MỘT THỊ TRƯỜNG NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC Ở VIỆT NAM?

(Cảm nghĩ nhân đọc “Tranh Việt …và thị trường đấu giá quốc tế” cuả Lý Đợi)

 

Nguyễn Đình Đăng

 

Cách đây chừng một phần tư thế kỷ, có một dạo hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi vẽ cảnh phố xá Hà Nội. Khi tôi đứng đường vẽ như vậy, thường có nhiều trẻ con người lớn vây xung quanh xem. Có lần một cậu thiếu niên hỏi tôi:

 

-       Anh ơi, anh vẽ để làm bài dự thi à?

-       Không. – Tôi trả lời

-       Thế anh vẽ để bán à?

-       Không.

-       Thế để triển lãm à?

-       Không.

-       Thế thì anh vẽ để làm gì?

-       Chẳng để làm gì. Thích vẽ thì vẽ.

-       Thế thì vẽ làm cái đéo gì! – Cậu thiếu niên nói rồi bỏ đi.

 

(Tôi thành thật xin lỗi quý vị vì tôi cho rằng, trong trường hợp này, chỉ có viết rõ toàn bộ mới có hy vọng truyền được phần nào cái âm hưởng của tiếng Hà Nội thanh lịch, quê hương của tôi.)

 

Một hoạ sĩ Hà Nội từng nói với tôi rằng nếu không là để bán thì anh ta không vẽ. Nói đến chuyện vẽ tranh để bán, tại một số thành phố của các nước mà tôi có dịp đi qua, đều có những địa điểm nơi các hoạ sĩ tụ tập bày tranh, vẽ tranh để bán cho khách du lịch. Paris có Place du Tertre trên đồi Montmartre, Naples có Galleria Umberto, Lisbon có phố Augusta, Moscow có phố Arbat, Tokyo có bậc tam cấp vào công viên Ueno, v.v. Ở Việt Nam tuyệt nhiên không có những chỗ như thế. Tại một đại hội văn nghệ sĩ được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây chừng hai chục năm, tôi có đọc một tham luận trong đó tôi nêu ý kiến đề nghị Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hoá và thành phố Hà Nội, cho phép mở một địa điểm như vậy ở Hà Nội. Khi tôi nói xong quay về chỗ ngồi, một anh bạn hoạ sĩ ngồi cạnh nói nhỏ với tôi: “Thực ra không ai cấm làm như vậy.” Khoan bàn tới đề tài là ở Việt Nam “không ai cấm” không đồng nghĩa với “được phép làm”, đến nay tôi cũng đã thấy rằng đề nghị của tôi có lẽ là bất khả thi vì hai lý do. Một là: một khi cả thành phố đã thành một Place du Tertre, với hàng loạt galleries bán nhiều tranh “series” giống nhau, thì liệu có cần thêm một cái Place du Tertre bên trong nó nữa? Hai là: ở những chỗ thanh thiên bạch nhật như thế, hoạ sĩ không chỉ bày bán tranh phong cảnh, tĩnh vật tầm tầm là xong, mà còn cần trổ tài vẽ chân dung của khách du lịch làm sao cho… giống trong vòng nửa giờ hay 45 phút. Quả này xem ra khó nhằn đối với nhiều hoạ sĩ được đào tạo từ các trường mỹ thuật của ta, mà theo như nhận xét của ông chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, nhiều người trong số họ còn “chưa làm chủ kỹ thuật[1]. Ông chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội Nguyễn Đỗ Bảo thì kể: “Tôi từng hỏi đại diện một trường mỹ thuật là có ai đủ trình độ vẽ một cái tay, cái chân cho chuẩn, các anh ấy bảo khó đấy!”.

 

Như thế không biết đã đủ để độc giả có thể tự kết luận tại sao Việt Nam chưa thể có một thị trường nghệ thuật “đích thực” hay chưa?

 

Nói ra nghe cứ ngỡ như một nghịch lý, nhưng nghệ thuật đích thực phải không nhằm bất cứ mục đích nào khác nằm ngoài, hoặc cao hơn, việc thể hiện thiên phú của nghệ sĩ. Tranh pháo, được “sản xuất” trước hết để bán, để phục vụ tuyên truyền, hay bất cứ thứ gì khác, nếu không là “rác thải văn hoá” (tên gọi mỹ miều của đồ vứt đi), thì cũng có rất ít giá trị, được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ đã là may lắm rồi.

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 90

Tô Ngọc Vân, Hai thiếu nữ và em bé (1944)

Trái: bản của BTMT Việt Nam. Phải: bản của BTMT châu Á tại Fukuoka (Nhật Bản)

 

Vì thế, theo thiển ý của tôi, chỉ khi nào Việt Nam có nhiều hoạ sĩ vẽ tranh không nhằm mục đích chủ yếu là để bán, mà vẽ vì ý thích là mục tiêu tối thượng, chỉ vì nếu không vẽ thì không chịu được, vẽ chẳng để làm cái (…) gì, thì lúc đó mới có hy vọng ở Việt Nam xuất hiện một thị trường tranh thực thụ. Nếu chính các hoạ sĩ cũng làm tranh giả nhan nhản để bán, chính các viện bảo tàng mỹ thuật (BTMT) – kho báu nghệ thuật của quốc gia – lại đi “khơi mào chuyện chép tranh”[2] để rồi các kiệt tác của hội hoạ Việt Nam tiền chiến (trước 1945) như hai bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh và “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân đều có mỗi bức tới hai “bản gốc”, một bản treo ở BTMT Việt Nam, bản kia treo ở BTMT của Nhật Bản, mà cho đến giờ phút này vẫn chưa bảo tàng nào chịu nhận tranh của mình là bản sao[3], thì viễn cảnh về một thị trường tranh đích thực, một nhà đấu giá tranh đích thực do người Việt làm chủ ở Việt Nam e rằng còn xa vời.

 

Nghệ sĩ là con đẻ của xã hội. Người Việt ta có câu: “Giỏ nhà ai quai nhà ấy.” Một xã hội dân trí thấp, vận hành theo một cơ chế vàng thau lẫn lộn, những người biết (vừa uyên bác vừa thông minh) thì không nói (hoặc không được nói) vì không lấy ai và lấy gì bảo đảm quyền tự do sau khi phát ngôn của họ, còn những người không biết (vừa dốt vừa ngu lại vừa độc đoán) thì lại được quyền tha hồ ba hoa chích choè, giáo dục khủng hoảng, đạo đức băng hoại, tham nhũng là quốc nạn, thì thử hỏi liệu làm sao có thể sản sinh ra một nghệ thuật có giá trị cao được, nếu không nói là liệu còn có thứ gì đáng được gọi là nghệ thuật nữa hay không?

 

Buồn!

 

Tokyo 21/9/2009

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

 

_______________________________

 

[1]Tranh sơn dầu đương đại Việt Nam: Nhiều hoạ sĩ chưa làm chủ kỹ thuật”, Thanh Niên, 16/11/2008

 

[2]Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khơi mài chuyện chép tranh?”, Báo Đất Việt 15/5/2009

 

[3] Bức luạ “Chơi ô ăn quan” (1931) của Nguyễn Phan Chánh và bức sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” (1944) của Tô Ngọc Vân đồng thời có mặt tại sưu tập cố định của BTMT Việt Nam và BTMT châu Á ở Fukuoka (Nhật Bản). Xem:

http://dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=801&c=28

http://faam.city.fukuoka.lg.jp/search/view.php?view=00002189

http://faam.city.fukuoka.lg.jp/cgi-bin/eng/collection/collection.cgi?cnid=0405241453201442