21.8.2007

 

Nguyễn Đình Đăng

 

Nhân đọc ý kiến của ông Nguyên Mẫn 20/8/2007 có trích dẫn ý kiến của ông Vũ Giản, trong đó có đặt tương đương tên gọi học vị của Mỹ và Việt Nam, tôi thấy cần chú thích như sau: 

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có hệ đại học 4 năm (ví dụ đại học tổng hợp), hoặc 5 năm (ví dụ đại học bách khoa). Sau 12 năm học ở trường phổ thông học sinh phải thi tốt nghiệp phổ thông, rồi lại thi vào đại học. Nếu đỗ vào đại học, sau 4 hoặc 5 năm người tốt nghiệp đại học được nhận bằng “cử nhân”. Cao hơn bậc đại học (cử nhân) là bậc cao học (2 năm) để lấy bằng “thạc sĩ” (master). Trên bậc cao học là bậc nghiên cứu sinh (3 năm) để lấy bằng “tiến sĩ” (Ph.D.). 

Bây giờ cho phép tôi trả lời câu hỏi của ông Nguyên Mẫn về tên gọi “tiến sĩ” hiện nay và “phó tiến sĩ” trước đây tại Việt Nam. Trước khi Liên Xô tan rã, bậc “tiến sĩ” (hiện nay ở Việt Nam) được gọi là “phó tiến sĩ”, tương đương với “кандидат наук” của Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay (xem Kandidat nauk), hay Ph.D. theo hệ thống của Âu - Mỹ. Cái tên “phó tiến sĩ” được đặt ra là để phân biệt với “tiến sĩ” (доктор наук) là học vị cao nhất trong giới khoa bảng ở Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay (xem Education in Russia), hay “habilitation” ở Đức và một số nước EU (Xem thêm Doctorate). Khoảng 10 năm trở lại đây, sau một cải cách tại Việt Nam, “phó tiến sĩ” được gọi là “tiến sĩ” (viết tắt là TS), còn “tiến sĩ” (“доктор наук” ở Liên Xô/Nga, hay “habilitation” ở Đức và một số nước EU khác) thì được gọi là “tiến sĩ khoa học” (viết tắt là TSKH). (Xem thêm bài của N.Đ.Đ: “Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát”, và của P. Darriulat: “Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn”).