Pièrre Darriulat

Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn

Nguyễn Đình Đăng dịch

 

Giáo sư Pièrre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Từ năm 1979 đến năm 1987 ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Từ 1987 đến 1994 ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN. Năm 1978 CERN thông qua ý tưởng đặt thí nghiệm tại hai điểm của máy gia tốc Super Proton Synchrotron (SPS) năng lượng 450 GeV để đạt được năng lượng đủ lớn tạo bởi va chạm của các chùm proton và phản proton bay ngược hướng nhau nhằm tạo ra các hạt bosons của tương tác yếu có khối lượng trong vùng 80 - 100 GeV. Thí nghiệm UA1 được đặt tại điểm thứ nhất do Carlo Rubbia, giáo sư đại học Harvard, đứng đầu. Thí nghiệm UA2 được đặt tại điểm thứ hai do Pièrre Darruilat chỉ đạo. Ngày 20 tháng 1 năm 1983 nhóm của C. Rubbia công bố kết quả của 5 va chạm sinh ra các hạt W boson đo được tại UA1. Sáng hôm sau nhóm của P. Darriulat công bố kết quả của 4 va chạm đo được tại UA2. Tháng 5/1983 hạt Z0 cũng được phát hiện.Vì những đóng góp quyết định vào những dự án lớn đưa đến những phát hiện nói trên” (đặc biệt là ý tưởng dùng SPS của CERN để tạo va chạm giữa proton và phản proton trong cùng một vòng xuyến của máy gia tốc) Carlo Rubbia và Simon van der Meer được trao giải Nobel về vật lý năm 1984.


Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat sang Việt
Nam sinh sống (Hiện ông sống tại Hà Nội cùng vợ người Việt). Tại đây ông đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Nghĩa Đô – Hà Nội), đào tạo các người nghiên cứu trẻ Việt Nam về vật lý tia vũ trụ, và lần đầu tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam.


Trong dịp về Việt
Nam dự “Hội thảo quốc tế về vật lý các hạt nhân không bền vững” tổ chức tại Hội An tháng đầu tháng 7/2007, người dịch (N.D.) có dịp được gặp và nghe một số quan điểm của giáo sư Darriulat về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Một phần của những quan điểm này đã từng được đăng trên một số tờ báo trong nước, song chưa bao giờ được đăng trọn vẹn. Vì thế N.D. đã đề nghị giáo sư Darriulat gửi cho nguyên bản bài viết các suy nghĩ của giáo sư (đã được giáo sư cập nhật) để dịch ra gửi đăng đầy đủ lần đầu tiên tại talawas. Giáo sư Darriulat đã đồng ý. Dưới đây là bản dịch toàn bộ nội dung bài viết của giáo sư Pièrre Darriulat. Vì bản dịch chắc không tránh khỏi thiếu sót, N.D. cũng gửi kèm luôn đường link vào nguyên bản Anh văn để độc giả tiện đối chiếu: http://ribf.riken.go.jp/~dang/whoarewe/Darriulat.htm

Nguyễn Đình Đăng

 

Cách đây ít lâu ban biên tập của Vật lý ngày nay, tạp chí của Hội Vật lý Việt Nam, có kêu gọi các nhà khoa học nước ngoài gửi bài nhận định về hiện trạng của nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học ở Việt Nam. Tôi đã nhân dịp này viết một bài báo mà các trích đoạn và bản được biên tập lại đã xuất hiện trên vài tạp chí [1] . Gần đây, giáo sư Hoàng Tuỵ có viết một bài báo xuất sắc đăng tại Tia sáng [2] , tổng kết đầy đủ tình trạng (giáo dục) ở Việt Nam và chỉ rõ các vấn đề đang cần một giải pháp cấp bách. Thật không cần thêm gì vào những điều ông đã viết. Song, vì một vài người bạn đã đề nghị tôi tổng kết lại một lần nữa quan điểm của mình về đề tài này, tôi sẽ trình bày dưới đây bài viết đã được cập nhật của tôi.

Để cho ngắn gọn, tôi cho rằng hiển nhiên Việt Nam chưa có các trường đại học và viện nghiên cứu mà đất nước này xứng đáng phải có, và rằng sự phát triển nhanh chóng hiện nay đòi hỏi một sự cải thiện quan trọng về chất lượng đào tạo đại học và về nghiên cứu nhằm khắc phục sự chậm trễ do sự mất mát của những hai thế hệ các nhà khoa học mà 30 năm chiến tranh đã gây ra. Điều này đã được nhắc tới nhiều lần và không cần phải tranh cãi. Vì thế, tôi sẽ tập trung vào những hành động cụ thể, mà theo quan điểm cá nhân và có thể sai của tôi, có thể áp dụng để tiến bộ.

Tôi không thích phê phán những gì tôi thấy ở Việt Nam. Tôi hiểu rõ đất nước này đã đau khổ nhiều như thế nào trong lịch sử và nhiều vết thương của nó còn chưa lành. Tôi biết rằng, với bất kỳ phê bình nào mà tôi có thể đưa ra, người ta có thể dễ dàng tìm thấy nguyên nhân và lý lẽ biện hộ từ sự khốc liệt của những cuộc chiến tranh gần đây và các hậu quả của chúng. Tôi cảm thấy “sốc” khi tôi thấy Hoa Kỳ làm ra vẻ rao giảng các bài học về nhân quyền tại đây và tôi dị ứng với tất cả những can thiệp thuộc loại đó. Làm sao tôi có thể phê phán hệ thống đại học Việt Nam khi tôi đã hưởng thụ những điều kiện làm việc đặc biệt thuận lợi trong suốt sự nghiệp khoa học của tôi tại châu Âu? Rồi sau khi tôi nghỉ hưu, sang Việt Nam, và chỉ đạo phòng thí nghiệm tia vũ trụ đồng thời giảng dạy vật lý thiên văn, tôi không gặp thiếu thốn về vật chất nhờ có lương hưu (từ châu Âu. N.D.) của tôi? Trong khi các đồng nghiệp của tôi, các giáo sư đại học và các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam thì phải làm việc với đồng lương còm trong điều kiện làm việc rất khó khăn. Lý do duy nhất của tôi là nguyện vọng muốn được thấy những sinh viên mà tôi đang đào tạo ở đây sẽ được hưởng thụ một tương lai tương xứng với tài năng của họ mà không cần đi di tản, như nhiều bạn bè của họ đã lựa chọn, sang những nước biết trân trọng hiểu biết, chuyên môn, và thành tựu của họ hơn là Việt Nam. Nỗi lo ngại đó luôn luôn là mối quan tâm của tôi.

1.  Sự cần thiết của các đường lối chung

Có một số câu hỏi cơ bản cần được trả lời nhằm định ra một cơ cấu cho đại học và nghiên cứu có thể phát triển. Những câu hỏi đó là: “Vì sao Việt Nam cần trường đại học?”“Vì sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học?” Đó không phải là những câu hỏi tầm thường; các nước khác nhau có những câu trả lời khác nhau, thậm chí một nước cũng có những câu trả lời khác nhau tuỳ theo các giai đoạn lịch sử. Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó mới có hy vọng trả lời được các hệ quả: “Việt Nam cần những trường đại học kiểu gì?”“Việt Nam cần nghiên cứu khoa học kiểu gì?” Những câu trả lời phản ánh hình thái xã hội mà người ta muốn đất nước sẽ có, chúng là những lựa chọn chủ yếu mà nhà nước cần làm cho nhân dân mình. Hiển nhiên tôi không thể là người đề nghị những câu trả lời khả thi cho những câu hỏi đó. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam không nên sao chép mù quáng những gì đã làm hoặc đang được làm ở ngoại quốc, một điều có vẻ đang rất dễ xảy ra. Điều kiện biên và mục tiêu đều rất khác nhau: cái tốt ở chỗ khác không có lý do để cũng sẽ tốt như thế ở đây, chưa kể đến rất nhiều lỗi lầm và lỗi vận hành mà nhiều đại học ngoại quốc đã gặp phải. Tất nhiên, phải biết những kinh nghiệm đó và phải rút ra các bài học càng nhiều càng tốt; nhưng, thay vì cố lặp lại những gì đang được làm ở ngoại quốc, chúng ta cần có những câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi cơ bản mà tôi vừa nêu trên, phổ biến chúng thật rộng rãi và dùng chúng như một khuôn khổ chính để tiến bộ và từ đó mà xác định các phương hướng chủ đạo. Trong thời buổi mà đất nước, với chính sách đổi mới, đang lèo lái giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism), các định hướng nói trên là vô cùng cần thiết.

Ở Việt Nam người ta hay viện dẫn các “tiêu chuẩn quốc tế” như thể không còn cách giải quyết nào khác cho các vấn đề của Việt Nam ngoài cách sao chép ngoại quốc hoặc cầu cứu những người ngoại quốc được gọi là chuyên gia để cứu vãn tình trạng Việt Nam. Phần lớn các vấn đề đều có thể được giải quyết từ bên trong; chúng đòi hỏi trước hết tính trung thực, lý trí thường thức, lòng dũng cảm, và quyết tâm. Cái điệp khúc cũ rằng Việt Nam còn nghèo là một sự bao biện tồi: thực sự các gia đình Việt Nam đã chi nhiều, rất nhiều tiền để gửi con cái họ ra ngoại quốc học; số tiền đó lẽ ra có thể được sử dụng ở nhà để cải thiện hệ thống giáo dục đại học và đấu tranh chống lại tai hoạ chảy máu xám hiện chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Tôi nhớ tới một bộ phim [3] về chuyện một cô bé Hà Nội được gửi sang Hoa Kỳ học, tới một vùng hẻo lánh tại miền nam nước Mỹ, trong một môi trường hoàn toàn thiếu văn hoá: Thật là phí tiền tới chừng nào! Tôi cũng biết những trường hợp các thực tập sinh sau tiến sĩ (postdoc) rất xuất sắc trở về Việt Nam, thường là vì lý do gia đình, sau khi bảo vệ tiến sĩ ở ngoại quốc. Họ được bố trí những công việc kém tương xứng trong hệ thống đại học hiện hành: Thật là phung phí tài năng và tiền bạc mà Việt Nam đã đầu tư để đào tạo họ! Chúng ta không cần phải thường xuyên viện dẫn các tiêu chuẩn quốc tế, mà chỉ cần chữa trị những căn bệnh trầm kha của hệ thống hiện hành và chặn đứng, hoặc ít nhất là làm chậm lại, hiện trạng chảy máu xám. Khi đó lập tức sẽ có những so sánh với tiêu chuẩn quốc tế có lợi cho Việt Nam.

Dưới đây tôi minh hoạ cho lập luận của mình bằng vài thí dụ.

Năm mươi năm trước, các nước phương Tây đã quyết định dân chủ hoá các trường đại học của họ, bằng cách nhận nhiều sinh viên hơn trước [4] . Về nguyên tắc, đó là một ý tưởng hào phóng, và tôi tin rằng đó là một thành công tổng thể. Tuy nhiên, về chi tiết, đã gặp phải nhiều thất bại khiến người ta cần xét lại ý tưởng đầu tiên. Có rất nhiều sinh viên vào đại học nhưng hoặc là không có khả năng, hoặc lười nhác. Người ta phải nghĩ ra các chương trình đào tạo ngắn hạn, một hoặc hai năm, để chuyển các sinh viên này sang các trường dạy nghề khi vẫn còn thời gian (Tiện đây, điều này cho thấy, ta không thể nghĩ về đại học một cách cô lập mà phải trong một nội dung rộng hơn của giáo dục nâng cao). Những sinh viên yếu, không thể nhận bằng tốt nghiệp, buộc phải đương đầu với vấn đề lớn là tìm việc làm sau khi đã “mất” vài năm tại đại học. Những câu hỏi được đặt ra ở đây là những lựa chọn rất cơ bản của xã hội, như dân chủ và công lý (mỗi người phải có quyền được học nhưng các sinh viên giỏi hơn cũng phải có quyền tiến bộ với tốc độ nhanh hơn mà không bị các bạn đồng niên kém tài hơn níu chân).

Theo kinh nghiệm Việt Nam của tôi, tôi thấy có nhiều việc cần làm trong lĩnh vực này. Có quá nhiều sinh viên thực sự không có khả năng hoàn thành chương trình đại học lại vẫn cứ cố học hết 4 năm. Chẳng những họ làm học vị tốt nghiệp mất giá thậm tệ, mà họ còn cản trở những sinh viên khá hơn họ được hưởng thụ sự đào tạo xứng đáng ở mức cao hơn. Những lớp cử nhân tài năng không giúp gì cho việc này, vì việc tuyển chọn được làm quá sớm. Tôi thấy cần phải xem xét nghiêm túc việc loại bỏ hệ thống chia lớp như hiện nay, một hệ thống quá ư cứng nhắc, ngăn cản, nếu không nói là vô hiệu hoá, bất kỳ một thay đổi và tiến hoá nào. Chúng ta cần xem xét việc thay nó bằng hệ thống hiện đang được áp dụng tại hầu hết các trường đại học trên thế giới, nơi các sinh viên có thể chọn môn học nào họ phải theo trong khuôn khổ một số quy định chung, tuỳ theo khả năng và tham vọng của họ. Hệ thống mềm dẻo hơn này sẽ giảm nhẹ gánh nặng phải tạo ra các khoá ngắn hạn cho các sinh viên không ở mức hoàn thành được cả chương trình đại học và tránh được việc phải chuyển họ sang các kênh phù hợp hơn, như các trường dạy nghề, khi vẫn còn thời gian. Một sự thay thế như thế sẽ giúp cho việc đưa những môn học mới vào chương trình trở nên dễ dàng hơn, như môn vật lý thiên văn hiện chưa được dạy tại đại học Việt Nam. Người ta phải có khả năng ngừng học ở các mức khác nhau với nhiều loại chứng chỉ tương ứng khác nhau phù hợp với nhu cầu của đất nước. Và, quan trọng nhất là, việc kiểm tra theo dõi sự tiến bộ của sinh viên và cấp chứng chỉ cần được thực hiện ở mức khắt khe hơn hiện nay.

 Ví dụ thứ hai: Hiện nay ở Việt Nam người ta nghe nhiều cuộc tranh cãi về nguyện vọng muốn lập các đại học tư thục. Tất nhiên đây là một vấn đề lớn tương tự như phải xác định xem sinh viên phải chịu bao nhiêu và nhà nước chịu bao nhiêu chi phí đào tạo. Những câu hỏi cơ bản đó một lần nữa lại tương ứng với sự lựa chọn của xã hội; câu trả lời phải đến từ cấp cao nhất. Nhưng cần phải chấm dứt lối tư duy rằng Harvard là một trường đại học tốt vì đó là trường tư và rằng tất cả các trường đại học tư là tốt còn tất cả các đại học công lập là tồi (Thỉnh thoảng tôi có được nghe những lý lẽ kiểu như vậy, cho dù dưới dạng ít châm biếm hơn).

 Ví dụ thứ ba: vai trò của nghiên cứu trong các trường đại học. Tại các nước phát triển nhất, một điều được công nhận là: các trường đại học không có đủ cơ sở nghiên cứu là các trường đại học hạng thấp. Việt Nam cần có một chính sách rõ ràng trong lĩnh vực này. Hiện có các viện nghiên cứu mà quan hệ của chúng với các trường đại học cần được xác định rõ ràng (và theo quan điểm của tôi, cần được củng cố và khuyến khích). Đó là một việc không dễ dàng hay đơn giản. Ví dụ ở Pháp việc bình thường hoá quan hệ giữa các trường đại học với CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, N.D.) từng là một vấn đề nổi cộm trong nhiều năm (và vẫn tồn tại trong một chừng mực nào đó). Ở Việt Nam cũng vậy, các đối tác cần hợp tác chặt chẽ để làm sáng tỏ tình hình và xác định rõ ràng vai trò tương ứng của mình [5] .

Ví dụ cuối cùng: khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Trong khi rõ ràng Việt
Nam cần đặt ưu tiên cao cho các nghiên cứu ứng dụng trong giai đoạn phát triển nhanh hiện nay, hầu như tất cả đều đồng ý rằng, ít nhất tôi hy vọng như vậy, Việt Nam cần giải phóng một mặt bằng nào đó cho nghiên cứu cơ bản đua nở. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng không thể có nghiên cứu ứng dụng tốt mà lại thiếu nghiên cứu cơ bản chất lượng cao. Người ta thường chấp nhận rằng các tiêu chuẩn chủ yếu để lựa chọn đề tài nghiên cứu cơ bản chỉ dựa trên sự xuất sắc. Nhưng các chỉ đạo về chính sách khoa học là rất cần thiết để xác định các phương hướng mà theo đó đất nước muốn hỗ trợ nghiên cứu cơ bản. Lại một lần nữa đây là những quyết định mà chỉ có cấp nhà nước mới làm được.

Tôi không nghi ngờ rằng giới lãnh đạo đã có các câu trả lời cho các vấn đề lớn như vậy, nhưng có vẻ như ở cấp dưới, chẳng hạn cấp mà tôi có dịp trao đổi với các đồng nghiệp và sinh viên của tôi, chúng không hề được biết đến. Để đảm bảo tính chặt chẽ của tiến bộ và để tránh mỗi cá nhân có thể rẽ dây cương theo bất kỳ lối nào có lợi nhất cho mình, những câu trả lời này cần được đưa ra một cách mạch lạc và phổ biến rộng rãi để mọi người có thể hiểu rõ nội dung của chúng.

2.  Cái gì cần được ưu tiên cải thiện?

Nếu người ta yêu cầu tôi chỉ ra một việc cần làm để cải thiện chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu Việt Nam, tôi sẽ không do dự một giây: Tôi sẽ trả lời rằng cần tăng lương cho các giảng viên và những người nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Tất cả đều biết rằng lương hiện nay của họ thông thường chỉ bằng một phần tư con số họ cần để đủ sống. Kết quả là họ phải kiếm việc làm thêm, chiếm nhiều thời gian và sức lực và giảm nghiêm trọng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Hơn nữa, đồng lương thấp như vậy (so sánh với mặt bằng của xã hội Việt Nam hiện nay) không cho họ cái phẩm giá mà họ xứng đáng phải có trong một đất nước với bề dày văn hoá lịch sử và với một truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhiều người cảm thấy bị bạc đãi, bất mãn và khó có động cơ thúc đẩy để cải thiện chất lượng giảng dạy hoặc nghiên cứu của mình trong điều kiện như vậy. Hậu quả của chế độ lương thấp như vậy thực sự là một tai hoạ về nhiều mặt. Chúng đưa đến các thói quen xấu trong công việc, thậm chí tới tham nhũng trong một số trường hợp. Các trường đại học không những cần cung cấp cho sinh viên một nền học vấn tốt, mà còn phải là một tấm gương về đạo đức; phải dạy sinh viên không chỉ trở thành những trí thức nghiêm túc, mà còn trung thực, liêm khiết, đó là chưa nói đến tính liêm khiết về mặt đạo đức và một ý thức về công lý; cái nội dung luân lý này là điều căn bản của giáo dục.

 Tôi không ngây thơ tới mức nghĩ rằng đây là một việc dễ dàng. Tôi biết rõ rằng nó bao hàm một cải tổ nhân sự rất đau đớn và lâu dài, với một sự sàng lọc chọn lựa các giảng viên, nghiên cứu viên, và các đề tài nghiên cứu khắt khe hơn những gì hiện nay người ta đang làm, và một đánh giá nghiêm khắc giá trị của chúng. Việc này còn bao hàm cả những biện pháp chuyển đổi khó khăn và tốn kém như áp dụng một chế độ nghỉ hưu sớm nhằm trẻ hoá biên chế và cải thiện trình độ khoa học. Ở đây một lần nữa chỉ đạo từ cấp cao nhất là điều bắt buộc phải có. Một chính sách rõ ràng và một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng là những điều kiện tiên quyết để thực thi một việc như vậy, cho phép các đường lối chính xác và chặt chẽ được vạch ra và trở nên có hiệu lực. Nhiều câu hỏi cần được trả lời, ít nhất là về đường lối chung, từ cấp cao nhất. Tăng lương không có nghĩa là tăng lương tất cả theo một kiểu mà là đưa biện pháp đặc biệt này vào một kế hoạch cải tổ rộng lớn hơn: tuyển chọn là cần thiết nếu muốn có công lý và, hệ quả sẽ đưa đến một động cơ và quyết tâm xây dựng cho đất nước một nền giáo dục và nghiên cứu chất lượng cao xứng đáng.

3.  Việt Nam cần tin vào mình hơn, mở cửa ra thế giới rộng hơn

Khó khăn nghiêm trọng mà Việt Nam nói chung, và các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam nói riêng, phải vượt qua là nạn chảy máu xám đã kéo dài rất nhiều năm nay [6] . Việt Nam đã nhận rất nhiều giúp đỡ và ủng hộ từ các nước dưới hình thức học bổng giúp sinh viên Việt Nam có thể ra nước ngoài học tập. Song chỉ có Việt Nam mới có thể làm cho những người sáng giá trong số họ trở về; đó là điều cần thiết để khỏi phung phí tiềm lực mà đất nước đã đầu tư vào việc đào tạo họ. Chỉ có Việt Nam mới có thể mở cho những sinh viên này một tương lai khiến họ có động cơ quay về. Các trường đại học Việt Nam đôi khi có vẻ thiếu tin tưởng vào các sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi của mình và không muốn trao cho họ những trách nhiệm mà họ có khả năng gánh vác. Trong quá khứ gần đây, cách mạng và các cuộc chiến tranh đã tạo cơ hội cho những người Việt Nam rất trẻ và sáng giá đảm nhận các trọng trách trong việc xây dựng và khai sáng đất nước. Chúng ta đều biết họ đã thành công như thế nào. Tại sao không tin tưởng vào khả năng của các cá nhân tài giỏi của giới trẻ Việt Nam ngày nay để xây dựng một đất nước hoà bình và hiện đại? Đây là mối quan tâm thường trực của tôi vì tôi luôn sợ rằng những cố gắng mà tôi đang đeo đuổi để đào tạo các sinh viên Việt Nam thành các nhà khoa học giỏi sẽ trở thành công cốc nếu đất nước này không có khả năng giữ họ ở lại. Tôi biết họ có nhiệt huyết như thế nào để giúp đất nước mình phát triển. Tôi sẽ coi đó là một thất bại nếu đất nước của họ để họ ra đi. Tôi thường nghe nhận định của thế hệ đi trước rằng giới trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến tiền và không có bất cứ tham vọng nào ngoài việc làm giàu. Ngay cả nếu như điều đó là đúng, họ chẳng đáng bị chê trách. Trách nhiệm của thế hệ đi trước là phải truyền cho thế hệ đi sau niềm say sưa và động cơ từ những mục đích cao đẹp. Vẫn còn thời gian để làm việc này. Chảy máu xám sẽ vẫn còn tiếp diễn trừ khi đất nước tỏ rõ quyết tâm để ngăn chặn nó, bao gồm việc bảo đảm cho các sinh viên của mình một tương lai đàng hoàng xứng đáng.

Sự thiếu tin tưởng vào khả năng và trình độ của giới trẻ Việt Nam thật trái ngược với thái độ tự hào quá đáng khi cần đến sự cố vấn của các nước hay các chuyên gia ngoại quốc trong việc lựa chọn các phương án về chính sách khoa học hay tuyển chọn từ các dự án nghiên cứu cho đến cả biên chế nghiên cứu hay giảng dạy. Việc đưa người ngoại quốc vào hội đồng tuyển chọn đã trở thành thường lệ tại hầu hết các nước, một việc giúp cho cho sự đánh giá trở nên khách quan, không thiên vị, mở cửa ra thế giới. Ví dụ như việc đào tạo tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của hai giáo sư, một người từ một trường đại học nước ngoài và người kia từ đại học Việt Nam. Luận án được viết và bảo vệ bằng một trong hai thứ tiếng, hoặc bằng tiếng Anh, tóm tắt luận án được viết bằng cả hai thứ tiếng. Sinh viên nhận học vị từ cả hai trường. Một cơ hội như vậy là một dịp để Việt Nam mở cửa ra những đại học danh tiếng trên thế giới đồng thời bảo đảm tính nghiêm túc và chất lượng khoa học của công trình. Cơ hội như vậy cần được hoan nghênh và khuyến khích. Không nên coi hợp tác với các nhóm nghiên cứu nước ngoài chỉ như một cách để lấy tiền, mà hơn thế, còn là cách để nghiên cứu ở Việt Nam được mở cửa ra thế giới và để nâng cao chất lượng của nó.

Đã đến lúc phải kết luận. Tôi đã chọn ba chủ đề mà tôi cho là đặc biệt quan trọng và tôi đã bộc lộ rất thẳng thắn những phản ứng mà chúng đã châm ngòi. Tôi hiểu rõ sự thiếu hiểu biết của tôi về nhiều điều tế nhị - những điều đã làm các vấn đề đó trở nên không đơn giản như tôi tưởng: Tôi xin cáo lỗi vì sự quá ngây thơ của tôi khi bàn về những vấn đề này. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng tôi không thể bị trách cứ vì đã nói những gì tôi đã nói, vì đã có bất cứ quan tâm nào đó ngoài việc giúp đỡ đào tạo và nghiên cứu nói chung và khoa học Việt Nam nói riêng.

Tôi không nghi ngờ rằng cải thiện đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học phải là một trong những ưu tiên bậc nhất của đất nước. Cũng đã rõ rằng việc này không thể được tiến hành tuần tự nhi tiến không mất mát, như tôi thường nghe nói, với một vài cải cách đây đó. Việc này cần một cuộc cách mạng thực sự. Để cho điều đó có thể xảy ra, một ý muốn mạnh mẽ và quyết tâm thay đổi sâu sắc nhằm cải thiện tận gốc rễ chất lượng của giáo dục đại học và nghiên cứu phải được bộc lộ trong quần chúng. Một cuộc cách mạng như vậy bao gồm sự phân tích nghiêm khắc hiện trạng và vạch ra rõ ràng và trung thực những yếu kém cơ bản và những lề thói xấu. Thế hệ trẻ phải được trao cơ hội xây dựng một nền đại học mà đất nước có thể tự hào.

 Các nhà khoa học châu Âu cỡ tuổi tôi rất biết ơn thế hệ trước, trong khi cống hiến sự nghiệp của mình để khôi phục khoa học sau Thế chiến thứ II, đã trao cho chúng tôi những trách nhiệm quan trọng khi chúng tôi còn rất trẻ. Cách đây ít lâu, tôi có dịp thảo luận vấn đề này với nhà hoá học Nhật Bản đoạt giải Nobel Ryoji Noyori [7] khi ông thăm viện chúng tôi. Ông ta nói về những trải nghiệm của ông cũng hệt như vậy. Mong sao thế hệ mới của sinh viên Việt Nam, sau hai mươi năm nữa, cũng có thể nói về các giáo sư của họ như thế! Mong sao Việt Nam, cho đến khi đó, có thể tự hào rằng đã chặn đứng chảy máu xám bằng cách trao cho giới trẻ một tương lai có thể thúc đẩy họ và khiến họ hào hứng! Có rất nhiều việc cần phải làm để đất nước này có được các trường đại học và viện nghiên cứu mà đất nước cần hưởng và xứng đáng được hưởng.

 

(bản đăng tại talawas ngày 25/7/2007)


[1]Vật lý ngày nay, XVII 4-75 (tháng 8, 2006) tr. 14; Tia sáng, 13 (5/7/2007) tr. 16; Études vietnamiennes, 2-164 (2007) 35; Sức khoẻ & Đời sống, 103-2052 (30/6/2007) tr. 12; Văn hoá, 1394 (29/6/2007) tr. 11; Symmetry, 3-4 (May 2006) Fermilab-SLAC; Lettre de l’Académie des sciences (France), 18 (Winter 2006) 10.


[2]Hoang Tuy, “New Year, old story”, Tia sáng (
2/2/2007).


[3]Nước Mỹ của Mai, phim của Marlo Poras đã chiếu tại Hà Nội tháng Năm 2006.


[4]Ở Pháp, số sinh viên tăng từ 29.901 vào năm 1991 lên tới 1.309.100 vào năm 2005, tức gần 44 lần trong một thế kỷ. Số người nhận bằng tiến sĩ (PhD) trong khoa học tăng từ 42 vào năm 1901 lên 5283 vào năm 1999 (126 lần). Cũng trong cùng thời gian đó, tại Hoa Kỳ, số sinh viên tăng từ 238.000 tới 17.272.000 (73 lần), và tổng số tiến sĩ, trong tất cả các ngành, tăng từ 382 lên 48.000, tức cũng lại là 126 lần. Phần lớn tăng sau Thế chiến thứ II.


[5]Tôi chủ yếu nghĩ về các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia Việt
Nam.


[6]Gần đây tôi được biết rằng trong khoảng 100 sinh viên Việt Nam xuất sắc, được chọn gửi sang École Polytechnique (Đại học Bách khoa) của Pháp trong vòng 10 năm trở lại đây, không có em nào quay về Việt Nam.


[7]Ryoji Noyori (sinh 1938) là nhà hoá học Nhật Bản đoạt giải Nobel về hoá học năm 2001. Ông hiện là chủ tịch viện nghiên cứu vật lý hoá học Nhật Bản (RIKEN) (chú thích của N.D.).

Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Anh do tác giả cung cấp ngày 22/7/2007.