Nguyễn Đình Đăng

 

Tiếng hót của con sơn ca

 

"Tôi không tán thành điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ tới chết cái quyền của bạn được nói điều đó."
- trích từ
Những người bạn của Voltaire (1906), Evelyn Beatrice Hall (1868-1919) -




Nỗi bất bình vì bài phỏng vấn học giả họ Vương đăng trên VieTimes chưa kịp nguôi đã lại bùng lên như lửa được tưới thêm dầu sau loạt bài tờ báo mạng này tung ra để công kích một số nghệ sĩ đương đại trong nước với tiếng kèn xung trận là bài "Hãy thừa nhận đi - bạn ghét nghệ thuật đương đại!" mà Bảo Bình của VieTimes nói là lược dịch từ Spengler. Thực ra bài lược dịch nói trên là kết quả của một sự cắt xén nhặt nhạnh từ hai tiểu luận của Spengler là "Admit it – you really hate modern at" đăng ngày 30/1/2007 và "Why you pretend to like modern art" (Tại sao bạn giả đò thích mỹ thuật hiện đại) đăng ngày 1/5/2007 tại Asia Times Online.

Để bạn đọc thấy rõ những phần nào được xén ra từ hai tiểu luận nói trên, tôi đã tạm dịch toàn bộ nguyên văn hai bài đó và đăng kèm trong phần phụ lục của bài viết này. Trong hai bản dịch của tôi, những phần
in nghiêng là phần đã bị Bảo Bình lược đi, những cụm từ in đậm ứng với những chỗ Bảo Bình dịch sai.

Sau đây là một số nhận xét của tôi về bản lược dịch của Bảo Bình cũng như về hai tiểu luận của Spengler.


*

Nhận xét về bản lược dịch của Bảo Bình

1. Không đọc được giữa hai dòng, cũng như không cảm thụ được tính hài hước của Spengler, người lược dịch đã cắt xén, biến hai tiểu luận khá hấp dẫn thành một bài khẳng định mang tính quy chụp. Rõ ràng người lược dịch làm việc này không ngoài ác ý là muốn đập một số nghệ sĩ đương đại "chọn lọc" của Việt Nam, bởi vì người lược dịch đã loại bỏ những đoạn "nói tốt" cho nghệ thuật hiện đại, ví dụ như bức thư của Kandinsky gửi Schönberg và nhận định của Spengler sau đó. Người lược dịch còn cắt đi nhận xét đầy dí dỏm nhưng khá quan trọng ở phần kết của tiểu luận thứ nhất, cụ thể là: "Nhưng tôi là người phóng khoáng; cuối cùng thì chắc cũng phải có một giá trị về mặt kỹ thuật trong thứ nghệ thuật đó chứ."

2. Nhiều từ, cụm từ đã bị dịch sai, ví dụ:

·   modern artnghệ thuật hiện đại (trong bài phải được hiểu là mỹ thuật) thì lại bị dịch nhầm thành nghệ thuật đương đại (contemporary art). Trong bài Hội hoạ hiện đại Việt Nam ở đâu tôi đã phân tích sự lẫn lộn này, nên khỏi cần nhắc lại nữa. Tiểu luận của Spengler chủ yếu nói về mỹ thuật và âm nhạc hiện đại (với 3 đại diện là Kandinsky, Pollock, Schönberg), tuy đôi chỗ có lôi cả Damien Hirst (nghệ sĩ đương đại) vào. Trong khi đó, các hoạt động của Đào Anh Khánh cùng với nghệ thuật trình diễn hay sắp đặt mà VieTimes công kích thuộc về nghệ thuật đương đại (contemporary art), chứ không phải là hiện đại (modern art).

·   từ royalty có nhiều nghĩa (Xem Meriam Webster Online dictionary). Trong câu the price of Kandinsky's smallest work probably exceeds the aggregate royalties paid for the performances of Schoenberg's music, từ royalties (số nhiều) là tiền thù lao hay tiền nhuận bút, chứ không phải là số tiền mà hoàng gia trả.

·   Atonal musicâm nhạc phi giai điệu, tức không được viết theo một giọng (gamme, key) nhất định, chứ không phải âm nhạc không theo nhịp điệu. Ở đây người lược dịch đã lẫn lộn hai khái niệm tone (âm giai, cung bậc) và rhythm (nhịp điệu, tiết tấu). Âm nhạc phi giai điệu là thuật ngữ được dùng để chỉ loại hình âm nhạc không dựa trên gamme (key) chủ đạo, đặc biệt là loại nhạc 12 cung (dodecaphony) do Arnold Schönberg sáng chế ra. Trong các nhạc phẩm loại này 12 nốt nhạc của gamme nửa cung (chromatic scale) vang lên như nhau. Có thể nghe một trích đoạn piano concerto op. 42 của Schönberg do nữ nghệ sĩ piano Nhật Bản Mitsuko Uchida chơi cùng dàn nhạc trên Youtube.

·   calculus là phương pháp tính tích phân (integration) - vi phân (differentiation) và các khái niệm liên quan như tính các giới hạn (limits) và chuỗi vô hạn (infinite series) của Newton và Leibniz, chứ không phải là toán học như đã bị dịch đại.

·   composers employed at courtcác nhà soạn nhạc cung đình chứ không phải là các nhà soạn nhạc được biểu diễn trên sân khấu. Court ở đây là cung vua.

·   Nhà tài phiệt truyền thông David Geffen đã bán một bức tranh của Pollock với giá 140 triệu USD thì lại bị dịch sai hoàn toàn thành ông ta mua bức tranh đó với giá 140 triệu USD!

·   làm bà đỡ cho sự ra đời của những con quái vật này bị dịch phóng thành phục vụ cho những niềm đam mê ngu ngốc này, tức là cũng sai nốt!


Còn một số lỗi dịch sai nhỏ hơn, tôi xin miễn nêu ra ở đây để bài viết khỏi dài quá.


Nhận xét về hai tiểu luận của Spengler

Phải công nhận Spengler có biệt tài viết với giọng văn "hài hước hằn học". Tuy nhiên, sau khi đọc toàn bộ hai tiểu luận của Spengler người đọc không cảm thấy nghệ thuật hiện đại (và đương đại) bị hạ thấp mà chỉ thấy toát lên sự ngu ngốc của công chúng mà thôi, trong đó Spengler cũng là một thành viên! Bên cạnh những ưu điểm, hai tiểu luận của Spengler có một số vướng mắc có lẽ do dựa trên những quan sát đầy định kiến và cảm tính, được liệt kê dưới đây.

 

Wassily Kandinsky, "Đen và Tím" (Black and Violet, 1924)

Spengler lẫn lộn nghệ thuật đương đại với hiện đại khi nhập Damien Hirst vào cùng Kandinsky và Pollock. Nếu Spengler định dùng "nghệ thuật hiện đại" để bao hàm cả nghệ thuật đương đại thì, ngoài việc trích dẫn Schönberg, Spengler cần nhắc đến cả nhạc pop, rock, hiphop, techno là những thứ đang được giới trẻ rất ưa chuộng. Ngược lại, những dòng nhạc này đã hoàn toàn bị bỏ qua trong hai tiểu luận. Hơn nữa, Spengler đã lấy một số thí dụ của một số danh họa có giá tranh cao đặt cạnh thí dụ của một nhà soạn nhạc kém may mắn về tài chính rồi quy nạp là người ta thích tranh hơn nghe nhạc. Lại một lần nữa, đây là một kiểu lập luận ngụy biện có tên "Mở rộng sự tương tự". Thực ra, Spengler đã bỏ qua rất nhiều họa sĩ hiện đại và/hoặc đương đại mà tranh của họ có đem cho cũng khó có ai muốn nhận, đồng thời cũng lờ đi một sự thật rằng nhiều nhà soạn nhạc pop, rock, hiphop kiếm được bộn tiền bằng việc trình diễn, thu âm, và kinh doanh các đĩa nhạc (không lời hoặc có lời, phi giai điệu hoặc có giai điệu) của họ, như Tetsuya Komuro của Nhật chẳng hạn.

Cái nhầm lẫn lớn nhất trong hai tiểu luận này là việc so sánh sự nhìn với sự nghe. Khi xem tranh, ngay một lúc ta có thể bao quát toàn bộ bức tranh. Ta không cần xem bắt đầu từ phần nào của tranh và kết thúc tại phần nào. Bức tranh không có trình tự thời gian và không có chuyển động thực trong đó. Cảm giác về thời gian hay chuyển động diễn ra trong tranh chỉ là ảo giác có được do tài vẽ và cách bố cục giỏi của họa sĩ. Trong khi đó, đối với một tác phẩm âm nhạc ta phải nghe từ đầu đến đuôi, nhanh thì vài phút như khi nghe một bản nocturne của Chopin, hoặc dài hơn thì khoảng nửa tiếng cho piano concerto của Grieg. Khi nghe phần này ta không thể nghe thấy cùng lúc giai điệu của phần trước, hoặc phần sau đó, mà chỉ có thể hồi tưởng hoặc chờ đợi chúng. Ta luôn cảm thấy sự chuyển động, nhưng lại phải tưởng tượng ra hình ảnh. Thần đồng piano Lang Lang nói, khi chơi Apassionata Sonata của Beethoven, anh ta hình dung ra các cấu trúc kiểu như các tòa nhà trong khi nghệ sĩ bậc thầy Barenboim lại hình dung ra các phong cảnh vùng
Bavaria.

Người ta có thể bị điếc khi nghe quá nhiều và liên tục âm nhạc có âm lượng trên 70 dB tại các sàn nhảy, trong các buổi hoà nhạc rock, hay thậm chí từ bộ gõ kim loại của các dàn nhạc giao hưởng, nhưng chưa có ai bị mù vì xem quá nhiều tranh, xác động vật ngâm fooc-môn, hoặc các buổi trình diễn của các nghệ sĩ khỏa thân bao giờ.

Một bức tranh là một tác phẩm độc bản. Kể cả khi đó là tranh khắc gỗ, kim loại, hay in đá thì cũng chỉ có vài bản được hoạ sĩ đánh số và ký tên là có giá trị. Trong khi đó, một nhạc phẩm chỉ có giá trị khi nó được đem ra trình diễn trước công chúng. Người ta có thể mua một bức tranh làm của riêng để trong bảo tàng của mình, lưu danh hậu thế, nhưng chưa có ai mua được một buổi trình diễn âm nhạc sống về cất giữ tại bảo tàng âm nhạc của mình. Người ta chỉ có thể lưu giữ CD, MD, DVD, video của buổi trình diễn đó mà thôi.

Đi bảo tàng, gallery để xem tranh thì dễ và rẻ tiền hơn đi nghe nhạc. Ví dụ: vé vào National Art Center ở Tokyo để xem tranh của Vermeer van Delf chỉ có 1.500 yen (12 USD) trong khi vé nghe nhạc giao hưởng ở Tokyo đắt gấp khoảng 10 lần, chưa kể nhiều khi phải đặt chỗ trước vài tháng. Buổi hoà nhạc của Gewandhausorchester Leipzig tại Suntory Hall vào ngày 6/2/2008 sắp tới chẳng hạn có giá vé như sau: hạng bét (D): 5.000 yen (khoảng 40 USD), hạng ba (C): 8.000 yen (67 USD), hạng nhì (B): 12.000 yen (100 USD), hạng nhất (A): 16.000 yen (133 USD); chưa hết, hạng bạc (Silver): 20.000 yen (167 USD), hạng bạch kim (Platinum): 25.000 yen (200 USD).

Chia âm nhạc thành hai loại trừu tượng và không trừu tượng cũng là một bất hợp lý vì bản thân toàn bộ âm nhạc là trừu tượng, tuy rằng cũng có một số nhạc phẩm biểu tượng (representational music), ví dụ như "Petya và chó sói" của Prokofiev, hay "Điệu bay của bầy ong" của Rimsky-Korsakov, "Xem tranh trong phòng triển lãm" của Mussorgsky, v.v. Thực ra, thuật ngữ "âm nhạc tuyệt đối" (absolute music) được dùng để chỉ loại âm nhạc phi-biểu tượng (nonrepresentational music), nhưng khái niệm đó là thuộc tính không chỉ của riêng loại âm nhạc phi giai điệu.

 

Damien Hirst, Vì tình yêu của Chúa

(For the Love of God, 2007)

 

Đánh đồng giá bán của tác phẩm với giá trị nghệ thuật của nó hay ý thích của người mua là một sự hài hước. Một tác phẩm bị rẻ rúng đương thời chưa hẳn là đã vô giá trị nghệ thuật. Ví dụ tranh của Van Gogh, Cézanne khi họ còn sống chẳng ai thèm mua. Sau khi Van Gogh chết rồi một hãng bảo hiểm của Nhật đã mua một bức hoa hướng dương của ông vào năm 1987 với giá 52 triệu USD! Vermeer van Delf là một hoạ sĩ chẳng mấy tăm tiếng khi ông còn sống, nhưng đã trở thành đại danh họa nhờ được các họa sĩ ấn tượng "phát hiện lại". Ngược lại, một tác phẩm được giá thương mại đương thời chưa hẳn đã thực sự có giá trị nghệ thuật tương xứng với cái giá ngút trời của nó. Thậm chí cũng chưa chắc người ta mua nó vì thích nó mà vì lý do khác. Ví dụ gần đây nhất, và được bàn tàn nhiều nhất trong giới nghệ thuật đương đại quốc tế, có lẽ là "tác phẩm" mang tên "Vì tình yêu của Chúa" của Damien Hirst (xem ảnh). Tác phẩm này gồm một cái đầu lâu bằng bạch kim lấy khuôn từ một cái đầu lâu thật của một người khoảng 30 tuổi thuộc thế kỷ 18, nạm 8,601 viên kim cương. Số kim cương được đánh giá tổng cộng khoảng 25 triệu USD, trong đó chỉ riêng viên to nhất (52.4 carat) gắn trên trán đã trị giá 8 triệu USD. Hirst không tự tay làm tác phẩm này. Anh ta đã bỏ ra 28 triệu USD để thuê thợ kim hoàn thể hiện ý tưởng của anh từ A đến Z. Tác phẩm có giá khởi điểm là 100.39 triệu USD. Tháng 6 vừa rồi nhạc sĩ và ca sĩ nhạc pop 44 tuổi George Micheal và bạn của anh ta đã ngỏ ý muốn mua tác phẩm này. Song, cuối cùng người phát ngôn của Hirst nói rằng một hãng bảo hiểm giấu tên đã mua nó hồi tháng 8 vừa qua với giá đã thách. Nếu thông tin này là đúng thì đây là giá cao nhất cho một tác phẩm nghệ thuật bán được trong khi tác giả của nó đang còn sống. Một số nhà phê bình mỹ thuật cho rằng đây một vật chẳng có thẩm mỹ gì hết. Một sô khác cho rằng đó là cái kết quả của một nền văn hóa sùng bài tăm tiếng.

Spengler sa vào việc cố lý giải cái đẹp là thứ không định nghĩa được. Ở đây, Spengler đánh đồng Chân Lý trong khoa học với Cái Đẹp trong nghệ thuật khi bàn về tính sáng tạo. Sự thực đây là hai lĩnh vực rất khác nhau. Xem chi tiết trong "Nghệ thuật là gì".

Spengler lấy thành quả nghệ thuật và âm nhạc chọn lọc của vài thế kỷ để đem so với kết quả của một thế kỷ 20. Để cho công bằng nhân loại cần phải đợi vài thế kỷ nữa thì mới có thể biết những ai trong số các hoạ sĩ và nhà soạn nhạc đương đại sẽ được lưu danh hậu thế như ngày nay chúng ta biết tới Leonardo da Vinci của thế kỷ 15 hay Bach của thế kỷ 17-18.

Chẳng riêng gì nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật thời nào cũng cần giới giàu có bảo trợ thì mới thành công. Thời Hoàng đế La Mã Augustus có Maecenas mà tên của ông bây giờ đã trở thành danh từ chung,
mecenate, có nghĩa là bảo trợ. Thời Phục Hưng có nhà bảo trợ nổi tiếng như Medici xứ Florence, người dùng việc bảo trợ nghệ thuật để rửa tiền lãi. Thời nay có các nhà tài phiệt, các công ty lớn, v.v. Ở đây Spengler đã nhầm lẫn khi so sánh tính hữu dụng của nghệ thuật với các tính hữu dụng khác như quan hệ mẹ - con, vợ - chồng - bạn bè. Không ai có thể nhịn ăn nhịn uống mà sống được, nhưng chưa có ai chết nếu không xem tranh hay không nghe nhạc. Vì vậy, về phương diện này, toàn bộ nghệ thuật là vô dụng, đúng như Oscar Wilde đã nhận định, nhưng vẫn có nhiều người thích.

Bế tắc khi tìm cách lý giải, Spengler đã viện dẫn tôn giáo làm cứu cánh. Tôi xin miễn bình luận.

Thực ra, ý thích là điều không thể lý giải được. Không thể lấy một cái chuẩn cũ kỹ để đo đạc ý thích. Không thể nói: "
Hãy thừa nhận đi - bạn thực sự ghét mắm tôm, vì tôi thấy nó khắm thủm. Bạn chỉ giả bộ thích để tỏ vẻ sành điệu." Ngạn ngữ Nga có câu: "Không tranh cãi về khẩu vị sở thích". Tại sao đa số công chúng bình thường thích các bức họa hiện thực? Phải chăng là vì, khi con người sống theo thói quen, họ thường thích những gì giống như những thứ họ thấy xung quanh từ khi lọt lòng mẹ? Giả sử có một thế giới của những hình nhân mũi lệch, mắt lác, mồm méo như trong tranh của Picasso, thì những sinh linh đó sẽ nghĩ sao khi nhìn thấy Mona Lisa của Leonardo da Vinci? Chắc lúc đó sẽ có một Spengler của những hình nhân này đứng ra kêu gọi: "Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật Phục Hưng!" Những người không quen nghe nhạc giao hưởng có thể coi nhạc Beethoven, Brahms là chói tai hay buồn ngủ. Đối với những người khác, trống phách hay nhạc trong tuồng, chèo của ta hay trong kabuki, nô của Nhật Bản, chỉ là những âm thanh í ới, hỗn độn, nghèo nàn v.v. Tuy nhiên, khẩu vị sở thích có thể có được qua trau dồi, rèn luyện. Những người biết vẽ, biết chơi đàn, theo tôi, có nhiều thành tố để đánh giá được các tài năng trong hội hoạ và âm nhạc chính xác hơn, vì ít nhất, họ hiểu rõ những khó khăn trong việc rèn luyện các kỹ năng cần có nhằm tạo ra những hoà sắc đẹp, những đường nét tuyệt vời, những hợp âm làm rung động lòng người, v.v. Cũng vậy, một nhà vật lý lý thuyết (giỏi) chắc chắn phải hiểu thuyết tương đối của Einstein, hay phương trình Schrödinger của cơ học lượng tử sâu sắc hơn là một người chỉ biết chúng qua đọc sách báo khoa học thường thức hoặc nghe về chúng trên các tờ báo "lá cải" hay TV.

Vì thế, khi phán xét về một lĩnh vực nào đó bất kể đó là nghệ thuật trung cổ, Phục Hưng, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, hậu ấn tượng, hiện đại, hay đương đại, bất kể đó là vật lý, toán học, sinh vật học, hay y học, ta cần các ý kiến của các chuyên gia về các lĩnh vực trên, chứ không nên "lược dịch" tiểu luận của một nhà bình luận nặc danh hay phỏng vấn những "học giả" không am tường về lĩnh vực đó rồi biến các nhận xét đầy hài hước, hay vô trách nhiệm của họ thành vũ khí trấn áp những ai và những gì mình không ưa.

Bất kể bạn có thích hay không, nghệ thuật đương đại là kết quả của sự tiến hoá tất yếu của tư duy con người. Nó tượng trưng cho quyền tự do tư tưởng của con người. Dù có ngăn cấm nó, đàn áp nó, trù dập nó, nó vẫn tồn tại và phát triển.


*

Oda Nobugawa (1534 –1582), Toyotomi Hideyoshi (1536 –1598), và Tokugawa Ieyasu (1543 - 1616) là ba lãnh chúa nổi tiếng trong lịch sử nước Nhật. Cả ba đều ấp ủ mộng trị vì một nước Nhật thống nhất. Tục truyền, có lần trong khi cả ba người này dạo chơi trong một khu vườn, họ thấy một cái lồng nhốt một con chim sơn ca treo dưới cành một cây hoa anh đào. Con chim sơn ca không hót. Lãnh chúa lớn tuổi nhất, Oda Nobunaga, tức giận nói:

"Nếu nó không hót thì giết quách nó đi!"

Toyotomi Hideyoshi hăng hái nói:

"Nếu nó không hót, ta bắt nó phải hót!"

Đến lượt lãnh chúa trẻ tuổi nhất, Tokugawa Ieyasu, ông nhẹ nhàng nói:

"Nếu chim chưa hót, ta sẽ đợi đến khi nào chim hót."

Tokugawa Ieyasu là người duy nhất trong số họ đã thành công trong việc thống nhất nước Nhật, lập nên chính thể Shogun năm 1603 và cầm quyền 13 năm cho đến khi chết.

Tôi chẳng thích cách hành xử của cả ba ông. Thực sự là, cho dù Tokugawa Ieyasu là người thống nhất được nước Nhất, cái giá phải trả cho thành quả này là những cuộc chiến tranh liên miên với bao "xương tan, máu rơi" và "lòng hận thù ngút trời". Bản thân ông này lâm trận tới 90 lần.

Cả ba lãnh chúa đó đã chẳng ông nào nghĩ hãy thả con chim sơn ca ra, để nó bay vút lên trời xanh, để nó muốn bay đi đâu thì bay, muốn hót gì thì hót. Hãy chăm sóc khu vườn thành một trong những khu vườn đẹp để chim thỉnh thoảng cũng thích hạ cánh đậu lên cây trong vườn nhà mình. Hãy cho nó ăn những trái ngon. Và nếu nó hứng chí cất tiếng hót, thì hãy lắng nghe tiếng hót của nó. Chắc sẽ hay lắm, vì đó là tiếng hót của con chim sống trong bầu trời Tự Do.

Tokyo 22/11/2007

© 2007 Nguyễn Đình Đăng

 

Phụ lục

Spengler
Hãy thừa nhận đi - bạn thực sự ghét mỹ thuật hiện đại (tiểu luận 1)
Nguyễn Đình Đăng dịch

Có những nhà thẩm mỹ đánh giá cao các bức tranh biếm hoạ mắt lác của Pablo Picasso, những vệt màu vảy lung tung của Jackson Pollock, và cả những con lợn dầm của Damiel Hirst. Tôi có một số bạn thân là các nghệ sĩ hiện đại. Tuy nhiên, cũng như tôi, bạn ghét và ghê tởm toàn bộ thành quả của thế kỷ 20 trong nghệ thuật tạo hình.

"Tôi không biết nhiều về mỹ thuật," - bạn quả quyết – "Nhưng tôi biết tôi thích cái gì." Thực ra bạn không biết. Bạn bị đe dọa dồn ép vào nỗi thú vị giả tưởng khi nhìn thấy cái gọi là nghệ thuật, cái khiến bạn sởn gai ốc, và bạn sợ thừa nhận điều đó vì sợ người khác cho mình là ngu đần. Tình trạng này đã kéo dài quá lâu đến nỗi bạn quên cả ý muốn của bạn
. Đừng sợ: trong vài phút tôi sẽ giải bùa và giải phóng bạn khỏi tình trạng kỳ cục này.

Đầu tiên, hãy hiểu rằng không chỉ có mình bạn là như vậy. Các bảo tàng luôn trương phình vì những khách đến xem những thứ mà trong thâm tâm họ ghê tởm, còn giá của mỹ thuật hiện đại thì vẫn cứ tiếp tục tăng. Năm ngoái một bức tranh vẩy màu của Pollock đã được bán với giá 140 triệu USD, một kết quả thật ấn tuợng cho một gã nát rượu chưa bao giờ học được cách vẽ và đi vẩy sơn tung tóe lên mặt vải.

Giá cao nhất trả cho tranh của tổ sư mỹ thuật trừu tượng, Wassily Kandinsky (1866 – 1944), thì có khiêm tốn hơn, cỡ trên 40 triệu USD.
Một bức tranh chẳng có gì xuất sắc của Kandinsky thời kỳ đầu, đại loại như bức Weilheim-Marienplatz (Quảng trường Marien ở Munich) kích thước 43 x 33 cm sẽ được bán với giá 4 triệu USD hoặc đại loại như vậy, theo đánh giá của Sotheby. Kandinsky là một mốc đánh dấu phản ứng không ngờ của bạn đối với nghệ thuật hiện đại, vì hai lẽ. Thứ nhất, ông ta đã có công sáng tạo ra nó, và thứ hai, ông ta đã hiểu rằng mỹ thuật phi hình thế là một khía cạnh của trào lưu thẩm mỹ bao gồm cả âm nhạc phi giai điệu. Kandinsky là bạn và cộng sự của tổ sư âm nhạc trừu tượng Arnold Schönberg (1874 – 1951), một người cũng biết vẽ. Cũng như Kandinsky, Schönberg được mọi người nhất trí coi là một trong những nhà sáng lập ra chủ nghĩa hiện đại.

Kandinsky từng đến nghe hoà nhạc của Schönberg vào năm 1911, và sau đó có viết cho Schönberg như sau:

"Xin ông thứ lỗi vì viết thư cho ông mà chưa có hân hạnh được biết ông. Tôi chỉ vừa nghe buổi hòa nhạc của ông và nó đã làm tôi thực sự thỏa mãn. Ông không biết tôi, tất nhiên, ý tôi nói là ông không biết các tác phẩm của tôi, vì nói chung tôi không triển lãm nhiều, và chỉ triển lãm ở Vienna mới có một lần nhiều năm trước (ở triển lãm của nhóm Ly khai). Tuy nhiên, cái mà chúng ta phấn đấu để vươn tới và toàn bộ lối tư duy và cảm xúc của chúng ta có quá nhiều cái chung tới mức mà tôi cảm thấy mình hoàn toàn có lý khi biểu hiện sự đồng cảm của mình. Trong các tác phẩm của mình, ông đã thực hiện được cái mà tôi, tuy dưới hình thức không được xác định lắm, hằng mong mỏi trong âm nhạc."

Kandinsky hoàn toàn đúng trong phán xét của mình. Có cả một kho tài liệu tham khảo khổng lồ về mối liên hệ giữa hội họa trừu tượng và âm nhạc phi giai điệu, và trên internet hiện nay có thể tìm thấy nhiều thư từ giữa Kandinsky và Schönberg. Đối với những ai thích những thứ đó, thì như Abraham Lincoln có lần từng nói, đó chính là thứ mà họ sẽ thích.

Điều khác biệt kinh ngạc nhất giữa hai ông tổ của chủ nghĩa hiện đại là ở chỗ: giá của bức họa nhỏ nhất của Kandinsky có lẽ vượt xa toàn bộ
số tiền thù lao trả cho tất cả các buổi trình diễn nhạc của Schönberg gộp lại. Sự thực thì các nhạc công có đôi khi trình diễn tự nguyện nhạc của Schönberg, nhưng luôn chơi ở giữa chứ không bao giờ ở cuối chương trình, vì sợ khán giả bỏ về khi nghe những âm thanh chối tai. Schönberg chết trong cảnh nghèo túng vào năm 1951, và vợ cùng ba con của ông sống rất khó khăn bằng khoản nhuận bút từ các nhạc phẩm của ông. Gia đìng ông nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi những người thừa kế gia tài của các hoạ sĩ nổi tiếng thì trở nên giàu có dã man luôn.

Mỹ thuật hiện đại mang tính ý thức hệ, như chính những người đề xướng đã thừa nhận. Chính những nhà tư tưởng, cụ thể là các nhà phê bình, đã tạo thanh danh cho các hoạ sĩ ấn tượng trừu tượng, nổi tiếng nhất là việc Clement Greenberg ủng hộ Jackson Pollock trong tờ "The Partisan Review".
Tranh của Pollock không nhằm "vuốt ve" cảm giác như kiểu tranh của Raphael hay Ingres khi mới thoạt nhìn, mà nhằm thách thức người xem phải suy nghĩ và cân nhắc.

Tại sao công chúng của mỹ thuật hiện đại lại rất hoan hỉ
nhắm mắt tin vào cái thông điệp mang tính tư tưởng của chủ nghĩa hiện đại trong khi lê bước trong bảo tàng mỹ thuật, nhưng lại không ưa gì cái thông điệp đó trong phòng hòa nhạc? Nó cũng tựa như chủ nghĩa cộng sản vậy, từng là một thứ thời thượng trong giới trí thức phương Tây. Những người này rất hoan hỉ chiêm ngưỡng chủ nghĩa công sản từ xa, nhưng lại không muốn sống dưới chế độ cộng sản.

Khi bạn xem một bức tranh của một hoạ sĩ trường phái trừu tượng biểu hiện, bạn làm chủ được thời gian của bạn. Bạn có thể xem rất nhanh chừng nào bạn muốn, rồi bạn tặc lưỡi, thử phán một câu gì đó hợp lẽ, và, nếu bạn thích "nổ", bạn có thể trích dẫn điều gì đó bạn đọc được từ Wikipedia về hoạ sĩ này mà bạn đã xem trước khi đến phòng triển lãm. Khi bạn nghe nhạc
phi giai điệu, của Schönberg chẳng hạn, bạn mắc cứng trên ghế của mình trong vòng một phần tư giờ đồng hồ mà tưởng như hàng tiếng ngồi trên ghế chữa răng. Bạn không thể bỏ chạy. Bạn không ngưỡng mộ sự trừu tượng từ xa. Bạn thực sự đang sống trong nó. Bạn đang ở tình trạng giống như người trí thức cánh tả thời thượng vào những năm 1930 đã mắc sai lầm khi di chuyển tới Moscow thay vì chiêm ngưỡng nó từ xa.

Đó là lý do vì sao ít nhất là một số hoạ sĩ hiện đại kiếm được bộn tiền, trong khi không một nhà soạn nhạc trừu tượng nào có thể sống bằng âm nhạc của mình.
Những nhà soạn nhạc không phải là trừu tượng, thì lại có thể trở thành rất giàu có, ví dụ như bá tước Andrew Loyd Webber và một lô các nhà soạn nhạc cho phim. Nhạc sĩ Mỹ Aaron Coplan (1900-90), người chủ yếu viết các điệu nhạc vui vẻ mang màu sắc địa phương (ví dụ các vở ballet Billy the Kid và Appalachian Spring), kiếm đủ tiền để còn cấp cả học bổng cho sinh viên. Nhà soạn nhạc phi giai điệu Alban Berg (1885-1935) có dạo rất nổi tiếng ở châu Âu vào năm 1925 nhờ vở ca kịch Wozzeck của mình, được viết như một sự dung hoà giữa phong cách trừu tượng của Schoeberg và chủ nghĩa lãng mạn truyền thống. Những người viết tiểu sử của ông cho biết rằng vở ca kịch này đã tạo cho ông một "cuộc sống thoải mái".

Sau hàng thập niên hỗ trợ từ thiện âm nhạc trừu tượng (tức
âm nhạc phi giai điệu), các dàn nhạc giao hưởng đã thôi không dùng nó để "gây thương tích" cho các thính giả miễn cưỡng nữa, mà thay vào đó đặt hàng các nhà soạn nhạc viết loại nhạc theo phong cách dễ nghe hơn. Theo một báo cáo tại Tạp chí phố Wall, các dàn nhạc lớn đã phải quay về với âm nhạc có giai điệu vì số người nghe và số thính giả cao tuổi ngày càng giảm. Số người nghe nhạc giao hưởng toàn Hoa Kỳ giảm 13% so với mùa hòa nhạc 1999 – 2000, xuống còn 27.7 triệu người vào mùa hòa nhạc 2003 – 2004, theo báo cáo của Liên đoàn Dàn nhạc Giao hưởng Mỹ.

Thông điệp tư tưởng thì vẫn vậy, song các phòng triển lãm tranh thì đầy ngườị, trong khi các phòng hòa nhạc thì trống trơn. Đó là bởi vì bạn có thể giữ thông điệp đó trong một khoảng cách an toàn cho bạn khi nó được treo trên tường, nhưng bạn không thể chạy thoát khỏi nó khi nó chui vào tai bạn. Nói một cách khác, sự căm ghét tự nhiên của bạn đối với âm nhạc phi giai điệu phản ánh cái phản ứng tự nhiên, lành mạnh và thực sự của bạn đối với nghệ thuật trừu tượng. Đơn giản là vì tại phòng triển lãm bạn có thể kìm nén cái phản ứng đó.

Tất nhiên, có những người thực sự đánh giá cao mỹ thuật trừu tượng. Nhưng bạn không phải một trong những người ấy;
bạn là loại người biết phép tắc, nhạy cảm, chứ không phải loại ngông nghênh muốn chống lại thê giới. Nhà sưu tầm nổi tiếng Charles Saatchi, chủ một hãng quảng cáo, là một ví dụ cho một số ít những người ngưỡng mộ thực thụ của trào lưu này. Khi Damien Hirst trưng bày triển lãm sinh viên đầu tiên của mình tại London Docklands, theo Wikipedia, Saatchi lái một chiếc Rolls-Royce màu lục đến xem buổi trình diễn thứ hai và đứng há hốc mồm kinh ngạc trước tác phẩm "sắp đặt" động vật đầu tiên của Hirst. Sau đó ông ta đã mua tác phẩm này. Tác phẩm "Một ngàn năm" gồm một cái bình thủy tinh to chứa những con giòi và nhặng đang ăn một cái đầu bò thối rữa.

Chúa tể của những con nhặng là một cái mốc phù hợp cho trào lưu này. Thomas Mann trong tác phẩm Doktor Faustus có kể một câu chuyện về một nhà soạn nhạc dựa trên cuộc đời của Arnold Schönberg, mà oán hận đã khiến ông ta giao kèo với quỷ sứ. Nhân vật chính của Mann không sáng tạo được, nên vì hiềm thù, ông ta đã "lấy lại" các tác phẩm của Ludwig van Beethoven và viết các đoạn nhạc phi giai điệu đả kích chúng nhằm phá hủy khả năng của thính giả thưởng thức nguyên bản.

Nhiều nhà phê bình cho rằng bức họa nổi tiếng của Picasso mang tên "Các cô nàng xứ Avignon" là khẳng định gây ảnh hưởng nhất của chủ nghĩa hiện đại. Trong bức tranh này Picasso đã đả kích kiệt tác "Giấc mơ của Thánh John" của El Greco. Picasso đã giảm thiểu nỗi khủng khiếp khi mở điềm báo thứ Năm trong Kinh Khải Huyền thành một cuộc trưng bày xác thịt tại một nhà thổ [1]. Picasso đã thử "lấy lại" El Greco bằng cách làm sa đọa khả năng nhận biết bản gốc của chúng ta.

Bằng cách bắt chúng ta phải chịu sự xấu xí, các hoạ sĩ hiện đại tin rằng họ sẽ tiêu hao khả năng nhìn nhận cái đẹp của chúng ta.
Đó, theo tôi, là lý lẽ để đút những cái đầu súc vật chết vào các bình thủy tinh, hoặc vại chứa phooc-môn. Nhưng tôi là người phóng khoáng; cuối cùng thì chắc cũng phải có một giá trị về mặt kỹ thuật trong thứ nghệ thuật đó chứ. Nếu Damien Hirst có dự tính làm một chân dung tự họa ngâm phooc-môn thì tôi sẽ là người đầu tiên nộp đơn đặt hàng.

[1] Wikipedia

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Spengler, "Admit it – you really hate modern art",
Asia Times, 30.1.2007)




Spengler
Tại sao bạn lại giả đò thích mỹ thuật hiện đại (tiểu luận 2)
Nguyễn Đình Đăng dịch

Sau khi tôi viết "Hãy thừa nhận đi - bạn thực sự ghét mỹ thuật hiện đại" (Tháng 1/2007), nhiều bạn đọc quả quyết với tôi rằng tôi đã rất sai lầm về họ. Đặc biệt nhiều người trong số các trí thức chóp bu tuyên bố sẽ đem theo tình yêu mỹ thuật hiện đại xuống mồ, và tôi cần phải giải thích cho họ bằng cách nào đó, dù với giá phải trả giá bằng hầu hết những người bạn ít ỏi còn sót lại.

Bạn giả vờ thích mỹ thuật hiện đại vì bạn muốn có tính sáng tạo. Thực ra, bạn chẳng mảy may có tính sáng tạo gì hết. Trong toàn bộ lịch sử nhân loại chúng ta biết chỉ có vài trăm đàn ông và đàn bà thực sự sáng tạo.
Nhưng tôi lấy làm buồn khi phải thông báo rằng bạn không phải một trong những người đó. Bạn nghĩ, khi khăng khăng cho bạn là không sáng tạo, tôi nói bạn không quan trọng ư. Tôi không có ý nói như vậy, nhưng chúng ta sẽ quay lại đề tài này sau.

Bạn hằng mong muốn bạn có tính sáng tạo vì bạn muốn tôn thờ chính mình, con cái của mình, hoặc một kẻ mạo danh tự phụ nào đó, hơn là Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Sự thiếu đức tin của bạn không làm cho bạn có lý trí hơn. Ngược lại, nó làm bạn trở thành nực cười khi ngưỡng mộ những thần thánh hề đồng lố bịch, mà trong số đó lố bịch nhất lại chính là bạn. G. K. Chersterton đã nói rằng một khi bạn không tin vào Chúa Trời nữa, bạn sẽ tin bất cứ thứ gì.

Trong một thời gian khá dài, các nhà phê bình bảo thủ từng công kích cái ý tưởng ngông cuồng rằng mỗi đứa bé còn đang đi vườn trẻ sẽ phải trở nên sáng tạo. Hai mươi năm trước, trong cuốn "Sự kết thúc của tư tưởng Mỹ", giáo sư Allan Bloom từng nhận định rằng khả năng sáng tạo cho đến mãi gần đây vẫn là một thuộc tính của Chúa Trời, chứ không phải của con người. Đòi hỏi mỗi con người phải có thuộc tính sáng tạo thì cũng y như nói rằng mỗi con người là một ông trời con.

Nhưng chúng ta phải hiểu cái gì là tính sáng tạo đây? Trong khoa học và toán học, điều này phải được quy vào các phát minh thực sự kỳ dị, tức là, không thể nào rút ra được từ bất kỳ kiến thức nào có từ trước đó.

Chúng ta có thể phải hỏi: Trong toàn bộ lịch sử của nghệ thuật và khoa học, có bao nhiêu người là không thể thiếu được tới mức mà lịch sử sẽ không như hiện giờ nếu không có các đóng góp của họ? Có nhiều điều có thể tranh cãi ở đây, song thật khó mà tìm được hơn một tá tên tuổi. Châu Âu chẳng tiến bộ gì nhiều trong toán học ngoài các đóng góp của Archimedes xứ Syracuse cho đến khi Isaac Newton và Gottfried Leibniz sáng tạo ra phương pháp tính vi phân - tích phân. Trước Nicolaus Copernicus và Johannes Kepler, châu Âu dựa trên các công trình từ thế kỷ thứ nhất của Ptolemy. Sau Kepler chỉ có Newton, và sau Newton chỉ có Albert Einstein mới thay đổi cơ bản quan đểm của chúng ta về chuyển động của các hành tinh. Các học giả hiện còn đang cãi lộn rằng giả dụ không có Einstein thì liệu có ai khác có thể phát minh ra thuyết tương đối hẹp không, nhưng có vẻ như đều đồng ý rằng thuyết tương đối rộng chưa hề có tiền lệ.

Có bao nhiêu nhà soạn nhạc thực sự sáng tạo ra âm nhạc cổ điển phương Tây?
Nếu các thế hệ tương lai chỉ biết khoảng một tá tên tuổi, họ sẽ vẫn hiểu rằng cái gì là thực sự cơ bản đối với loại hình nghệ thuật này [1].

Chúng ta có thể tranh cãi về nguồn gốc của các thiên tài khoa học hay nghệ thuật, song chúng ta phải đồng ý rằng đó là hiện tượng cực kỳ hiếm hoi. Trong số hàng trăm nhà soạn nhạc được tuyển dụng như các nhạc sĩ cung đình hoặc giáo hội trong thời của Johann Sebastian Bach, ngày hôm nay chúng ta chỉ còn nghe được tác phẩm của một nhúm người. Các nhạc sĩ thế kỷ 18 không hề phấn đấu trở thành thiên tài, mà để có một tay nghề chắc chắn; làm thế nào mà Bach lại nổi lên giữa đám người đó là một điều không có một giải thích nhất quán. Đối với số còn lại, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng nếu không có một Georg Phillip Telemann (một người đương thời thành công hơn Bach) thì một ai khác sẽ làm việc của ông ấy mà chẳng có mất mát nhiều về hình thức nghệ thuật.

Nếu chúng ta dùng từ "sáng tạo" để chỉ cái gì đó đại loại như "không thay thế được", thì số cá nhân thực sự sáng tạo sẽ còn ít hơn nhiều. Rất khó có khả năng là bạn là một trong số họ. Nếu bạn lao động chăm chỉ trong chuyên môn của bạn, bạn rất may mắn có khả năng nối bước những gì mà những người tài giỏi nhất trong lĩnh vực đó đang làm, và nếu bạn cực kỳ giỏi, bạn có thể được hưởng cái ân huệ trau chuốt thêm những điểm đã được các bộ óc vĩ đại hơn chỉ ra. Cho dù điều đó có ích đến mấy đi chăng nữa, rất ít khả năng là nếu bạn không làm, thì sẽ chẳng có ai sẽ làm việc đó. Ngược lại, nếu bạn ở vị trí mũi nhọn trong nghiên cứu ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn sẽ làm mọi cách để công bố công trình của bạn càng nhanh càng tốt, để bạn có thể kể công trước khi có ai khác sẽ làm đúng y hệt nhu vậy. Ngay cả những bộ óc thông minh nhất trong chuyên môn cũng thường phải sống trong lo sợ rằng họ sẽ trở thành thừa nếu những kẻ khác công bố kết luận của họ trước.

Bach đề tặng mỗi tác phẩm của mình: "Vinh quang thuộc về Chúa Trời," và cứ nhất định (một cách sai lầm) rằng bất kỳ ai làm việc chăm chỉ như mình đều có thể đạt được kết quả tốt như vậy. Ông hài lòng làm một người thợ siêng năng phục vụ Chúa Trời, và không có mục đích trở thành thiên tài; đơn giản vì ông đã là một thiên tài rồi. Đó là điểm khởi đầu của con người có đức tin. Người ta không sắp đặt để thành thiên tài, mà là để phục vụ (Chúa Trời); những năng khiếu khác thường là một trách nhiệm được sinh ra kèm với tính khiêm nhường. Sự kiếm tìm thiên tài xảy ra khi việc phục sự Chúa Trời không còn hấp dẫn các nghệ sĩ và nhà khoa học nữa.

Friederich Nietzsche tuyên bố Chuá Trời đã chết, và nghệ sĩ xuất hiện như một người anh hùng, dùng hình mẫu của Richard Wagner, mà giá trị nghệ thuật của ông chúng ta có thể còn phải tranh luận. Wagner có phải thiên tài không còn là việc phải bàn, song không có nghi ngờ gì rằng những người hâm mộ Nietzsche chẳng phải là các Wagner, chứ chưa nói đến Bach. Theo hình dung của Nietzsche, giải phóng mình khỏi quy ước tức là sáng tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình, nhưng rất ít nghệ sĩ có khả năng sáng tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình. Điều này làm cho mọi người lâm vào tình trạng khó chịu.

Để thỏa mãn các tham vọng của các nghệ sĩ, thế kỷ 20 biến sự phát kiến của thế giới nghệ thuật thành một quy trình sản xuất đại trà. Thay vì thế giới thợ lành nghề khiêm nhường của Bach, giới nghệ thuật chia thành các trào lưu. Để được xem xét đàng hoàng trong thế kỷ 20, nghệ sĩ phải sáng chế ra phong cách của riêng mình và ngôn ngữ của riêng mình. Các nhà phê bình reo rắc sự khinh bỉ của mình lên các nghệ sĩ chỉ lắp lại những lại sản phẩm đặc trưng cho quá khứ, và ca ngợi các nhà sáng lập ra các trường phái như: Ấn tượng, Lập thể, Sơ khai, Biểu hiện Trừu tượng, và vân vân.

Nếu không được giới giàu có bảo trợ, mỹ thuật hiện đại đã chẳng thành công; hàng ngày chúng ta đọc các kỷ lục mới về giá tranh của thế kỷ 20, ví dụ nhà tài phiệt truyền thông David Geffen
đã bán một bức tranh của Jackson Pollock với giá khoảng 140 triệu USD. Những người rất giàu có thích tự tâng bốc rằng họ là các thiên tài, và rằng kỹ năng hoặc sự may mắn của họ trong việc kinh doanh âm nhạc hoặc chương trình máy vi tính khiến họ đủ tư cách làm trọng tài của thẩm mỹ. Những doanh gia thành công thường cực kỳ khôn ranh, nhưng họ có khuynh hướng thành các nhà bác học ngốc nghếch, có thể nhìn thấu một vài chi tiết của kỹ nghệ để tạo ra nhiều của cải, nhưng chẳng có tí quan niệm gì về những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn trực tiếp của họ. Vì cả thế giới hùa nhau tâng bốc giới giàu có, những người giàu có xu hướng nghĩ về mình như những ông giời con hơn là những người bình thường, và dễ lây nhiễm sự tôn sùng sáng tạo trong nghệ thuật.

Trong tiểu thuyết vĩ đại Doktor Faustus, Thomas Mann đã khắc hoạ điều này như một tác phẩm của quỷ sứ. Nhân vật Faust mới, người đã giao kèo với quỷ sứ trong cuốn tiểu thuyết này, đại diện cho nhà soạn nhạc Arnold Schönberg, người đã bán linh hồn cho quỷ sứ để đổi lấy một hệ thống dùng cho soạn nhạc.

Một tầng lớp các nhà phê bình mới
đã làm bà đỡ cho sự ra đời của các con quái vật này. Tôi lấy làm lạ trong bài tiểu luận nêu trên trước một sự thực là sao những khách đi xem bảo tàng trầm trồ thán phục những giọt màu vẩy lung tung của Jackson Pollock, nhưng không bao giờ chịu nghe một tác phẩm nhạc 12 quãng của Arnold Schönberg tại phòng hoà nhạc. Nhạc trưởng Ngài Thomas Beecham từng nói một câu nổi tiếng rằng công chúng không thích âm nhạc mà chỉ thích cái cách mà nó vang lên thôi. Trong trường hợp của Pollock, công chúng chẳng thích cả bức tranh lẫn cái cách mà nó được trưng ra; cái mà họ thích là cái ý tưởng mà hoạ sĩ trong sự ngạo mạn của mình có thể định nghĩa lại thế giới bằng cái cách của riêng ông ta.

Làm một nhân vật quan trọng trong cái hệ thống suy đồi này có nghĩa là huơ nắm đấm trước mặt Chúa Trời và xác lập thế giới bé nhỏ của riêng mình, cho dù cái thế giới đó có cù lần, lòe loẹt và nực cười đến mấy đi chăng nữa. Thiếu tính sáng tạo tức là tuyệt vọng. Thành ra sức thu hút của hằng hà sa số các trào lưu tư tưởng trong nghệ thuật tạo cho các nghệ sĩ đang tuyệt vọng một ảo tưởng về sự sáng tạo. Nhưng đó cũng không phải đúng lắm, vì Đức Chúa Do Thái – Ki tô giáo còn hơn cả nhà sáng tạo; Chúa Trời là một nhà sáng tạo yêu những sinh linh mà Người đã sáng tạo ra.

Trong thế giới của đức tin có một con đường hoàn toàn khác để làm người cần thiết, và con đường đó là qua các hành động tử tế và sự giúp đỡ. Một người mẹ là cần thiết cho đứa con của bà cũng như vợ chồng bạn bè là cần thiết cho nhau. Nếu ta bỏ qua cái tham vọng làm lại thế giới theo ý của ta, và chấp nhận rằng thế giới này là sáng tạo của Chúa Trời, thì tỏ lòng yêu thương đồng loại chính là noi theo Chúa Trời vậy.

Trong sự đòi hỏi tự thờ phụng chính mình các nghệ sĩ thế kỷ 20 đã sa đọa tới mức phi nghệ thuật cùng cực để tự an ủi mình rằng họ thực sự đã sáng tạo. Bị thôi thúc tự thờ phụng mình thay vì thờ phụng Chúa Trời, họ đã đẻ ra các ý tưởng nực cười, và chắc chắn là quái dị vượt xa các nhược điểm mà người ta gán cho tôn giáo. Sự tôn sùng tự biểu hiện của cá nhân là một thay thế đáng thương cho tôn giáo mà nó phấn đầu nhằm thay thế, và ảo tưởng về tính sáng tạo cá nhân còn là một sự thay thế tồì tệ hơn cho sự cứu rỗi.

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Spengler, "Why you pretend to like modern art", Asia Times, 1.5.2007)

Chú thích:
[1] Josquin des Prez, Claudio Monteverdi, Bach, Domenico Scarlatti, Georg Frideric Haendel, Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Franz Schurbert, Robert Schumann, Frederic Chopin, Johannes Brahms.

 © 2007 Nguyễn Đình Đăng

 

Bản đăng tại talawas ngày 24.11.2007