Ông Nomura Nguyễn
Đình Đăng “Ký
ức là tất cả những gì chúng ta thực sự sở hữu.” Elias
Lieberman (1883 – 1969) Hồi còn du học ở Paris, bố tôi là một
trong những sinh viên thiên tả – những người vừa hấp thụ văn hoá Pháp, vừa
căm ghét chế độ thực dân bảo hộ ở Đông Dương. Ông say sưa với lý tưởng cộng
sản, nhưng ông, cũng như mẹ tôi, chưa bao giờ là đảng viên cộng sản. Có lần,
tại một bãi tắm, vì quá hăng hái bảo vệ quan điểm thân Việt Minh của mình,
ông đã bị một nhóm sinh viên Việt Nam vây đánh. May nhờ một người bạn chạy đi
gọi đồng bọn đến ứng cứu, bố tôi mới được giải thoát. Năm 1954, khi bố tôi đậu licencié về
toán tại Sorbonne[1] và mẹ tôi tốt nghiệp chuyên khoa nhi tại Đại học Y khoa
Paris cũng là lúc Pháp thua trận Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Genève về hoà
bình ở Đông Dương được ký kết. Vì thế, việc bố mẹ tôi quyết định trở về Việt
Nam sau khi tốt nghiệp có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm, bởi cả bố
và mẹ tôi đều muốn sinh sống và làm việc trên quê hương “độc lập tự do” của
mình. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Chồng của cô ruột tôi,
lúc đó là công chức trong chính quyền Sài Gòn, lái xe jeep ra đón. Chú hỏi
liệu bố mẹ tôi có dự định sinh sống tại đây. “Đích của tôi là Hà Nội”, bố tôi trả lời. Sau này, trong
những đêm Hà Nội mất điện thời chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc Việt
Nam, tôi thường ngước đôi mắt tuyệt vọng nhìn bầu trời đầy sao, và tự hỏi tại
sao bố mẹ tôi không ở lại Pháp để tôi khỏi khổ sở như thế này. Về Hà Nội, bố mẹ tôi mua một biệt thự
tại một trong những khu phố rất đẹp và yên tĩnh của thủ đô. Tại ngôi nhà này
tôi đã ra đời. Bố tôi chôn rau cắt rốn của tôi cạnh gốc chuối trong vườn. Mẹ
tôi mở phòng khám bệnh trẻ em và phụ nữ tại nhà, danh tiếng lan truyền khắp
miền Bắc. Bố tôi dạy toán tại trường Chu Văn An. Thế rồi chẳng bao lâu cải
cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, vụ Nhân Văn-Giai
Phẩm, hội họp, đấu tranh, học tập chính trị liên miên đã xảy ra. Mọi việc
hoàn toàn ngược với những gì bố tôi tưởng tượng. Vốn tính bộc trực, dễ bức
xúc, bố tôi đăng đàn phát biểu, làm thơ dán bích báo, v.v. khiến chính quyền
không thích. Bị kiểm thảo, ông “thú nhận”: “Học tập” với tôi như vôi với
đỉa,
Ghét họp hành đến muốn thoát trần
gian,
Nghe nói nhiều chỉ ngắn thở dài
than,
Muốn chóng hết để về nhà thoải
mái.
Biết đấu tranh – tránh đâu, nên
thoái,
Không chịu ngồi yên để “đồng chí
dựng xây”,
Nhớ hôm qua, tuy sống ở hôm nay,
Chống cá thể lại coi là thế cả.
Số phận đáng thương,
buồn khôn xiết tả! Rồi ông đã “tự kiểm điểm” bằng thơ như sau: Suy nghĩ kỹ ra tôi cho là tại
Chính vì tôi chưa hiểu Đảng đến
cùng,
Thích xã hội chủ nghĩa từ xưa
nhưng
Chưa nghiên cứu bằng con đường duy
vật,
Mê cộng sản với niềm tin chân
thật,
Thích Mác – Lênin qua Giăng-giắc
Rút-xô[2],
Không biết rằng phải tìm hiểu
Liên-Xô,
Có thực tế mới đến nơi đến chốn. Và thực tế đã không để phải chờ lâu.
Đang dạy học, bố tôi bị “hạ tầng công tác”, bị “đày” xuống nhặt đinh ở xưởng
trường trong nửa năm trời, dưới trướng “một thằng đốc công trình độ chưa hết
lớp 2”, như lời bố tôi mô tả. Trong số các bạn bè của bố tôi, có người bị
bắt, có người bị đưa ra đấu tố ở khu phố và bị buộc phải “cúi đầu nhận tội
phản động”. Bố tôi vừa uất ức, lại vừa sợ. “May mà bà ấy (mẹ tôi) tích cực ở
Mặt trận Tổ quốc[3], nếu không thì tao đã bị tụi nó “xách” đi rồi,” sau này
bố tôi nói với tôi như vậy. Lúc đó tôi còn quá bé để hiểu rằng cai trị bằng
sự sợ hãi vốn là bản chất của mọi chính thể độc tài. Đầu tiên nhà cầm quyền
làm anh sợ. Sau đó họ lợi dụng sự sợ hãi của anh để sai khiến, bóc lột anh,
khiến anh phải phục vụ họ, nhưng họ không bao giờ tin tưởng anh. Chính thể
độc tài toàn trị không tin tưởng ai bao giờ bởi bưng bít thông tin, đổi trắng
thay đen, dọa dẫm và thanh trừng là quyết sách của họ[4]. Thế là, sau hai
thập niên sống tại miền Bắc Việt Nam, niềm tin của bố tôi vào chế độ cộng
sản, vào lý luận Mác-Lê, đã nhường chỗ cho câu nói của Jacques Doriot[5], “Le
communisme naît dans la misère, vit de mensonge, et meurt de Démocratie” (Chủ
nghĩa cộng sản sinh ra trong nghèo đói, sống bằng dối trá, và chết bởi nền
Dân Chủ), mà bố tôi thường nhắc đi nhắc lại. * Khi tôi lên năm tuổi, có một người
đàn ông bắt đầu lui tới nhà tôi vào các Chủ nhật. Mỗi lần ông khách này đến,
bố tôi có vẻ rất lo lắng tiếp đón, nhưng không hồ hởi như khi tiếp các bác
Tường[6] – nguyên thày học của bố tôi, bác Sách[7] – tác giả của “triết lý” 4
Đ: “Cứ tưởng sẽ được đi đó đi đây, té ra là đếch đi đến đâu”, bác Canh[8] –
người từng thốt lên: “Cậu lại khen ‘moa’ quá!” khi bố tôi nói bác có cặp lông
mày rậm trông giống Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Tôi không thích ông khách
này có lẽ do trực giác của trẻ con. Có lần, khi tôi đang đứng vẽ bằng phấn
lên cái bảng đen to treo trên tường hành lang ở đầu cầu thang tầng hai nhà
tôi, thì bố tôi tiễn ông ấy từ trong phòng khách bước ra. “Vẽ giỏi quá nhỉ!”, ông ta khen rồi xoa đầu tôi. “Đ.m. mày!”, tôi phát âm rất to ba từ cực kỳ
ấn tượng mà tôi mới học được từ trường mẫu giáo. Bố tôi tái mặt, xin lỗi khách. Sau
này bố tôi nói cho tôi biết ông ấy tên là Cao[9] – sĩ quan an ninh của sở
công an Hà Nội. Chuyện tôi chửi ông công an bố tôi thường hay nhắc lại. Mỗi
lần như vậy, ông lại cười, nói: “Gớm, tao ngượng quá!” Nhưng trong thâm tâm,
có lẽ ông có phần khoái. Năm tôi 13 tuổi, một hôm bố tôi gọi
tôi vào phòng ngủ của bố mẹ tôi. Vẻ mặt hệ trọng, ông nói: “Bố có việc này cần sự hợp tác của
con, nhưng con phải giữ kín, không được nói cho bất kỳ ai, kể cả anh chị con,
vì nếu lộ ra người ta có thể bỏ tù bố.” Thế rồi bố tôi lên kế hoạch. Tôi sẽ
phải cùng bố tôi đóng vai “hai bố con đi chợ Đồng Xuân” vào sáng hôm sau. Tại
đây công an sẽ sắp xếp để, làm như tình cờ, bố con tôi sẽ gặp một đoàn khách
Nhật Bản, mà công an biết chắc sẽ tới chợ hôm đó. Đối tượng công an Hà Nội theo
dõi là ông trưởng đoàn tên là Nomura – một thương gia Nhật Bản. Đây sẽ là lần
thứ hai bố tôi gặp ông Nomura. Lần gặp đầu tiên xảy ra tại một buổi hòa nhạc
giao hưởng ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Trong giờ nghỉ, bố tôi, do công an ra hiệu,
tiến đến hỏi giờ ông Nomura để làm quen. Ông này tỏ ra rất ngạc nhiên pha cả
vui mừng, vì thời Hà Nội chiến tranh, tiếp xúc được với một người Việt Nam
biết nói tiếng Anh, lại ở chỗ công cộng là một việc hy hữu. Song, sau này tôi
nghĩ lại, là một người từng nhiều lần đến cả hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà và Việt Nam Cộng hoà đang chìm trong khói lửa chiến tranh lúc bấy giờ,
chắc ông thừa biết bố tôi phải là người do công an “cài”, bởi lẽ thời bấy
giờ, nếu người nào tự dưng nói chuyện với người ngoại quốc ngoài phố là sau đó
sẽ bị lôi thôi với công an ngay. Nhẹ nhất sẽ là: “Anh vừa nói gì với nó?” Nặng hơn sẽ là: “Anh theo tôi
về đồn,” mà không
khéo là “đi suốt”. Sáng hôm ấy bố tôi mặc áo sơ mi trắng
pha nilon – biểu tượng cho sự lịch sự sang trọng của thị dân Hà Nội thập niên
1960 – 1970, đi chiếc xe máy Simson cà tàng đèo tôi ngồi đằng sau, ra chợ
Đồng Xuân. Khu chợ với cổng vào có năm chóp hình tam giác là một công trình
kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng vào năm 1899. Bố tôi gửi xe ở vỉa hè đối
diện cổng chợ. Vừa vào chợ, ông kéo tôi đến hàng bán cá, chọn mua một con cá
chép to, bỏ con cá vào cái túi lưới tết bằng sợi gai, rồi bảo tôi xách. Tôi
ngạc nhiên vì trong thời chiến tranh hồi đó, với đồng lương cán bộ của bố mẹ
tôi, đã lâu lắm rồi chúng tôi không được biết mùi thịt cá. Thực đơn bữa trưa
của chúng tôi do mẹ tôi viết trên giấy mỗi buổi sáng trước khi đi làm để dặn
bọn trẻ con chúng tôi ở nhà nấu cơm thường chỉ vẻn vẹn có hai dòng: “1- Rau
muống luộc. 2- Lạc rang”. Mẹ tôi có lần đã bật khóc khi nghe tôi nói: “Mẹ
cho con ăn cái thịt gì có bì ròn ròn màu đỏ ấy”, vì tôi đã quên mất cả tên món
“thịt quay”. Về sau tôi mới biết mọi chi phí cho “chiến dịch theo dõi ông
Nomura” đều do công an chịu. Con cá chép sáng hôm đó cũng được mua bằng tiền
của họ. Khoảng gần 11 giờ trưa, sau khi đã
dạo loanh quanh trong chợ cùng bố tôi, tôi thấy một người đàn ông cao gầy
xuất hiện. Ông ta đi ngang qua chỗ bố con tôi như người không quen biết,
nhưng nói rất nhanh đủ để chúng tôi nghe thấy: “Họ đã đến rồi đấy, đang ở chỗ
đồ khô.” Nói xong, ông ta lại lẩn vào đám đông những người đi chợ. Bố tôi vội
vã kéo tay tôi đi về phía quầy hàng khô. Khi dắt tôi vào những lúc tập trung
cao độ, như lúc qua đường đông xe cộ, bố tôi thường bóp nhẹ bàn tay tôi như
vừa sợ tôi sẽ bị tuột mất, vừa để cảnh báo cho tôi phải chú ý dè chừng. Chúng tôi tìm thấy đoàn người Nhật
chẳng khó khăn gì. Với áo trắng dắt trong quần tây, tất cả đều đi giày da,
mùi nước hoa thơm nức, họ khác hẳn những người đồng bào lam lũ của tôi đang
tò mò vây quanh nhìn. Cả bố tôi và ông Nomura đều reo to biểu lộ sự ngạc
nhiên khi hai người quen tình cờ gặp nhau. Họ bắt tay nhau và nói chuyện bằng
tiếng Anh. Tiếng ông Nomura nghe sang sảng như tiếng chuông. Tôi không hiểu
họ nói gì vì khi đó tôi chưa học tiếng Anh. Bố tôi nói với tôi: “Chào bác đi
con!” Tôi chào ông Nomura bằng tiếng Việt. Ông ta đưa tay bắt tay tôi. Những
ngón tay ông múp míp, còn cả bàn tay thì mềm nhũn và thơm phức. Bố tôi bảo
tôi giơ cái túi lưới đựng con cá chép cho ông ấy xem, như thể muốn khẳng định
rằng bố con tôi đi chợ thực sự chứ không phải đi theo dõi ông đâu. Nói chuyện
được một lúc, bố con tôi chào họ ra về. Những người Nhật cũng ra về lúc đó.
Họ lên một chiếc xe minibus màu trắng. Bố tôi lái xe máy lướt qua gần xe hơi
của họ, vẫy tay chào và không quên dặn tôi quay cái túi lưới đựng con cá chép
về phía họ. Về tới nhà bố tôi nói ông Nomura sẽ đến chơi nhà tôi vào Chủ
nhật. Chiều Chủ nhật khách mới đến, song 9
giờ sáng đã thấy người đàn ông cao gầy hôm trước cùng một người đàn bà mang
đồ tiếp khách đến nhà tôi gồm trái cây, bánh kẹo, chè hảo hạng, thuốc lá,
v.v. Sau khi họ ra về, mẹ tôi xếp những quả nho to mọng, những trái cam sành
vỏ sần sùi, những chùm nhãn lồng trái to bằng ngón chân cái, vào cái thố thủy
tinh trang trí theo kiểu Art Décor bày lên bàn trong phòng khách. Ông Nomura
không đi một mình mà đến cùng một người Nhật trẻ tuổi đeo máy ảnh Canon.
Thông thường trẻ con chúng tôi không được ngồi hóng chuyện người lớn. Được
một lúc, bố tôi ra gọi hai chị em tôi vào phòng khách. Hai ông khách Nhật
tươi cười hỏi thăm chúng tôi. Khi ông Nomura ăn nhãn, thấy không có chỗ để
vứt vỏ và hột, ông lẳng lặng bỏ chúng vào túi ngực áo sơ-mi của ông. May quá
mẹ tôi nhận ra, đứng lên lấy một cái đĩa đặt lên bàn. Khi đó ông Nomura mới
lôi vỏ nhãn và hột nhãn trong túi áo mình ra bỏ vào đĩa. Bố tôi bảo tôi ký
hoạ chân dung tặng các vị khách Nhật. Dạo ấy tôi mới tự luyện tập được lối vẽ
chân dung không cần dùng tẩy mà vẫn “bách phát bách trúng”. Tôi lấy giấy và
bút chì ra vẽ, mỗi ông một bức. Tôi không thỏa mãn, vì theo tôi hai bức đó
chưa “giống” lắm. Hai ông khách Nhật còn tới nhà tôi
một hai lần nữa. Năm đó Mỹ ném bom trở lại Hà Nội. Một lần, trong lúc họ đang
ngồi chơi ở nhà tôi thì tiếng còi báo động từ ga Hàng Cỏ nổi lên. Tất cả nhà
tôi và hai ông khách Nhật đều xuống nấp ở gầm cầu thang. Bố tôi nói gầm cầu
thang là chỗ vững chắc nhất trong ngôi nhà. Thời Đệ nhị Thế chiến nhiều ngôi
nhà bị bom phá sập, trừ cái gầm cầu thang. Tuy nhiên, ngôi biệt thự của một
nhà thiết kế kiêm hoạ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội cũng vừa bị bom Mỹ phá sập, kể cả
cái gầm cầu thang. Hai ông khách Nhật lôi trong túi đeo vai ra hai cái mũ màu
vàng nhẹ tênh, trông như bằng nhựa, đội lên đầu. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi
ngờ vì ở Hà Nội lúc đó chỉ có đội mũ sắt Liên Xô nặng trịch mới mong tránh
được bị thương do mảnh đạn, họ nói loại mũ này đã được hãng sản xuất Nhật Bản
thử bằng cách thả rơi từ độ cao vài chục mét xuống nền bê tông. Khi bố tôi
hỏi về bí quyết của sự phát triển thần kỳ của nước Nhật, ông Nomura trả lời:
“Người Nhật luôn muốn biến cái của người khác thành cái của mình.” Người Việt Nam ngày nay cũng có
cùng mục đích này, song cách làm thì khác xa cách của người Nhật. Có lẽ công an Hà Nội, thông qua một
“trí thức biết ngoại ngữ” là bố tôi, muốn biết ông Nomura là ai, đi đi về về
cả hai miền Nam Bắc như vậy nhằm mục đích gì, liệu ông ta có phải là “gián
điệp” của CIA, v.v. Mặt khác, việc tiếp đón ông tại nhà tôi là cách tuyên
truyền cho “chính sách đãi ngộ trí thức của nhà nước”. Chẳng phải một phát
tên trúng hai con chim là gì! Quá hay! Bố tôi và ông Nomura dần dần trở thành
hai người bạn. Một lần, biết ông sắp đi Sài Gòn, bố tôi nhờ ông chuyển một
bức thư cho chú ruột tôi. Gia đình chú tôi nằm trong số những “boat people”
đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Năm 1959 chú tôi đã bỏ lại ngôi
nhà và hiệu thuốc tại Hải Phòng, cùng cả gia đình bí mật lên thuyền tại vịnh
Hạ Long, vượt tuyến vào Nam. Tại Sài Gòn ông tiếp tục hành nghề dược sĩ, bán
thuốc tây. Khoảng đầu thập niên 1960, bố mẹ tôi nhận được một bưu ảnh gửi từ
Sài Gòn chụp bốn con của chú – tức là các em họ của tôi. Tất cả trông đều
xinh đẹp, trắng trẻo, bảnh bao, tóc láng bóng. Khi chiến tranh phá hoại xảy
ra, mọi liên lạc thư từ giữa Hà Nội và Sài Gòn bị cắt hẳn. Bố mẹ tôi không
nhận được tin tức gì của gia đình chú tôi nữa. Sau chuyến đi Sài Gòn, ông
Nomura lại đến Hà Nội. Ông chuyển cho bố tôi quà của chú tôi: một quyển từ
điển Anh – Việt & Việt – Anh của hai tác giả Lê Bá Công và Lê Bá Khanh
xuất bản tại Sài Gòn. Thời đó ở miền Bắc, từ điển Anh – Việt & Việt – Anh
là của hiếm. Ông còn tặng bố tôi một cuốn lịch treo tường khá to, mỗi tháng
chiếm một trang, in hình các phụ nữ Nhật Bản xinh đẹp, vận kimono. Bố tôi nộp
cuốn từ điển và cuốn lịch Nhật cho sở công an Hà Nội. Vài hôm sau họ trả lại
cuốn từ điển, nói bố tôi được phép sử dụng. Chú tôi cùng cả gia đình đã kịp
di tản lần thứ hai, lần này từ Sài Gòn sang Pháp, trước năm 1975. Năm 1989,
khi tôi gặp chú tôi lần đầu tiên tại Paris, chú tôi kể ông đã sợ hãi như thế
nào khi nhận được thư bố tôi do ông Nomura chuyển: “Cháu không biết chính phủ ông
Thiệu bỏ tù bất cứ ai có liên hệ với cộng sản à?”, chú nói. “Chính phủ ông Hồ cũng vậy, chú ạ.
Họ lôi đi trại cải tạo tất cả những ai từng cộng tác với ‘địch’”, tôi nói.[10] “Thế mà làm sao bố cháu lại quen
được ông Nomura, để gửi được thư cho chú, thì kể bố cháu cũng … tài thật!”, chú tỏ vẻ thán phục. Tôi im lặng. Sau khi ông Nomura về Nhật, năm nào
ông cũng gửi thiếp chúc mừng năm mới tới gia đình tôi. Các bưu thiếp in ảnh
thành phố Tokyo, Osaka với những xa lộ cao tốc trên những chiếc cầu vượt
chồng chéo lên nhau, như tấm gương phản chiếu sự tiến bộ thần kỳ của nước
Nhật. Có lần ông gửi cả ảnh đám cưới con gái ông. Trong ảnh cô dâu đội mũ và
mặc áo cưới kimono trắng truyền thống. Ông Nomura mặc tuxedo đen, đi găng tay
trắng, khăn mùi-xoa trắng dắt túi ngực, miệng cười khoe hàm răng trắng bóng.
Bà vợ ông mặc kimono đen thêu hoa. Ông Nomura và những thông tin hiếm hoi đó
về nước Nhật đã kích thích trí tò mò của tôi. Tôi thầm ao ước có ngày mình sẽ
đặt chân tới đất nước kỳ lạ này. Khoảng hơn mười năm sau khi ông Nomura về
Nhật, bố tôi bị tai biến mạch máu não, liệt tay phải. Hai chân ông yếu đi
nhanh chóng. Ông phải ngồi xe lăn, không đến chơi nhà các bạn ông được nữa.
Các bạn đến thăm ông cũng thưa dần, vì một số đã lần lượt vĩnh viễn ra đi,
một số sức khoẻ cũng chỉ khá hơn ông chút ít. Bố tôi trở nên cáu bẳn, vì lực
bất tòng tâm. Ông nghi người nào lâu không đến mà đột nhiên lại xuất hiện
đích thị là do “tụi công an phái đến điều tra tao” để về “bá cáo”. Năm 1994 tôi được Quỹ Tưởng niệm
Nishina[11] mời sang Tokyo nghiên cứu vật lý. Trước ngày tôi và vợ con lên
đường, bố tôi nói ông quyết định kể hết cho ông Nomura biết là ông đã bị giao
nhiệm vụ theo dõi ông Nomura hơn hai mươi năm về trước như thế nào. Ông nói
nếu không nói ra sự thật, chết ông không nhắm được mắt. Ông dùng tay trái và
mấy ngón tay còn hoạt động được của bàn tay phải đánh máy một bức thư, nguệch
ngoạc ký, cho vào phong bì, dán kín, và dặn đi dặn lại việc đầu tiên tôi phải
làm sau khi đến Tokyo là gửi bức thư này bằng bưu điện đến nhà ông Nomura.
Sau đó tôi phải gọi điện cho ông ấy và gặp được ông ấy để chuyển lời chào của
bố tôi. Tôi đã làm đúng như bố tôi dặn. Tôi gửi bức thư kèm theo địa chỉ và
số điện thoại viện nghiên cứu của tôi tại Tokyo. Vài hôm sau khi gửi bức thư,
chưa kịp gọi điện thì tôi đã nhận được điện thoại của ông Nomura mời gia đình
tôi tới ăn trưa tại Plaza Hotel ở Shinjuku[12]. So với lần cuối cùng tôi gặp
ông tại Hà Nội cách đó hai thập niên, ông đã già đi nhiều. Bàn tay ông bây
giờ khô và gầy. Vài sợi tóc bạc thưa thớt thay cho mái tóc đen nhánh chải gôm
bóng mượt hai mươi năm về trước. Đôi mắt vẫn tinh anh, song không còn lấp
lánh ánh sáng. Tiếng nói của ông hơi rè đi. Cùng đến với ông là một cặp vợ
chồng và một bé trai. Chồng là người Nhật Bản, từng làm đại diện cho một công
ty lớn của Nhật ở Sài Gòn nhiều năm, vợ là người Việt Nam – rất xinh đẹp. Họ
trạc tuổi chúng tôi. Con trai của họ cũng trạc tuổi con trai chúng tôi. Sau
này chúng tôi đã trở thành những người bạn thân. Tại bữa tiệc, ông Nomura cho
chúng tôi xem huân chương hữu nghị và bằng khen do Thủ tướng CHXHCN Việt Nam
Đỗ Mười ký tặng ông do những công lao của ông đối với nước Việt Nam. Ông nói
ông đã nghỉ hưu, song hiện là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ do chính ông
sáng lập. Tổ chức này làm cầu nối giới thiệu văn hóa Việt Nam với công chúng
Nhật Bản. Một số nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc và múa của Việt Nam đã được tổ
chức này mời sang lưu diễn tại Nhật. Tôi nhớ bố tôi cũng được tặng huy chương
…“Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an. Họ đến tận nhà trao
cho bố tôi, chụp ảnh bố tôi ngồi trên xe lăn, tay phải bị liệt, tay trái giữ
huy chương và bằng khen đặt trên đùi. Sau lần gặp đó, ông Nomura lại đi
Việt Nam và ghé thăm bố mẹ tôi. Quay trở lại Tokyo, ông đưa vợ ông tới thăm
gia đình tôi. Cả hai ông bà ăn mặc rất trịnh trọng. Ông mặc com-lê thắt
cà-vạt. Bà vận kimono. Cụ bà, một phần do không biết tiếng Anh, hầu như không
nói gì, chỉ nhiều lần khom lưng cúi chào, khiến vợ chồng tôi vô cùng bối rối.
Tôi đưa ông bà xem một bức ảnh đen trắng. Trong ảnh bố tôi và ông Nomura đang
tươi cười đứng bên hai chị em tôi trong lần đầu tiên ông đến thăm nhà tôi ở
Hà Nội. Ảnh do người đàn ông Nhật đi cùng ông khi đó chụp bằng máy Canon, in
rồi gửi cho chúng tôi. Sau hơn 20 năm nước ảnh vẫn đen nhánh. Ông kể đã gặp
và nói chuyện với bố tôi như thế nào. Lẽ dĩ nhiên, bố tôi đã trút được hết
bầu tâm sự. Chia tay bố tôi, ông tặng bố tôi một cái máy ảnh Olympus nhỏ xíu
“made in Japan”. Tìm được máy ảnh “made in Japan” bây giờ không phải là dễ,
vì các hãng của Nhật nay đã mở nhiều chi nhánh sản xuất tại các nước Đông Nam
Á có nhân công rẻ. Ngay ở Tokyo, các máy ảnh của các hãng nổi tiếng bày bán
ngoài hiệu phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,
Malaysia, thậm chí cả Việt Nam. Ông bà Nomura mời chúng tôi đến nhà ông bà để
ngắm hoa anh đào trong mùa xuân sắp tới. Cuộc viếng thăm đó đã không xảy ra.
Mùa xuân năm ấy mưa nhiều đúng vào dịp hoa anh đào nở, khiến chỉ mấy hôm hoa
đã rụng hết. Vài năm sau, ông Nomura qua đời. * Trong một lần tôi từ Nhật về thăm nhà
cách đây chừng 7 – 8 năm, mẹ tôi nói: “Có cậu Quang[13] gọi điện mấy
lần, muốn gặp con khi nào con về.” “Quang là ai thế hả mẹ?”, tôi hỏi. “Cậu Quang học ở lớp tiếng Anh
trước kia bố dạy ở nhà mình ấy mà.” Hồi thập niên 1980, Sở Công an Hà Nội
có nhờ bố tôi dạy tiếng Anh cho một nhóm thanh niên. Bố tôi còn dạy tiếng Anh
cho cả mấy “nhà sư” trẻ. Những vị xuất gia này đi xe máy Peugeot, tay đeo
đồng hồ Seiko, mắt đeo kính Armor. Trong số các nhà sư “quốc doanh” từng là
học trò Anh văn của bố tôi, tôi có nghe nói một người sau đó đã bị giám khảo
bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi lên “sư cụ”, một người khác bị rút phép
thông công trục xuất khỏi chùa vì tội hủ hoá với sư nữ. Mấy ngày sau, người tên
là Quang đó gọi điện nói muốn được gặp tôi. Tôi hẹn gặp anh ta tại phòng
khách nhà tôi. Anh ta đến, bảnh bao, kính râm, quần bò, cặp diplomat, tự giới
thiệu là cán bộ của Sở Công an Hà Nội, vốn là học trò của “thày Nam”. Anh nói
Bộ Công an (khi đó còn gọi là Bộ Nội vụ) muốn biết “thông tin” về các trí
thức Việt kiều ở Tokyo và đề nghị tôi giúp. Anh ta còn nói thêm là nếu gia
đình tôi có khó khăn, “sở sẽ hỗ trợ”. Tôi trả lời là tôi rất bận, và không
thể làm việc đó được. Chúng tôi chia tay. Từ đó đến nay tôi không gặp trường
hợp nào tương tự nữa. Danh cầm piano người Nga, hiện là
nhạc trưởng dàn nhạc NHK Nhật Bản, Vladimir Ashkenazy có kể lại rằng[14], vào
cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô)
đã yêu cầu ông theo dõi và báo cáo KGB các phát ngôn và tư tưởng của giáo sư
và sinh viên nhạc viện Tchaikovsky. Quá hoảng sợ, ông đành đồng ý, song ông
cố hết sức không chỉ điểm ai cả. Kết quả là ông bị KGB sa thải. Các chuyến
lưu diễn sang phương Tây và các hợp đồng thu âm của ông bị hủy. Sau khi đoạt
giải nhất cuộc thi piano Tchaikovsky lần thứ hai (1962), trong một chuyến lưu
diễn tại Anh vào năm 1963, ông đã ở lại, không quay về Nga nữa. Năm 1972 ông
nhập quốc tịch Iceland và sống tại Thụy Sĩ. Gần đây người ta công bố trên internet
tài liệu nghiên cứu tố cáo một nhà văn nổi tiếng thế giới, từng là đảng viên
cộng sản ở một nước thuộc khối cộng sản Đông Âu cũ, đã “chỉ điểm” cho công an
nước mình bắt một người bị tình nghi là gián điệp vào năm 1950, giam 14 năm
tù. Nhà văn này, hiện sống tại Pháp, đã lên tiếng cực lực phản đối, khẳng
định đó là điều bịa đặt. Vụ việc hiện chưa rõ ai đặt điều cho ai, nhưng việc
nhiều trí thức tại các nước nguyên cộng sản từng hợp tác với công an, mật vụ
(cho dù tự nguyện, bị ép buộc, hay tự nguyện bắt buộc) là một sự thật. Trong
số các phản hồi một bài báo đăng tại một diễn đàn internet của trí thức trong
nước nhân cuộc hội thảo của giới sử học Việt Nam nhằm đánh giá “công bằng”
vai trò của triều đình nhà Nguyễn, có một ý kiến nguyên văn như sau: “Mao
Trach Dong da noi: Tri thuc co gia tri khong bang cuc phan. Can phai sua lai
nhu the nay moi dung: Tri thuc cong san, nhat la tri thuc cong san Viet Nam
co gia tri khong bang cuc phan.” Toàn bộ mục “Ý kiến bạn đọc” đã bị gỡ xuống sau hai
ngày[15]. * Những năm gần đây bố tôi yếu đi
nhiều. Ông nhớ như in những chuyện ngày xưa nhưng quên ngay những chuyện xảy
ra sau này. Dần dần ông chỉ còn nhận ra mỗi mình mẹ tôi, người luôn ở bên
cạnh chăm sóc ông từ khi ông ngã bệnh. Ông hay hỏi mẹ tôi: “Bao giờ thằng Đăng
nó về?” Lúc tôi về thăm nhà, đến đứng trước mặt ông, ông nhìn tôi trân trân,
hỏi: “Đứa nào đây?” “Đăng đấy. Con nó về thăm anh đấy!”, mẹ tôi nói. “Thằng Đăng ở Nhật, chỗ ông
Nomura… Bao giờ nó về?”,
bố tôi lại hỏi[16]. viết xong tại Tokyo,
tháng 10/2008 hiệu đính (thêm chú
thích) tháng 11 và 12/2009 © 2010 Nguyễn Đình Đăng ——————————————————————————– [1] La Sorbonne: trường đại học nổi
tiếng ở Paris, được Robert de Sorbon (1201-1274) thành lập năm 1257. [2] Jean-Jacques Rousseau
(1712-1778): triết gia và nhà giáo dục Pháp, một trong những triết gia đầu
tiên trong lịch sử cận đại lên tiếng công kích chế độ tư hữu, được coi là bậc
tiền bối của chủ nghiã xã hội và chủ nghiã cộng sản. Ông cho rằng nhà nước được
lập ra nhằm đảm bảo tự do, bình đẳng, và công bằng cho mọi thành viên trong
xã hội, không phụ thuộc vào ý muốn của đa số. [3] Mẹ tôi từng là ủy viên Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam trong nhiều năm. [4] Chính thể cộng sản của Stalin ở
Liên Xô đã hành quyết và đầy ải đến chết hơn 10 triệu người trong thập niên
1930 – 1950. Danh cầm violin David Oistrakh (1908 – 1974, người Nga gốc Do
Thái) đã kể lại vào khoảng năm 1936 – 1937 ông từng sống trong một tòa nhà mà
tất cả đàn ông đều đã bị bắt, chỉ trừ ông và một người ở căn hộ đối diện. Vợ
ông đã chuẩn bị sẵn quần áo, lương khô, và hai vợ chồng hàng tháng ròng đêm
đêm sợ hãi chờ đợi công an đến bắt ông đi. Một lần vào khoảng 4 – 5 giờ sáng,
họ nghe tiếng đập cửa vào toà nhà, rồi tiếng chân người bước lên cầu thang. Họ
nín thở. Cuối cùng, những người đến bắt đã bấm chuông căn hộ đối diện. Danh
cầm cello Mtislav Rostropovich (1927 – 2007) kết luận: “Đó là chìa khóa để
hiểu chính quyền Xô Viết đã làm gì với nhân dân mình. Chế độ này bắt họ phải
sống hai mặt: nghĩ một đằng song lại nói một nẻo.” (Xem phim David Oistrakh – Nghệ
sĩ của nhân dân?,
của đạo diễn Bruno Monsaingeon, phần 6 từ phút 2:12 đến
4:33). Theo cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam,
tập 2, trong 3 năm cải cách ruộng
đất (1953 – 1956) tại miền Bắc Việt Nam có khoảng 170 ngàn người
bị quy địa chủ và phú nông, đồng nghĩa với đa số họ đã bị hành quyết, trong
đó hơn 70% là bị oan. Đem chia số người bị giết trung bình trong 1 năm dưới
chế độ Stalin (khoảng 500 ngàn) cho số dân của nước Nga năm 1940 (khoảng 190
triệu) được tỉ số khoảng 3/1000. Kết quả này tương tự tỉ số người bị giết
trong một năm (khoảng 56 ngàn) thời cải cách ruộng đất ở Bắc Việt Nam so với
dân số Bắc Việt Nam năm 1950 (khoảng 16 triệu). [5] Jacques Doriot (1898 – 1945): một
trong những lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp (ĐCSP) trong thập niên 1920; bị
khai trừ khỏi ĐCSP năm 1934; thành lập Đảng Nhân dân Pháp năm 1936 – một đảng
dân tộc chủ nghĩa quá khích; chết năm 1945 trong một trận không kích của Đồng
minh. [6] Nguyễn Mạnh Tường (1909-1996),
người Việt Nam duy nhất đậu hai bằng Tiến sĩ Luật khoa và Tiến sĩ Văn chương
năm 23 tuổi ở Pháp, nguyên giáo sư Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia
Hà Nội). Ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc ở
Hà Nội, ông đã đọc một bài diễn văn
phân tích những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong cải cách ruộng đất và đề
ra phương hướng để tránh mắc lại sai lầm. Vì phát biểu này ông
Tường đã bị tước hết mọi chức vụ danh vị nghề nghiệp và phải sống khó khăn
thiếu thốn cho đến khi chết. [Xem: Nguyễn Mạnh Tường, Kẻ bị mất phép thông
công – Hà Nội 1954 – 1991: Bản án cho một trí thức (Paris, 1992), bản dịch của
Nguyễn Quốc Vĩ (2009)]. [7] Phan Văn Sách, mất năm 1993 tại
Hà Nội. Triết lý 4Đ của ông tóm tắt từ duy vật biện chứng (đối – động – đụng
– đổi) tới các quy tắc xã hội thông thường như “đèn đỏ đừng đi”, “đổi đèn đi
được”, …“đái đúng địa điểm”, v.v. [8] Vũ Như Canh, nguyên giáo sư vật
lý, hiện ngoại 90 tuổi, sống tại Sài Gòn, em ruột luật sư Vũ Văn Mẫu (1914 –
1998), nguyên thượng nghị sĩ, ngoại trưởng, và Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà. [9] Tên người đã được thay đổi. [10] Một ông bạn, nay đã quá cố, của
bố tôi từng bị công an Hà Nội bắt đi tù 9 năm (không án) vì đã làm phát thanh
viên tiếng Anh trên đài truyền thanh Hà Nội thời Pháp. Trong một dịp sang New
York vào năm 1994, tình cờ tôi được gặp gia đình em gái của ông. Ông em rể,
người Mỹ, là giáo sư toán học tại Đại học Columbia, nói về ông anh vợ mình
như sau: “I heard they put him in jail just because he can speak English.” (Tôi nghe nói người ta bỏ tù
ông ấy chỉ vì ông ấy biết nói tiếng Anh.) [11] Yoshio Nishina (1890 – 1951) là
nhà vật lý người Nhật, được coi là cha đẻ của vật lý học hiện đại của Nhật
Bản. Nishina là người vận động tích cực truyền bá cơ học lượng tử vào nước
Nhật năm 1929. Ông cũng là người đã chế tạo 2 chiếc máy gia tốc cyclotron đầu
tiên của Nhật tại RIKEN. Sau Đệ nhị Thế chiến hai chiếc cyclotrons này đã bị
quân đội Mỹ phá hủy và vứt xuống vịnh Tokyo. Quỹ Tưởng niệm Nishina (Nishina Memorial Foundation)
được thành lập năm 1955. Từ năm 1992 Quỹ này hằng năm mời các nhà vật lý trẻ,
trong đó có nhiều
người Việt Nam, sang Nhật nghiên cứu . [12] Shinjuku: một trong 23 đặc khu,
trung tâm thương mại và hành chính, nơi đặt trụ sở của chính quyền trung ương
thành phố Tokyo. [13] Tên người đã được thay đổi. [14] Michael Church, Ashkenazy –
Still Russian to the core, The Independent, 3/10/2008. [15] Tháng 10/2009 toàn bộ diễn đàn
online đó đã bị đóng cửa. [16] Bố tôi qua đời ngày 29/9/2009
tại Hà Nội, thọ 89 tuổi. |