đi qua trước mặt tôi. Tôi nói mấy câu tự giới thiệu tôi là họa sĩ của triển lãm này và nhận được cái nhìn mơ hồ từ mắt ông ta. Không một câu trả lời, không nói một lời tạm biệt, ông ta cùng đoàn tùy tùng lững thững đi ra cửa. Mấy người Nhật tháp tùng chạy lăng xăng xung quanh như các vệ tinh. Tôi đâm bực mình vì phải bỏ dở câu chuyện với mấy người khách để ra lắc mấy ngón tay của người đồng hương xa lạ. Như đoán được cảm giác của tôi, Angelo xin lỗi rối rít:

“Xin lỗi ông! Tôi nhầm, ông ấy không phải là ngài Đại sứ Việt Nam. Nghe nói ông ấy là một bộ trưởng một bộ quan trọng nào đó từ Hà Nội vừa sang.”

Tôi mở sổ ghi cảm tưởng ra xem, chỉ thấy vài dòng tiếng Nhật của mấy người Nhật trong đoàn khách đó. Không một dòng chữ tiếng Việt. Vì thế tôi chịu không biết danh tính “ông lớn” nọ. Sau này, sau khi tình cờ nhìn thấy ảnh ông trên một trang báo mạng trong nước tôi mới hân hạnh được biết ông ta là ai.


4. Họa sĩ Việt kiều

Tôi từng đọc báo chí trong nước nói về ông từ khi tôi còn đang học phổ thông. Tôi cũng đã được chiêm ngưỡng vài tranh in đá của ông vẽ mấy con ngựa trên một tông màu xanh dương treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Nhân một nhà phê bình Nhật Bản đăng một bài ngắn về tranh của tôi trong tạp chí Cửa sổ mỹ thuật [6] , tôi mới tò mò xem cả số tạp chí đó và tình cờ tìm thấy một bài giới thiệu triển lãm cá nhân của họa gia Việt kiều nổi danh này, sắp khai mạc tại một gallery ở khu Ginza của Tokyo. Ngày khai mạc sẽ có sự hiện diện của đích thân họa sĩ vừa đến từ nơi ông đang sống ở thủ đô một nước châu Âu. Sau ngày khai mạc một hôm, tôi tới gallery để gặp ông. Tôi định bụng sau khi xem tranh ông sẽ rước ông sang BiCE Tokyo xem triển lãm của tôi, chỉ cách nơi ông triển lãm chừng 15 phút đi tàu điện ngầm. Tuy là đã nhận lời mời của tôi qua điện thoại, khi gặp ông lại từ chối, lấy lý do là ông không thích đi tàu điện ngầm vì tuổi cao. Tôi nói: “Vậy thì cho phép cháu được mời bác đi taxi”. Ông vẫn từ chối với lý do là nhỡ trong lúc vắng mặt có khách tới gallery, dù ông chưa hẹn gặp ai. Tôi đành ngồi nói chuyện với ông tại gallery. Cũng may là tôi đã tặng ông chủ gallery này một cuốn vựng tập “Niềm sung sướng của trí tưởng tượng”. Tôi bèn mượn đưa ông xem để ông có khái niệm về tranh của tôi. Ông khen tôi “vẽ giỏi”. Tranh của ông lần này vẽ toàn mặt người, nom từa tựa mặt tượng Phật kiểu “mô-đéc”, mờ mờ trên nền màu xanh na ná như màu những tranh ông vẽ ngựa tôi nhìn thấy khi xưa, tuy là bây giờ ông “chơi” sơn dầu chứ không phải in đá như trước. Ông khoát tay chỉ số tranh trên tường và nói:

“Bác không rõ ở đây họ buôn bán thế nào. Họ mua hết số tranh này của bác rồi đấy chứ!”

Sau này, tình cờ tôi được ông chủ gallery cho biết gallery có mua vài bức. Số còn lại họ mượn của họa sĩ. Bức nào bán được, gallery hưởng “phần trăm”. Những bức không bán được, sau triển lãm họ sẽ trả lại họa sĩ. Đó là cách làm việc thông thường của gallery này.

Ông nói về dự án mỹ thuật môi trường của ông tại Việt Nam. Ông nói ông chán vẽ theo đuôi người Tây rồi, rằng mình phải là mình, không giống ai hết, rằng ở Việt Nam rất dễ tạo ra nghệ thuật ngay từ thiên nhiên, rằng cái quan trọng là mình phải chỉ cho người ta nhìn thấy bức tranh trong thiên nhiên. Ông còn nói về Thánh Gióng, về Âu Cơ đẻ trăm trứng, v.v. Tôi ngồi hầu chuyện ông mà cứ như vịt nghe sấm.


5. Chủ gallery

Tuy tôi không có hân hạnh được nghênh tiếp họa gia Việt kiều tại triển lãm của mình, nhưng đúng như “Tái ông mất ngựa”, tôi được nghênh tiếp ông chủ gallery này tại BiCE Tokyo. Ông ta nói rằng ông cảm thấy trong tranh của tôi có sự kỳ bí, mà đó chính là cái đẹp sâu xa nhất trong mỹ thuật. Ông nói tranh của tôi chứa những yếu tố kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, rằng trong đó ẩn dấu một chiều kích mới: chiều của thời gian, của quá khứ. Tôi đã nghe những nhận xét như vậy nhiều lần, nhưng nghe lại vẫn thấy sao mà sướng cái lỗ nhĩ của tôi quá! Ông lại nói ông sẽ suy nghĩ để tổ chức triển lãm cá nhân tranh của tôi tại gallery của ông khi có dịp thuận tiện. Ông khoe rằng gallery của ông không như mấy gallery-nhà kho ở New York, rằng ông vốn mê tranh của họa gia Việt kiều nọ từ 15 năm nay, bây giờ mới có dịp triển lãm cá nhân cho họa gia tại Tokyo. Tôi thầm kết luận rằng, cứ cho là tôi có lợi thế sống cùng thành phố của gallery này đi, bét ra tôi cũng phải đợi 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa mới đến lượt triển lãm tranh của mình tại gallery của ông.


6. Giáo sư vật lý

Tôi từng là cộng sự của ông trong năm đầu tiên khi tôi mới đến Nhật. Bố ông là một nhà vật lý Nhật Bản nổi tiếng, từng suýt được giải Nobel. Mẹ ông xuất thân trong một gia đình kinh doanh ngân hàng chính gốc Tokyo. Vì thế gia đình ông khá giàu. Và có thể cũng chính vì thế ông bị không ít người đố kỵ ghen ghét. Ông để ngoài tai mọi lời thị phi. Ông hiện là giáo sư tại một trường đại học cách Tokyo khoảng một giờ rưỡi đi tàu siêu tốc. Tuy nhiên ông đã lái xe hơi chở vợ ông cùng đến xem triển lãm của tôi. Ông thích lái xe hơi. Ngồi bên bàn ăn tại BiCE Tokyo ông nói to:

“Tôi chán ghét người Nhật. Tất cả trèo lên một chuyến tàu rồi cùng nhau đi về một hướng!”

“Nhưng lái xe trên xa lộ cũng là đi về cùng một hướng đấy thôi!” – Tôi vặn.

“Đúng! Nhưng khác tốc độ!” – Ông cười to.

Tôi liếc nhìn xung quanh. Các thực khách Nhật ở các bàn bên vẫn ăn uống bình thường, không hề tỏ bất cứ thái độ gì trước câu nói có vẻ “khiêu khích” của ông. Tôi thử hình dung xem chuyện gì có thể xảy ra nếu một giáo sư Việt Nam nói: “Tôi chán ghét người Việt Nam” tại một nhà hàng ở Hà Nội. Nếu không bị sinh sự ngay tại bàn ăn, thì chắc sẽ được lãnh đủ mắm tôm, trứng thối, hay nước rửa hòa a-xit của những người Việt “yêu nước” khi về đến cửa nhà mình cũng nên.

Được biết ông hiện là chủ tịch một quỹ tư nhân do chính gia đình ông thành lập để ủng hộ các hoạt động sáng tạo của những người tàn tật, tôi đề nghị ông xem xét tài trợ cho hai họa sĩ Nhật Bản trong hội Mỹ thuật Chủ thể mà tôi là một hội viên. Người thứ nhất cụt cả hai tay, ngậm bút vẽ để vẽ tranh. Người thứ hai không đi được, phải dùng xe lăn. Họ tham gia đều đặn triển lãm hàng năm của hội tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Tokyo.


7. Nhạc trưởng

Tháng 10 năm 2004 Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia của Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng Nhật Bản tại Tokyo và Osaka. Chỉ huy dàn nhạc là một nhạc trưởng người Nhật. Tôi có đăng một bài về cảm xúc của tôi sau khi nghe buổi trình diễn của dàn nhạc tại Tokyo [7] . Sau đó qua một người bạn đồng thời là nghệ sĩ cello của dàn nhạc, tôi được làm quen với nhạc trưởng.

Ngày triển lãm của tôi khai mạc anh đi lưu diễn ở châu Âu. Một buổi tối, Benjamin Lee gọi điện cho tôi, như thường lệ, từ một nhà hàng ồn ào:

“Tôi đang ngồi với mấy người bạn đây. Trong bọn họ có một người Nhật là chỉ huy dàn nhạc, rất hay đi Việt Nam. Ông có muốn nói chuyện với anh ta không? Tôi chuyển điện thoại nhé!”

Tôi đã linh tính hiểu ngay vị nhạc trưởng đó chính là anh. Ở Nhật chắc không tìm ra nhạc trưởng thứ hai đi Việt Nam nhiều và say mê Việt Nam như anh. Tôi nghe tiếng anh cười phá lên trong điện thoại, rồi anh nói:

“Quả đất thật là hẹp! Không ngờ anh cũng là bạn của Benjamin. Lần từ Hà Nội trở về vừa rồi có người gửi tôi mang cho anh mấy thứ đồ ăn, nhưng tôi lại phải đi châu Âu ngay, không kịp chuyển cho anh, nên đồ ăn hỏng hết. Tôi đành phải vứt đi rồi. Xin lỗi, xin lỗi nhé!”

(…)

“Có, tôi có nhận được thiếp mời triển lãm của anh. Triển lãm còn không? Tôi muốn đến xem.”

(…)

“O.K.! Vậy gặp nhau trưa thứ Bảy nhé, vì chiều tối tôi còn có giờ tổng duyệt cho buổi hòa nhạc ngày Chủ nhật. Tiện thể, anh chị có thời gian đi xem buổi hòa nhạc đó không? Anh chị sẽ là khách mời của tôi.”

Đây là lần đầu tiên anh xem tranh của tôi. Anh nói:

“Tôi có biết vài họa sĩ Việt Nam. Tôi cũng đã được nghe các bạn Việt Nam giới thiệu anh là một họa sĩ, nhưng tôi không ngờ anh lại vẽ như thế này!”

Anh chụp nhiều tranh của tôi bằng điện thoại di động của anh. Anh nói:

“Tôi sẽ ‘meo’ cho X, Y, Z (tên các nhạc sĩ và nhạc công ở Hà Nội mà cả anh và tôi đều quen) ngay bây giờ để họ biết tôi đang xem triển lãm của anh.”

Anh nói sau buổi hòa nhạc ngày mai, sáng thứ Hai anh sẽ lại bay đi Hà Nội.

“Có lẽ anh sống ở Hà Nội nhiều hơn ở Tokyo?” – Tôi nhận xét.

“Tất nhiên rồi! Cuộc đời tôi ở đó, chứ đâu phải ở đây.” - Anh vừa nói vừa mơ màng nhìn xuống vịnh Tokyo – “Tôi chán ngấy những thành phố như thế này! Những tòa nhà này, chúng hiện đại thật đấy, nhưng chúng sẽ trở nên lố bịch sau 10 năm hay 20 năm. Còn Việt Nam, ôi Việt Nam! Các nhạc sĩ Việt Nam có một nhạc cảm tinh tế…”

“Tôi tưởng các nhạc công Nhật giỏi kỹ thuật lắm mà!” – tôi cắt ngang.

“Đúng, và họ chỉ giỏi có cái đó. Kỹ thuật là thứ khó nhưng có thể học được. Nhạc cảm là thứ trời sinh, không học được.” - Anh cười – “Khi tôi mới bắt đầu làm việc với dàn nhạc Việt Nam, có nhiều thứ khá ngộ nghĩnh. Tôi có cảm giác ai cũng muốn mình là người độc tấu hết! Nhưng bây giờ thì ổn rồi! Nhạc cảm của họ tinh tế lắm. Tôi muốn các đồng nghiệp Nhật Bản của tôi nên lắng nghe họ! Vì thế lần này tôi rủ một nữ ca sĩ đi Việt Nam cùng với tôi. Anh sẽ nghe cô ấy hát ngày mai.”

Tôi nghĩ thầm giá mà kết hợp được nhạc cảm của người Việt với kỹ thuật của người Nhật.

Anh có hai điều ước. Điều thứ nhất là vận động xây một phòng hòa nhạc cổ điển với công nghệ hiện đại tại Hà Nội. Ở Nhật hầu như mỗi thành phố đều có một phòng hòa nhạc hiện đại. Đến ngay thành phố tôi ở, cạnh Tokyo, bé tí với 70 ngàn dân mà cũng có một trung tâm văn hóa với hai phòng hòa nhạc, một to, một nhỏ. Phòng to có 1286 chỗ ngồi dùng để nghe nhạc giao hưởng, xem opera, hay ballet. Các nghệ sĩ độc tấu piano và violon hay trình diễn tại phòng nhỏ 300 chỗ ngồi. Cả nước Việt Nam hơn 80 triệu dân với hai thành phố Hà Nội và Sài gòn tổng cộng có lẽ tới 10 triệu người mà không có một phòng hòa nhạc cho ra phòng hòa nhạc. Nhà hát Lớn Hà Nội – theo anh - chỉ hợp cho hát opera và độc tấu nhạc cụ, chứ không hợp cho hòa nhạc giao hưởng. Dàn nhạc cũng cần một chỗ tập tử tế với phòng thu âm ngay trong nhà hát. Anh nói anh đang vận động ở Nhật, có khả năng sẽ hỏi cả ODA v.v. Anh nói anh hiểu xây một phòng hòa nhạc ở Việt Nam như anh và các nhạc công Việt Nam mong muốn quả thật rất khó vì Việt Nam còn nghèo. Lời lẽ của anh “đủ đầy, nghe ra chừng phải quá”. Tôi nghĩ, Việt Nam hiện còn đang phải quan tâm phát triển đường xá, giao thông (qua các PMU chẳng hạn), hàng không dân dụng (như đầu tư cho VietNam Airlines để họ thuê thêm Boeings, gửi thêm nhiều nhân tài đi học, dạy các chiêu đãi viên biết cười với hành khách, v.v.), giáo dục (để nâng cao chất lượng thi cử, phong thêm nhiều giáo sư, đào tạo thêm nhiều tiến sĩ, v.v.), dầu khí (để xuất khẩu tăng GDP, và kết hợp với xây nhà máy điện nguyên tử để giải quyết vấn đề năng lượng, v.v.). Gớm, mới chỉ nghĩ có chừng ấy thôi mà đã thấy rối tinh cả lên rồi, nay lại còn thêm phòng hòa nhạc giao hưởng nữa thì dân Việt sẽ phải đóng bao nhiêu tiền thuế đây? Điều ước thứ hai của anh là có một buổi trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do anh chỉ huy tại giáo đường của Nhà thờ Lớn Hà Nội. Chết! Chết! Nhạy cảm, nhạy cảm! Anh nói nhiều năm về trước có một lần duy nhất Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhưng đó là do yêu cầu của Đại sứ Quán Pháp. Nay, sau khi anh nêu nguyện vọng, lãnh đạo Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nói sẽ xin chỉ thị của các cơ quan cao hơn, nhưng sau cùng hình như nguyện vọng đó không… Ấy chết, chưa được, chấp nhận.

*



Cuộc triển lãm hai tháng của tôi đã bế mạc từ cuối năm ngoái. Tôi cũng từng định viết về nó ngay sau khi nó kết thúc. Xét thấy mình lại sắp “sản xuất” một bài viết về chính mình, tôi lưỡng lự. Cách đây vài hôm vợ tôi nói: “Sao anh không viết đi! Có thể không ai thích, nhưng em thích. Em luôn là người đọc đầu tiên. Em thích tất cả những gì anh viết.” Đó là vì sao tôi đã ngồi viết bài này. Cũng như vẽ tranh, tôi viết trước hết cho tôi, cho vợ tôi. Nếu một số quý vị thấy bài viết đáng xem, tôi xin đa tạ quý vị. Quý vị nào thấy nó nhàm chán, xin hãy quên nó đi.

Từ trên trời rơi xuống ba quả táo ngon ghê! Một quả dành cho người kể chuyện, một quả tặng người nhận đăng câu chuyện này, còn quả thứ ba xin dành để biếu bạn đọc.

Tokyo 24/6/2006

© 2006 talawas


[1]Modern fine-arts – giai đoạn mỹ thuật từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20 – trong tiếng Nhật được dịch là “mỹ thuật cận đại” (近代美術). Một số tài liệu ở Việt Nam lại dịch “modern fine-arts” là “mỹ thuật hiện đại” (mà theo Hán - Việt là 現代美術). Theo thiển ý của tôi, cách tốt nhất để tránh hiểu nhầm là gọi các thời kỳ nghệ thuật theo năm, ví dụ: “Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20”, “Hội họa Việt Nam giai đoạn 1925 – 1975”, “Hội họa Việt Nam sau 1986”, v.v. vì tất cả các tính từ như “cận đại”, “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “đương đại”,v.v. đều chỉ có ý nghĩa tương đối.
[2]Xem http://ribf.riken.go.jp/~dang/page1.html
[3]M. Larking, Surreal Vietnam imaginings, The Japan Times, 7/10/2005
http://ribf.riken.go.jp/~dang/BiCE/SurrealVN.htm
[4]M. Larking, The art of war, The Japan Times, 24/11/2005: http://ribf.riken.go.jp/~dang/ArtofWar.htm
[5]M. Larking, “Nghệ thuật của chiến tranh”, talawas, 10/3/2006
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6633&rb=0202
[6]Y. Isobe, trong Cửa sổ mỹ thuật (
美術の窓) số 266, tháng 11/2005, tr. 325:
http://ribf.riken.go.jp/~dang/Shutai41/bijutsunomado.htm
[7]Nguyễn Đình Đăng, “Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam chinh phục Tokyo”, Người viễn xứ, 6/10/2004: http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/service/printversion.vnn?article_id=523058