Nguyễn Đình Đăng

Tìm một con đường cho giáo dục Việt Nam*)

 

 

@@@@@@@@

Có lẽ chưa bao giờ khủng hoảng giáo dục ở Việt Nam lại được thảo luận với nhiều bức xúc như hiện nay. Tuy nhiên phần lớn các giải pháp chấn hưng giáo dục vẫn chưa thoát khỏi triết lý đào tạo để phục vụ - cái thứ triết lý đã khiến nhiều người ngộ nhận các giải thi Olympic toán, lý quốc tế với sự tài giỏi của học sinh Việt Nam, ngộ nhận việc Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin cách đây đã hơn 1/4 thế kỷ (năm 1980) với sự ưu việt của đào tạo âm nhạc nước nhà.

 

Một gia đình, bất kể giàu hay nghèo, mà cha mẹ sống không trung thực, không tôn trọng, thậm chí lừa dối con cái, độc đoán, trừng phạt khắc nghiệt con cái khi chúng suy nghĩ, biểu hiện trái ý của cha mẹ, không thể gọi là một gia đình tốt, ổn định. Xã hội cũng tương tự như vậy. Đã đến lúc cần thừa nhận rằng pháp luật của một xã hội văn minh phải tôn trọng dân chủ và nhân quyền, trong đó tự do ngôn luận là quyền tự do cao nhất. Đó là quyền của mỗi con người có thể phát biểu công khai quan điểm của mình mà không sợ bị kiểm duyệt hay bị trừng phạt. Nhà nước và mọi tổ chức chính trị là do dân tạo ra và có nghĩa vụ phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại. Ngân sách nhà nước, trong đó có ngành giáo dục, là do nhân dân đóng thuế mới có. Quan điểm gnhân tài phải phục vụ nhà nướch nay cần được đổi thành gnhà nước và các công ty tư nhân (hay cổ phần) phải biết cách trọng dụng nhân tàih, tức là phải đối xử tử tế với họ để họ có thể tự do phát triển tất cả tài năng của họ, qua đó đem lại lợi ích cho đất nước, nhà nước và các công ty. gĐối xử tử tế" ở đây cần được hiểu đầy đủ bao gồm tiền lương, trách nhiệm, quyền hạn v.v. tương xứng với tài năng của từng cá nhân. Người tài không có lỗi nếu họ rời quê hương ra nước ngoài vì ở nước đó họ được đối xử tốt hơn. gĐất lành chim đậu". Con người cũng vậy. Họ có quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở, tự do thay đổi quốc tịch.

 

Một nền giáo dục ưu việt phải tạo cho mỗi học sinh đầy đủ điều kiện để có thể phát triển toàn diện. Không phải xưa nay người ta chưa nói đến vấn đề này. Tiếc rằng những tiêu chuẩn thường được rao giảng như gvừa hồng vừa chuyênh, gtài đức song toành, gcon người mới xã hội chủ nghĩah, và gần đây, cái gtâmh thời thượng, thực ra rất mơ hồ, duy ý chí, đôi khi nhầm lẫn, khó có thể đưa đến những biện pháp cải cách cụ thể hữu hiệu. Một con người toàn diện ngày nay thiết nghĩ phải là con người có khả năng tư duy độc lập về những vấn đề có tính giá trị chung của toàn nhân loại, có thực tài để có gđất dụng võh trong mọi xã hội văn minh, tỉ như, sau khi lĩnh bằng thạc sỹ hay tiến sỹ của trường đại học ở Việt Nam, nếu sang Hoa Kỳ người đó sẽ không cần phải học lại để lấy bằng master hay PhD cuả Hoa Kỳ nữa.

@@@@@@@@

Theo giáo sư tâm lý và giáo dục học H. Gardner (ĐH Harvard), trí năng con người gồm 7 lĩnh vực:

 

1- Ngôn ngữ: khả năng dùng ngôn ngữ để mô tả các sự kiện một cách thuyết phục, hùng biện và hình ảnh;

 

2- Logic-toán học: khả năng dùng các con số để tính toán và mô tả, dùng các quan niệm toán học để kết nối, ứng dụng toán học vào đời sống, vào phân tích các số liệu, xây dựng các luận điểm, nhạy cảm với tính đối xứng, với thẩm mỹ toán học, giải quyết các vấn đề trong thiết kế và mô hình hóa;

 

3- Âm nhạc: khả năng hiểu và phát triển kỹ năng âm nhạc, rung động trước âm nhạc, hợp tác để dùng âm nhạc thoả mãn nhu cầu của người khác, diễn giải các hình thức và ý tưởng âm nhạc, biểu hiện qua sáng tạo âm nhạc và trình diễn âm nhạc;

 

4- Không gian: khả năng cảm thụ và trình bày thế giới một cách chính xác bằng hình ảnh trong không gian, khả năng sắp xếp màu sắc, đường nét, hình dáng đáp ứng nhu cầu của người khác, khả năng diễn giải các ý tưởng bằng hình ảnh, khả năng chuyển các ý tưởng bằng không gian hay hình ảnh thành các biểu hiện sáng tạo;

 

5- Thể hình: khả năng dùng cơ thể và dụng cụ để tạo nên các hành động hữu hiệu, để xây dựng hay sửa chữa, giúp đỡ người khác, cảm thụ thẩm mỹ của cơ thể và dùng các giá trị đó để tạo nên các hình thức biểu hiện mới;

 

6- Giao cảm: khả năng tổ chức mọi người, truyền đạt rõ ràng những gì cần giải quyết, khả năng đồng cảm để giúp đỡ người khác và giải quyết các vấn đề vướng mắc, khả năng động viên kêu gọi mọi người tham gia thực hiện một mục đích chung;

 

7- Nội cảm: khả năng hiểu được chính mình, các chỗ mạnh chỗ yếu của mình, tài năng của mình, các mối quan tâm của mình, và dùng các yếu tố đó để đặt ra mục đích phấn đấu, để hiểu chính mình có ích cho người khác đến đâu và như thế nào, khả năng tạo nên các quan niệm và lý thuyết dựa trên soi xét chính bản thân mình, khả năng dùng trực giác và nhiệt tình của mình để tạo ra và bộc lộ quan điểm riêng.

 

Dĩ nhiên, có được cả 7 lĩnh vực của trí năng như trên được phát triển đầy đủ trong một con người thực quả không dễ dàng - một điều chỉ thấy ở những cá nhân đặc biệt xuất chúng. Song việc đưa tính đa trí năng nói trên vào chương trình giáo dục của nhà trường vừa giúp phát triển các thiên hướng khác nhau của học sinh, vừa cung cấp cho học sinh một học vấn toàn diện.

 

I) Như vậy, ngoài các môn như toán, lý, hoá, sinh vật, văn chương, lịch sử, địa lý, một chương trình đào tạo toàn diện cần có:

 

1.       Môn âm nhạc với các giáo viên được đào tạo về âm nhạc để dạy cho trẻ về xướng âm, nhạc lý, lịch sử âm nhạc, tiếp xúc với các kinh điển âm nhạc của nhân loại như các tác phẩm của Bach, Beethoven, Mozart, Chopin, v.v., tổ chức cho học sinh có các buổi biểu diễn ca nhạc. Mỗi trường cần được trang bị các nhạc cụ cơ bản như đàn piano, đàn organ điện tử, một số đàn dây, bộ gõ, một số kèn (như trumpet, trombonnes, cornes, saxophones, clarinettes v.v.) để có thể lập một dàn nhạc của trường;

 

2.       Môn mỹ thuật với các giáo viên được đào tạo về hội hoạ để dạy học sinh những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, hoà sắc, hình hoạ, cách vẽ màu nước, màu bột, sơn dầu, nặn tượng, làm tranh đồ hoạ, lịch sử mỹ thuật, tiếp xúc với các kiệt tác tiêu biểu của nhân loại như điêu khắc và kiến trúc Hy Lạp, La Mã, các đại danh hoạ và các trường phái hội hoạ thế giới v.v. Mỗi trường học cần được trang bị một phòng vẽ với nhiều giá vẽ, tượng, và một số hoạ cụ cần thiết khác để học sinh học vẽ;

 

3.       Các câu lạc bộ thể thao trong trường cho học sinh (có thể từ trung học trở lên) tự chọn như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, karate, judo, v.v. Mỗi trường cần có một phòng thể thao, một bể bơi, và một sân vận động nhỏ;

 

4.       Giáo dục giới tính, bao gồm cả những vấn đề như quan hệ tình dục an toàn;

 

5.       Phương pháp giáo dục đổi theo hướng khuyến khích học sinh tư duy độc lập, phát biểu quan điểm riêng của mình về mọi vấn đề, tránh chỉ nhai lại một đáp án duy nhất, bất kỳ đó là của ai hoặc cơ quan, tổ chức nào đưa ra. Trong khi tiến hành, hết sức tránh mọi hình thức chụp mũ, quy kết, mà cần đưa ra chứng minh khách quan cho học sinh thấy đâu là chân lý, và để các em tự đi đến kết luận. Điều mấu chốt là phải cung cấp cho học sinh những phương pháp tư duy logic, chứ không đơn thuần là chỉ nhồi sọ các em những kiến thức đã xơ cứng và cũ rích, nhiều khi sai lạc, mà lối học vẹt không thể nào phát hiện ra;

 

6.       Tin học hoá toàn bộ hệ thống nhà trường: Các trường từ trung học trở lên được trang bị computers và được nối mạng internet.

 

II) Toàn bộ sách giáo khoa phải được gchế tạoh lại, gđẹph cả về nội dung lẫn hình thức, có màu và nhiều hình ảnh minh họa. Học sinh cầm trên tay quyển sách giáo khoa đẹp cũng cảm thấy tò mò, hứng thú học hơn. Để có sách giáo khoa tốt nên tư nhân hoá toàn bộ việc xuất bản sách giáo khoa, tạo điều kiện cho các nhà sách cạnh tranh, mời các tác giả hay nhất viết, các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế giỏi trình bày sách giáo khoa. Sách giáo khoa cần được biên soạn lại hàng năm để bổ sung những kiến thức mới nhất của nhân loại, loại bỏ những gì đã lỗi thời. Các trường có toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh của mình. Bộ Giáo dục chỉ đưa ra các yêu cầu về chương trình mà các nhà viết sách giáo khoa cần đảm bảo, sau đó lập hội đồng xét duyệt để công nhận những bộ sách giáo khoa nào đạt yêu cầu để có thể dùng cho giảng dạy [1].

 

III) Các trường công cần đảm bảo cho giáo viên có thu nhập nuôi sống được gia đình họ để họ có thể chuyên tâm nghề dạy học tại trường mà không phải gkiếm thêm ngoài giờh [2]. Giáo viên khi đã nhận lương cao, không được phép dạy thêm ở bất cứ trung tâm dạy thêm nào. Người vi phạm bị thải hồi. Như vậy, những người dạy tại các trung tâm dạy thêm sẽ không đồng thời là giáo viên của các trường phổ thông hoặc giáo sư các trường đại học. Thường xuyên có các đợt sát hạch trình độ của giáo viên để duy trì một đội ngũ giảng dạy thực sự có trình độ cao.

 

IV) Bãi bỏ toàn bộ kỳ thi vào đại học. Các trường đại học tuyển sinh dựa trên kết quả của học sinh trong 3 năm cuối trường phổ thông trên cơ sở các tiêu chuẩn về đa trí năng nói ở trên, và qua phỏng vấn nếu cần. Các kỳ thi học kỳ trong trường đại học sẽ là các đợt sàng lọc sinh viên. Như vậy số người tốt nghiệp đại học sẽ ít hơn số người vào đại học, vì sẽ có một số, do học kém, không qua được các kỳ thi học kỳ, bị loại ra giữa chừng, tránh được tình trạng vào bao nhiêu ra bấy nhiêu của đào tạo đại học hiện nay.

 

Nền văn minh của một đất nước không phải được đo bằng đồng tiền, bằng thu nhập của một số trọc phú, nhất là lại do làm ăn bất chính, do tham nhũng mà có. Nền văn minh của một đất nước được thể hiện trong các giá trị tinh thần và tri thức mà nhân dân của đất nước đó tạo ra. Trong sự nghiệp này giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và khoa học giữ vai trò quyết định.

 

Nếu ví nền văn minh của một quốc gia như một khu rừng thì trí thức là những ngọn cây cao nhất trong khu rừng đó. Người ta nhận ra khu rừng lớn từ đằng xa bởi trông thấy những ngọn cây cao nhất đầu tiên.

 

Chú giải:

*) Dựa theo phần 2 của bài gTại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát ?h (đăng ngày 20.10.2005 tại talawas và trang web của tác giả. Xem: http://ribf.riken.go.jp/~dang/education.htm). Trong bản đăng trên Vietnam net tại http://vietnamnet.vn/service/printversion.vnn?article_id=902682 ngày 1/3/2007 ban biên tập đã tự ý thay đổi đầu đề và bỏ câu gNgười tài không có lỗi nếu họ rời quê hương ra nước ngoài vì ở nước đó họ được đối xử tốt hơn.h mà không được sự đồng ý của tác giả.

 

[1] Cuốn sách gLuân lý mớih của học sinh lớp 12 ở Nhật dày 200 trang, dạy khá kỹ về các triết gia của nhân loại và các học thuyết của họ, từ các triết gia phương Tây như Socrates, Platon, Aritstotle v.v. đến các nhà tư tưởng phương Đông như Khổng Tử, Mạnh Tử, v.v. Phần các học thuyết của xã hội hiện đại dạy các tư tưởng thời Phục Hưng, rồi D. Erasmus, M. Luther, J. Calvin, M. E. Montaigne, B. Pascal, F. Bacon, R. Descartes, các tư tưởng dân chủ tự do của J. Locke, J. J. Rousseau, I. Kant, G. Hegel, J. Bentham, J. S. Mill, K. Marx, S. A. Kierkegaard, S. Freud, K. Jaspers, F. W. Nietzsche, M. Heidegger, J. P. Sartre v.v., lịch sử các tôn giáo như đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi v.v.

Có bao nhiêu học sinh lớp 12 của Việt Nam hiện nay biết Kant, Hegel, Kierkegaard là ai, hoặc thuyết phân tâm học của Freud nói gì, kể cả bằng tự đọc sách?

 

[2] Theo một đại biểu tham dự hội thảo chấn hưng giáo dục (VietNamNet 28/3/2004), nhà nước ta chi cho giáo dục (22 triệu học sinh) 4 tỉ USD/năm (bình quân: 182 USD/1 học sinh). Để so sánh, ngân sách chi cho giáo dục của Nhật Bản cách đây 15 năm (25 triệu học sinh) là khoảng 50 tỉ USD (bình quân: 2000 USD /1 học sinh), gấp hơn 10 lần của Việt Nam. Ngoài ra, chi phí của gia đình cho một học sinh cấp 3 trường công ở Nhật là khoảng 4 – 5 ngàn USD/năm. Lương một giáo viên độc thân 23 - 24 tuổi mới vào nghề của Nhật là khoảng 27 ngàn USD/năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 50 ngàn USD/năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (35 tuổi) khoảng 45 ngàn USD/năm.