Đi tìm Rumpelstiltskin

Nguyễn Đình Đăng

 

Trong bài “Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ” tôi đã viết “Trường âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN) đã có công đào tạo Đặng Thái Sơn trong những năm ông học sơ cấp và trung cấp piano tại Việt Nam.” Trong bài phản hồi “Đọc Nguyễn  Đình Đăng (và nhớ đến Rumpelstilzchen)” tác giả Trịnh Hữu Tuệ đã dùng tới 6 câu để khẳng định lại điều tôi đã viết trong một câu nói trên. Song, điều này không đảo ngược sự thật mà tôi đã phân tích là: “Giải nhất cuộc thi Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky của Nga, nơi ông Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, và các giáo sư Nga của ông, thì mới đúng.Tiếc thay, trong bài phỏng vấn tại TT&VH không có từ nào cho Nhạc viện Tchaikovsky của Nga! Sự nhập nhằng này trong văn cảnh bài phỏng vấn dễ khiến cho những ai không biết rõ câu chuyện, nhất là những người sinh sau 1980, có thể lầm tưởng rằng Đặng Thái Sơn được đào tạo hoàn toàn tại trường Âm nhạc Việt Nam, rồi từ đó được cử sang Ba Lan thi Chopin và đoạt giải, như các em học sinh HVANQGVN mới đây đi Jakarta thi rồi đoạt giải vậy, cho dù tầm cỡ các cuộc thi này là hoàn toàn khác nhau.

 

Về cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin, nguyên văn trả lời của bà Trần Thu Hà là như sau: “Mặc dù NSND Đặng Thái Sơn khi tham gia cuộc thi Chopin mới ở tuổi 22, nhưng cuộc thi đó được đánh giá là cuộc thi chính quy dành cho người lớn.” Đọc câu này, tôi hiểu là “Đặng Thái Sơn tuy còn rất trẻ nhưng đã tham gia và đoạt giải tại một cuộc thi dành cho người lớn.”  Sự thực thì không phải như vậy như tôi đã giải thích trong bài.

 

Về cuộc thi âm nhạc tại Jakarta cũng như vài cuộc thi khác về âm nhạc hay các ngành khác, cách đưa tin của TT&VH nói riêng và nhiều tờ báo khác trong nước nói chung mập mờ ở chỗ chỉ nói đến người Việt Nam đoạt giải mà không nói rõ bối cảnh của toàn bộ giải[1]. Người đọc sẽ có cảm giác khác nếu được biết chi tiết về vị trí của cuộc thi cũng như kết quả của tất cả các thí sinh đoạt giải (piano) như tôi đã trích dẫn trong bài.

 

Về vị trí của HVANQGVN, độ ngắn dài của bài phỏng vấn không thể được viện dẫn làm lý do biện hộ cho những khẳng định thiếu bằng chứng, nhất là những khẳng định tuyệt đối (categorical statement) như “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” hay “HVANQGVN là trường hàng đầu trong khu vực[2] . Ngoài ra, người đọc phải hiểu là khu vực nào đây? Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), Đông Nam Á, Đông Á, hay châu Á? Theo tôi hiểu thì ở đây là Đông Nam Á (vì cuộc thi tại Jakarta là có tên là ASEAN International Concerto Competition). Song, bà Hà lại nói: “Một số cuộc thi diễn ra ở khu vực Đông Nam Á, nhưng thực ra là mở rộng cả châu Á (trong đó có sự tham gia của các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc).” Cần lưu ý rằng đoạn cuối cùng được đánh dấu hoa thị (*) trong bài phỏng vấn (nói về việc HVANQGVN thừa hưởng hệ thống đào tạo thời Xô-viết XHCN) là do TT&VH thêm vào sau khi bài viết của tôi đã được đăng. Copy bản đầu tiên của bài phỏng vấn mà tôi đang lưu giữ không có phần này. Việc có một số học sinh đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc, Olympiad về toán học, vật lý, hoá học không phải là bằng chứng rằng một quốc gia có nền âm nhạc, toán học, vật lý, hoá học đứng hàng đầu khu vực hay quốc tế. Đề tài này đã được nhiều tác giả nói đến trên báo trong và ngoài nước nên tôi không bàn tới ở đây nữa.

 

Nói về vai trò của HVANQGVN, Trịnh Hữu Tuệ chú thích thêm: “Thậm chí, chúng ta tự hỏi số phận của ông Sơn – với một người bố như vậy trong một thời kỳ như vậy – sẽ ra sao nếu không có Nhạc viện Hà Nội.” Dễ thấy đó là một cách đặt ngược vấn đề đã nêu trong bài của tôi và nhiều bài khác về Đặng Thái Sơn: “Số phận của ông Sơn sẽ ra sao nếu không gặp giáo sư Isaac Katz và nhạc viện Tchaikovsky?”[3] Trịnh Hữu Tuệ còn nhắc tới Bùi Công Duy (sinh 1981) như công dân Việt Nam từng đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho thiếu niên (1997), nhưng lại quên không cho người đọc biết rằng “Bùi Công Duy là một trong những điển hình hiếm hoi của giới trẻ Việt Nam đã được đào tạo một cách bài bản ở chiếc nôi đào tạo về âm nhạc lớn nhất thế giới. Ngay từ 10 tuổi Duy đã sang Nga học.”[4] Cũng theo bài báo tại Phong Cách: “Với Bùi Công Duy thì hình như `ngay cả cách suy nghĩ cũng một nửa là của người Nga’, vì 14 năm được đào tạo tại Nga và cả vì sự cảm hoá của những người thầy, người bạn.” Bùi Công Duy từ Nga về nước năm 2005 khi anh 24 tuổi. Như vậy giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho thiếu niên mà Bùi Công Duy đã đoạt năm 16 tuổi cũng là thành tựu của nhạc viện ở Nga.

 

Đọc các phản biện như thế này, bỗng dưng tôi nhớ tới những buổi tập tranh luận (bằng tiếng Anh) mà con trai tôi và các bạn của cháu tham gia khi cháu còn học cao học, tức lớp 10 – 12 ở Nhật (Hiện nay cháu đã 22 tuổi và đang là sinh viên đại học). Thầy giáo nêu đề tài, ví dụ “Hút thuốc lá”. Học sinh tham gia được chia làm 2 phe (bằng cách rút thăm): một phe phải ủng hộ (bảo vệ, thuyết phục) luận điểm “Hút thuốc lá có hại”, phe kia -  “Hút thuốc lá có lợi”. Học sinh phải chuẩn bị diễn văn, lập luận, thu thập bằng chứng. Tới buổi tranh luận, mỗi người chỉ được nói trong một khoảng thời gian quy định chung cho tất cả. Thầy giáo làm người điều phối. Các lớp thi với nhau. Những người tranh luận giỏi được nhà trường cho vào đội tuyển đi thi với các trường khác trong vùng, trong tỉnh, liên tỉnh, cả nước v.v. Đó thật sự là những bài học vỡ lòng bổ ích cho các nam thanh nữ tú về cách thể hiện mình, cách thuyết phục người khác, cách tư duy độc lập về nhiều vấn đề, cách lập luận có cơ sở, diễn giải mạch lạc, ngắn gọn, đúng văn phạm bằng một ngoại ngữ, v.v. Tất nhiên đó chỉ là một liên tưởng vẩn vơ của tôi, như thể trong khi nghe tiếng đàn nhị của một người đàn bà hành khất ngồi trước cổng một ngôi chùa tại đảo Phú Quốc thì bỗng dưng tôi lại nhớ tới tiếng violin của Leonid Kogan chơi trên sân khấu nhà văn hoá trường đại học quốc gia Moscow nhiều năm trước, hay như khi đang ăn bún ốc đột nhiên lại thấy thèm rượu vang và pho-mat vậy!

 

Cuối cùng quý độc giả thử đoán xem ai sẽ có hân hạnh được sắm vai Rumpelstiltskin trong câu chuyện này [5].

 

Tokyo 29/10/2009

 

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

 

 

[1] Thậm chí tại cuộc thi piano quốc tế Chopin của châu Á lần thứ 7 (7th International Chopin Piano Competition in Asia) tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2006 một thí sinh Việt Nam đã đoạt giải khuyến khích (奨励賞 Encouraging Prize, như đã ghi rõ trên bảng kết quả của các thí sinh hạng trung học). Vậy mà khi về Việt Nam giải này bỗng dưng được hô biến thành giải đặc biệt (特別賞Special Prize) là giải không hề có tên trong cuộc thi này. Giải đặc biệt cố nhiên nghe “oách” hơn giải khuyến khích và cũng… mập mờ hơn. Như thế nếu không phải là háo danh và không thành thực với chính mình và với mọi người thì là gì đ̣ây? Khỏi cần phải lo thêm nhiều rơm cỏ cho rặm bụng, mà cũng chẳng nên đổ tại đánh máy nhầm, bởi ngay cả sau khi đã nhận được thông tin chính xác, chỉ có duy nhất báo Tuổi Trẻ ngày 14/6/2006 là đã cải chính lại.

 

[2] Đến ngay người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại các cuộc họp báo (với thời gian khá eo hẹp mà vấn đề thì nhiều) cũng vẫn thường phải nói thêm: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…” để làm cơ sở cho các khẳng định.

 

[3] Theo dịch giả Trịnh Lữ và một số bà con của ông, năm đó GS Isaac Katz đã phát hiện ra 2 nhân tài piano có triển vọng xuất sắc của Việt Nam là Đặng Thái Sơn và Trịnh Thị Nhàn – em gái ông Trịnh Lữ, và đã đề nghị phía Việt Nam cho hai người sang Nhạc viện Tchaikovsky tu nghiệp. Song cuối cùng, chỉ có ông Đặng Thái Sơn được đi. Bà Trịnh Thị Nhàn tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (tức HVANQG hiện nay), và hiện sống tại Pháp.

 

Nếu không có Nhạc viện Hà Nội, ông Đặng Thái Sơn vẫn có thể trở thành pianist vì ông có tài và thực tế là thân mẫu của ông – bà Thái Thị Liên – là người đã dạy ông piano trong suốt thời gian ông học sơ cấp và trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội (Xem phỏng vấn của Trịnh Tú tại Lao Động ngày 12/6/2006). Nhưng nếu không gặp GS Isaac Katz và sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky, ông Đặng Thái Sơn chắc sẽ không đoạt giải nhất piano councours mang tên Chopin năm 1980. Điều này đã được nói tới nhiều lần và thiết nghĩ đã trở thành sự thật hiển nhiên.

 

[4] Xem “Bùi Công Duy: “Chất” Nga trong con người Việt”, Phong Cách, 2/11/2007.

 

[5] Sau khi bài này được đăng tại talawas blog, độc giả Hưng Quốc đã nghĩ ra câu chuyện sau đây.

 

Giáp và Ất chơi đánh đá lửa. Giáp đánh trước, hì hục đánh đến 100 lần, toát mồ hôi mẹ mồ hôi con vẫn không ra lửa. Nản, Giáp bảo: “Liệu đây có phải đá lửa không mày, tao trông nó như bằng nhựa ấy!” Ất nói: “Mày đưa đây cho tao thử!” Ất đánh đến lần thứ 3 thì lên lửa. Giáp cười: “Thì ra đá lửa thật, chắc nó ẩm nên tao đánh 100 phát nó mới ấm lên, cố thêm 3 nhát nữa là được, tại mày may thôi”. Ất nhếch mép: “Mày cứ đùa, mày không biết đánh thì có.” Giáp, Ất cãi nhau qua lại rồi lao vào đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.

 

Người viết bài này (NĐĐ) đã cải biên cảu chuyện này thành cảu chuyện dưới đây.

 

  Giáp thu thập được rất nhiều đá để ghè lấy lửa, nhưng ghè mãi mà không ra lửa. Ất đến đưa mắt liếc qua các hòn đá rồi nói:

- Đá của mày hầu hết là đá vứt đi, không phải đá lửa, trừ mỗi hòn này. Mày đưa hòn này tao ghè thử xem có ra lửa không.

  Giáp nói:

- Tao ứ cho mày hòn này đâu vì tao ghét nó. Tao nhặt được nó vì có đứa dùng nó ném vào đầu tao. Song tao cũng đã ghè nó hàng ngàn lần rồi mà ứ thấy gì cả.

Ất bảo:

- Chỉ ghè không thôi thì mày có ghè đến cụt tay cũng không ra lửa. Dù là đá lửa cũng còn phải biết cách xử lý, biết cách ghè thì mới ra lửa. Nếu mày không cho tao thử, tao sẽ vứt hết cái đống đá mày nhờ tao ghè thử hôm qua đi.

   Giáp đành phải đưa hòn đá cho Ất. Ất đem hòn đá về, mài những chỗ lởm khởm đi, chỉ giữ cái lõi, rồi gửi hòn đá đi tham dự “Cuộc thi đá lửa quốc tế”. Tại đây các hòn đá lửa từ khắp năm châu được tập hợp lại cho người ta ghè. Ghè ba phát hòn đá của Ất toé lửa đỏ. Có một hòn đá khác cũng ghè 3 phát thì toé lửa xanh trong khi các hòn còn lại phải ghè tới 4, 5 phát mới ra lửa. Tuy nhiên đa số thành viên trong hội đồng giám khảo thích nhìn thấy lửa đỏ, nên hòn toé lửa xanh bị loại. Việc này làm một ủy viên hội đồng ghè đá tức giận tuyên bố hòn toé lửa xanh mới đúng là đá lửa thứ thiệt, và đùng đùng bỏ ra về. Hòn của Ất đoạt giải nhất.

   Nghe tin này Giáp tuyên bố:“Hiện tượng hòn đá của Ất phát ra lửa đoạt giải nhất tại cuộc thi ghè đá quốc tế là thành tựu nổi bật trong sự nghiệp luyện đá của tao!”