Ba cách biểu hiện gLời truyền tinhtrong hội họa *

 

Bài giảng của Anthony John Parkes,

trưởng giáo đường Saint John (Brisbane, Australia),                  

nhân ngày Đức Bà 25/3/2005

 

 

            Thông điệp ngày hôm nay là câu chuyện của Luke về lời truyền tin tới Đồng Trinh Vinh Phúc Mary. Tổng lãnh thiên thần Gabriel được Chúa Trời phái xuống gặp Mary, một trinh nữ, người đã đính hôn với Joseph nhưng chưa làm lễ cưới. Gabriel đã báo cho nàng biết rằng nàng sẽ sinh ra một bé trai, tên là Jesus, sau này sẽ trở nên vĩ đại và sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao. Đức Chúa Trời sẽ trao cho Jesus ngôi báu của David - tổ tiên của Người, và Người sẽ mãi mãi trở thành vua của xứ Do Thái. Sự trị vì của Người sẽ không bao giờ kết thúc. Trước câu hỏi bối rối: gLàm sao có thể như vậy được?h của Mary, Gabriel trả lời có phần bí hiểm: gThánh linh sẽ đến với nàng và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che chở cho nàng.h Sau khi nghe Mary nói: gCon là tôi tớ của Chúa. Cầu cho mọi sự diễn ra như ngài đã phánh, thiên thần Gabriel từ giã nàng.

            Câu chuyện này đã mê hoặc các hoạ sĩ qua các thời đại. Những cố gắng mô tả thông điệp của câu chuyện đó bằng hội hoạ thật nhiều tới mức không thể đếm được. Đó là khoảnh khắc mang tính nền tảng cho đức tin Cơ Đốc, ở gần như mọi mức độ. Đầu tiên và trên tất cả, khoảnh khắc đó nói lên đức tin của cá nhân, đến sự hội ngộ giữa cá nhân với Chúa Trời - tiếng nói nội tại của niềm an ủi. Nó đặt nền móng cho thần học Cơ Đốc (cách để chúng ta hiểu và nói về Chúa Trời, đặc biệt là về những tác động của Chúa Trời lên thế giới). Chúa Trời mà chúng ta thờ phụng là Chúa Trời của lịch sử, đấng đang can thiệp vào mọi việc trên thế giới này để mang lại một cuộc đời mới và niềm hy vọng trước những đổ vỡ. Đó là sự khởi đầu của Cơ Đốc học (những gì chúng ta có thể nói về thân thế và sự nghiệp của Đức Jesus, con của Chúa Trời và Mary, đầy nhân tính và cũng đầy siêu phàm – Immanuel - Chúa Trời luôn ở bên cạnh chúng ta.)

Nó chứa đựng mối liên hệ mật thiết nhất với giáo hội học (các học thuyết của Nhà Thờ).

            Trong bài giảng hôm nay, tôi muốn khảo sát ba cách biểu hiện Lời Truyền tin bằng hội hoạ. Tôi đã chọn ba cách này bởi chúng cho ta ba cách nhìn rất khác nhau, nhưng lại bổ sung cho nhau, lên sự kiện này và mối liên hệ của nó với đức tin và thực tiễn của Giáo Hội. Tất nhiên, việc chọn ba  hình tượng này bắt buộc phải loại bỏ nhiều cách biểu hiện khác – song ba cách biểu hiện mà tôi đã chọn, về một phương diện nào đó, vừa mang tính đại diện lại vừa độc đáo.

Leonardo da Vinci

Lời truyền tin (ca. 1472 – 1475), tempera trên gỗ, 98 x 217 cm.

 

            Tôi bắt đầu với bức hoạ của Leonardo da Vinci. Sinh năm 1452 ở Vinci thuộc nước cộng hòa Florence (nay thuộc Italia), ông qua đời ngày 2 tháng 5 năm 1519 tại Cloux ở Pháp. Da Vinci là một hoạ sĩ, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, và kỹ sư, mà thiên tài của ông, có lẽ hơn tất cả bất kỳ ai khác, là hiện thân của lý tưởng nhân đạo thời Phục Hưng.

            Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy trong bức hoạ này là sự hầu như hoàn toàn vắng bóng của các ảnh hưởng siêu nhiên. Đó là thần học từ dưới, có từ trước khi bất kỳ nhà thần học nào hệ thống hóa quan niệm này. Đôi cánh của Gabriel gợi cho ta ý niệm về xuất xứ thiên thần của ngài. Ngoại trừ điều này ra, thiên thần trông rất người – toàn bộ rất người. Không hề có hình ảnh nào của Chúa Trời. Thần Linh - thường rất hay được trình bày như con bồ câu – cũng không có ở đây. Không có ánh sáng chói lòa từ những tầng mây vinh quang cũng như Thánh Thể. Chỉ có một vầng hào quang giản dị ngự trên đầu Mary. Nơi xảy ra cuộc hội ngộ này là ở đây, ngay trong thế giới này.

            Đặc điểm quan trọng thứ hai là sự tự chủ của Mary. Nét mặt của nàng hầu như có vẻ lấn át. Thiên thần trông có vẻ phục tùng, van xin. Ngài giơ tay, song mắt lại nhìn xuống đất, có vẻ ngược hẳn với những gì Luke đã thuật lại. Bức hoạ thể hiện rất rõ ràng rằng Mary có một sự lựa chọn thực sự, rằng nàng có quyền năng thực thi hoặc không thực thi dự án linh thiêng của sự cứu rỗi.

            Đặc điểm đáng chú ý thứ ba là nền của bức hoạ, vẽ cảnh nông thôn vùng Florence. Chúng ta thấy thành phố mờ mờ phía xa. Toàn bộ hình ảnh được diễn tả trong khung cảnh của không gian và thời gian Da Vinci sống, nước Ý ở thế kỷ 15. Hoạ sĩ như muốn nói với chúng ta rằng khoảnh khắc của sự lựa chọn, khoảnh khắc của đức tin cần được tìm ra ngay tại đây và lúc này trong cuộc sống thường nhật.

            Đó là một bức hoạ về đức tin cá nhân, trực tiếp ngay trong thế giới này. Đôi cánh của thiên thần ám chỉ những yếu tố thần bí của đức tin, song những mối liên hệ sâu sắc hơn của đức tin lại được che đậy. Nếu Mary tán thành yêu cầu của Chúa Trời như thiên thần đã truyền, không rõ lựa chọn đó sẽ đưa Mary tới đâu. Đức tin, ít nhất theo Leonardo, bắt đầu ngay trong cuộc sống thường nhật, và đưa ta vào một cuộc hành trình mà ai biết sẽ đi đâu.

 

Paolo Veronese

Lời truyền tin (ca. 1580), sơn dầu trên vải, 98.4 x 75.3 cm

 

            Bức hoạ thứ hai là của Paolo Veronese. Ông sinh năm 1528 tại Verona, và mất năm 1588 tại Venice. Veronese là một hoạ sĩ Ý thời Phục Hưng, là một trong trong các bậc thầy vĩ đại của trường phái Venetian. Tên thật là Paolo Caliari, ông được gọi là Veronese vì đã sinh ra tại Verona, nơi ông học vẽ từ Antonio Badile một họa sĩ tài ba tiêu biểu cho truyền thống bảo thủ địa phương. Truyền thống này trở thành nền tảng cho phong cách của Vernonese trong suốt sự nghiệp của ông ngay cả sau khi ông chuyển đến sống tại Venice vào năm 1553.

            Nếu cách thể hiện của da Vinci trình bày thần học gtừ dướih, Veronese không nghi ngờ gì đã vẽ thần học gtừ trênh. Chúa Trời được vẽ tại tâm điểm của bức tranh. Ngài là tác giả của mọi sự kiện, bao trùm lên cuộc hội ngộ, được hộ vệ bởi các thiên sứ và thiên thần. Lời truyền tin của Veronese cũng là Tam Vị Nhất Thể. Thần Linh hiện diện tại cuộc hội ngộ như một con bồ câu, được bao bọc trong ánh sáng. Ngôi thứ ba trong Tam Vị Nhất Thể đang định hình trong bào thai của người mẹ.

            Đối với Veronese, thiên thần đang kiểm soát tình huống. Ngài nhìn chăm chú vào Mary, đến nỗi nàng không chịu đựng được, phải bẽn lẽn nhìn xuống. Ngôn ngữ cơ thể nàng trong cách sử xự của nàng cho thấy nàng ngẹn lời trước sự hệ trọng của đòi hỏi đối với nàng. Đây là bức tranh về tác động của Chúa Trời lên thế gìới này, thông qua trải nghiệm của đức tin. Bất kể tác nhân nào kích động đức tin, Chúa Trời luôn ở phía sau cuộc hội ngộ như một sự hiện diện không nhìn thấy được nhưng trực tiếp. Nếu như da Vinci nói về đức tin, Veronese muốn cho ta thấy đức tin vào Chúa Trời.   

 

Nguyễn Đình Đăng

Lời truyền tin (2000), sơn dầu trên vải, 60.5 x 72.5 cm

 

            Bức hoạ cuối cùng có lẽ là bức hoạ đáng chú ý nhất, cho dù giá trị nghệ thuật ít hơn nhiều so với tác phẩm của hai bậc thầy kia. Hoạ sĩ vẽ tác phẩm này, Nguyễn Đình Đăng, là người Việt Nam. Sinh tại Hà Nội năm 1958, ông là một nhà vật lý trình độ cao, có học vị tiến sĩ về lý thuyết hạt nhân, và học vị cao nhất - tiến sĩ khoa học về toán lý từ Đại học Quốc gia Maxcơva (Maxcơva – Nga). Ông là một hoạ sĩ tự học.

            Điều đầu tiên ta nhận thấy trong tác phẩm này là tính kế thừa văn hoá của ông đã tác động mạnh lên chủ đề. Nếu các nhân vật được mặc đồ cổ điển phương Tây, vẻ mặt của họ để lộ họ là người châu Á, chứ không phải là châu Âu hay Trung Đông. Cũng như Vernonese hay da Vinci, câu chuyện đã được lọc qua đôi mắt văn hóa của hoạ sĩ. Phần nền của bức tranh trông có vẻ như cảnh thôn dã Việt Nam.

            Chúa Cha không hiện diện rõ ràng ở đây. Tính siêu nhiên của cuộc hội ngộ được gợi ý, cũng như trong bức tranh của da Vinci, qua đôi cánh của thiên thần. Ánh mắt của Mary và Gabriel như bị khóa chặt trong sự thân mật của khoảnh khắc. Trong một bài thơ của mình Edwin Muir (thi sĩ Scotland, N.D.) đã nắm bắt được ý nghĩa của cuộc hội ngộ gần gũi đó thật tuyệt đỉnh như sau:

 

Xem kìa, họ đang cùng nhau

Khi giây phút phá hủy đang trôi mau

Người này tìm thấy ngưòi kia trong nét mặt

Cho đến khi ở trong nàng là trời và trong chàng là đất

Cùng toả sáng lấp lánhc

Nhưng suốt cả buổi chiều vô tận ấy

Họ không hề nói và cũng không động đậy,

Mà chỉ chăm chú nhìn vào trạng thái nhập thần

Như thể cái nhìn của họ sẽ không bao giờ dứt.

 

            Phần gây ấn tượng nhất trong bức hoạ này lại không phải là Mary hay thiên thần. Bao trùm lên toàn bộ cuộc hội ngộ, thiết lập bản chất và cốt cách của nó là hình bán thân của Đức Chúa Jesus bị đóng đinh. Đó là tiêu điểm của cuộc hội ngộ. Đình Đăng có vẻ như muốn nói rằng, nếu bạn bắt đầu đức tin, nếu bạn nói với Chúa Trời: gHãy để mọi việc diễn ra theo ý Ngàih, thì bạn phải biết rằng sự lựa chọn đó sớm hay muộn sẽ dẫn bạn tới cây thập tự, thập tự giá của cả bạn lẫn của Đức Chúa Jesus. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi hình tượng này được vẽ bởi một người Bắc Việt Nam, sinh năm 1958 mà thời thơ ấu đã trôi qua dưới ảnh hưởng của cuộc chiến tranh bạo tàn và phi lý, đã tàn phá ghê gớm quê hương của ông.

 

            Ba bức hoạ của chúng ta, vì thế, đã nói cho chúng ta nhiều điều về gLời truyền tinh. Chúng chỉ ra đức tin như một cuộc hội ngộ cá nhân. Chúng nhấn mạnh rằng cuộc hội ngộ xảy ra trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của chính chúng ta. Chúng ta tìm tới Chúa Trời tại đây và bây giờ. Môi trường tôn giáo không bị tách ra khỏi cuộc đời chúng ta một cách thần bí. Chúng chỉ ra rằng chính Chúa Trời chủ động tạo ra cuộc hội ngộ. Chúa Trời thương yêu thế giới và thương yêu chúng ta đến nỗi mà Ngài đã đến với chúng ta trong hình tượng Chúa Jesus, và mời gọi chúng ta tiếp xúc với Ngài. Chúa Trời là để cho chúng ta. Bất kể chúng ta là ai, là gì, Chúa Trời gọi chúng ta vào cuộc sống mới với Ngài. Cuối cùng ba bức hoạ chỉ ra rằng đức tin dẫn ta di thẳng tới thánh giá, và qua thánh giá, tới phục sinh. Chúa Trời, đấng đã biến thành người trong hình tượng Chúa Jesus, cho ta niềm hy vọng trong sự đối mặt với những mập mờ trong cuộc đời mà ai rồi cũng sẽ chết này, bởi trong sự kiện về Đức Chúa Jesus chúng ta đã vượt qua tất cả những gì khiến ta xa lánh Chúa Trời và xa lánh chính chúng ta.

 

(Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh)

________

* Tựa đề do người dịch đặt