Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại

 

Nguyễn Đình Đăng

 

3:40 chiều hôm qua (Thứ Bảy, 12/3/2011) đã xảy ra một vụ nổ trong một toà nhà tại lò phản ứng số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1. Nguyên nhân của vụ nổ là do khí hydro thoát ra từ lò đã hoà với khí oxy trong không khí gây phản ứng toả nhiệt (exothermic reaction) hay phản ứng cháy (combustion reaction). Nhà máy điện nguyên tử Fukushima có hai tổ hợp: Fukushima Daiichi (Fukushima 1) và Fukushima Daini (Fukushima 2), gồm tất cả 10 lò phản ứng hoạt động (6 lò tại Fukushima 1 và 4 lò tại Fukishima 2), và là một trong 25 nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhà máy được thiết kế chịu được động đất 7.9 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng giáng xuống Nhật Bản một ngày trước đó có sức mạnh tại tâm động đất (cách bờ 126 km) 9 độ Richter, vượt hơn 30 lần sức chịu đựng theo thiết kế nhà máy.  Vào đến bờ, sức mạnh của động đất còn khoảng 6.5 – 7 độ Richter. Vụ nổ đã làm mái cùng toàn bộ phần tường bao bọc phía trên toà nhà đó vỡ tung, chỉ còn trơ ra cái khung sắt. Nhưng lò phản ứng số 1 không bị hư hại và phóng xạ thoát ra không lớn. Thực tế ngay sau vụ nổ người ta đo thấy các nguyên tố phóng xạ giảm đi so với trước vụ nổ, và mật độ phóng xạ không tăng lên. Hiện thời mức độ phơi nhiễm phóng xạ lên một người trong một ngày bên ngoài nhà máy bằng mức độ phơi nhiễm cực đại mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ một người có thể chịu trong một năm. Vào 8:30 sáng hôm nay phóng xạ ngay bên ngoài nhà máy điện nguyên tử Fukushima đo được là 1024 microsieverts, tức hơn gấp đôi mức cho phép trong vòng một tiếng. Tuy nhiên một giờ sau, con số đó đã giảm xuống còn 70 microsieverts. Khoảng 200,000 người dân được sơ tán ra ngoài vùng bán kính 20 km quanh Fukushima 1 và Fukushima 2.

 

Tuy lõi các lò phản ứng không (chưa) chảy (hoặc có thể mới chỉ bị chảy một phần) nhưng người ta chưa làm nguội được chúng nên tất cả vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người ta đã bơm nước biển và nước ngọt vào để làm nguội lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm cứu lõi lò khỏi bị nóng chảy.  Đó là biện pháp cuối cùng và có lẽ sẽ làm hai lò này ngừng hoạt động vĩnh viễn, miễn là thảm hoạ hạt nhân đừng xảy ra. Nước Nhật đã ban bố tình trạng hạt nhân khẩn cấp. Từ ngày mai, 14/3/2011, điện sẽ bị cắt luân phiên trên toàn vùng Kanto.

 

Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

 

Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Tin tức và hình ảnh được cập nhật từng phút. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại càng tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

 

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ - có thể so với ngày tận thế - là một đất nước thực sự vĩ đại.

Tokyo 13/3/2011