11/3/11

 

Paris, 11/3/2011

Kính thưa ông,

Động đất thế là thật lớn, vì thang Richter chỉ có 9 độ. Nhưng tôi thấy ông vẫn nói chuyện về ông Cù Huy Hà Vũ sẽ ra tòa ngày 24/3 này, nên đoán rằng ông và gia đình yên ổn. Vả lại, người Nhật có sự luyện tập, hạn chế tổn thương.

Nay kính

Đinh Trọng Hiếu

 

*

Tokyo, 11/3/2011

Kính thưa ông,

Lúc 14:46 tôi đang làm việc tại office thì mọi thứ bắt đầu từ từ rung lắc mạnh dần, rồi tất cả rung bần bật. Tôi chui xuống nấp dưới gầm bàn. Hai người Nhật cùng phòng cũng làm như thế. Một lúc sau chúng tôi lại bò ra, chạy ra phòng trà xem tin tức qua TV. Cảnh tượng xem trên TV thật kinh khủng. Một toà nhà lớn cạnh đài truyền hình Fuji bên bờ vịnh Tokyo bốc cháy, khói đen ngút trời. Tại Iwate, nơi gần trung tâm động đất nhất, sóng thần dâng lên như đại hồng thủy, cao tới 10m. Xe hơi, tàu thủy, cần cẩu hạng nặng, tất cả nổi lềnh bềnh, bị cuốn đi như cỏ rác vậy. Tại trung tâm động đất ở ngoài biển cách đất liền 126 km, sức mạnh của động đất là 8.9 độ. Tại vùng ven bờ còn 6 – 7 độ.Toàn bộ bờ biển phía quay ra Thái Bình Dương bị sóng thần quật.

Chưa bao giờ tôi trải nghiệm một trận rung kinh người, mạnh và lâu như vậy. Đất rung từ 3 giờ chiều tới 8 giờ tối. Sau đợt rung thứ nhất tôi đi về nhà ngay (nhà tôi cách viện 15 phút đi bộ). Ở nhà vợ tôi cũng nấp dưới gấp bàn khi động đất bắt đầu. Điện thoại bị cắt, mobile bị cắt không liên lạc được, nhưng vẫn còn điện và internet. Mấy bức tranh lớn dựng cạnh tường trong phòng vẽ của tôi đổ nghiêng, nhưng vì đã được bọc trong hộp carton nên không hề hấn gì.

Bây giờ là 21:38 và metro đã hoạt động trở lại cách đây ít phút.

Kính thư,

Đăng

 

*

Paris, 11/3/2011

Kính thưa ông,

Nghe ông tả thấy ghê. Xưa kia còn bé, mỗi lần đi học gặp phải ngày thi, tôi chỉ mong có động đất để hoãn thi, cho đến nay vẫn chưa biết thế nào là động đất, nhưng vẫn lười và ghét thi. Thế ghét thi hay ghét độc tài hơn? Thưa, ghét cả hai, tuy thi thì có lợi cho mình, còn độc tài thì chẳng có lợi cho ai, kể cả cho độc tài. Thế còn động đất? Thưa, sợ động đất hơn sợ thi, nhưng còn sợ độc tài hơn sợ động đất.

Xưa có bà góa phụ khóc chồng vừa bị cọp ăn thịt, có vị quan thấy thế, hỏi: “Đất này cọp dữ, sao không lánh sang đất khác?” Bà kia thưa: “Đất này cọp dữ, nhưng quan hiền. Đất khác không có cọp, song quan lại tàn ác còn hại hơn cọp.”

Nay kính

Đinh Trọng Hiếu

 

*

Tokyo, 11/3/2011

Kính thưa ông,

Thưa, đúng. Theo thiển ý, đó là một trong những lý do tại sao nhiều trí thức Việt Nam ở hải ngoại không muốn về nước làm việc cho dù giả sử có được trả lương bằng lương của họ đang nhận ở ngoại quốc đi chăng nữa.

Động đất quả thật là đáng sợ, nhưng đó là thiên tai, không ai muốn. Nhưng động đất không phân biệt hoàng đế, ông thủ tướng hay dân thường. Khi tai hoạ giáng xuống thì tất cả đều phải chịu. Khi động đất đã mạnh 8 – 9 độ Richter thì ít lầu son gác tía nào chịu nổi. Nhưng khi một người dân bị công an đánh gãy cổ chết mà những kẻ có quyền, phạm tội vẫn nhơn nhơn thản nhiên, hoặc chỉ hưởng cái án vài năm tù mặc dù đã cố tình gây án mạng thì đó là điều đáng sợ và đáng ghê tởm hơn cả động đất.

Một trận động đất như hôm qua tại Nhật khoảng 100 năm mới xảy ra một lần. Còn việc nhà cầm quyền hà hiếp nhân dân, công an đánh chết người, tự do ngôn luận bị bịt miệng đang xảy ra hàng ngày tại một số nơi, mà ai cũng hiểu đó là những nước nào. Câu chuyện quan lại hà khắc hại hơn hổ dữ từ “Cổ học tinh hoa“, mà tôi cũng đã được đọc từ khi còn bé, rất thâm thúy cũng bởi lý do đó.

Kính thư,

                Đăng