Nguyễn Đình Đăng trả
lời phỏng vấn của Tiền Phong Đêm
10/1/2008, trong khi ngồi ở quán cà-phê internet tại sân bay Nội Bài chờ lên
tầu bay quay lại Tokyo, tôi nhận được qua email 20 câu hỏi phỏng vấn từ phóng
viên báo Tiền Phong. Sau khi về Tokyo, tôi đã trả lời các câu hỏi đó và gửi
lại cho phóng viên. Tôi không chắc Tiền Phong có đăng trả lời phỏng vấn của
tôi không, song tôi biết chắc rằng nếu họ có đăng thì cũng sẽ không đăng
nguyên vẹn, mà thế nào cũng cắt xén. Vì vậy tôi post lại dưới đây nguyên văn
toàn bộ trả lời 20 câu hỏi phỏng vấn.
NĐĐ: Vừa qua tôi về Hà Nội công tác 4 ngày từ 7 đến 10 tháng 1 năm 2009. Mục
đích đầu tiên của chuyến đi là để dự buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ, sau đó làm
một seminar tại viện Vật lý trình bày các kết quả trong nghiên cứu gần đây
của tôi. Được tin
tôi sẽ về nước công tác, Ban Mỹ thuật Hiện đại (Ban MTHĐ) thuộc viện Mỹ thuật
đã mời tôi nói chuyện với sinh viên Đại học Mỹ thuật (ĐHMT) Hà Nội về kỹ
thuật vẽ sơn dầu. Mọi việc đã diễn ra như tôi mong đợi. Buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ cấp cơ sở đã được tiến hành vào chiều 7
tháng 1. Người bảo vệ là anh Nguyễn Quang Hưng – nghiên cứu sinh Việt Nam mà
tôi hướng dẫn tại Nhật từ năm 2006 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa
Viện Nghiên cứu Vật lý và Hoá học của Nhật (RIKEN) và một số trường đại học
tại các nước đang phát triển ở Đông Á như Đại học Bắc Kinh, Đại học Khoa học
Tự nhiên Hà Nội. Theo chương trình này, các chuyên gia từ RIKEN, trong trường
hợp này là tôi, tuyển chọn nghiên cứu sinh từ các trường nói trên để đưa sang
RIKEN hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong thời gian 3 năm. Toàn bộ chi phí
trong thời gian nghiên cứu tại RIKEN là do phía Nhật Bản đài thọ. Trên cơ sở
các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu thu được, nghiên cứu sinh sau đó sẽ trở
về bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học nơi mình đã đăng ký. Trong vòng
hơn 2 năm nghiên cứu tại RIKEN, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của tôi, anh
Nguyễn Quang Hưng đã công bố 4 công trình khoa học, trong đó 3 công trình đã
được đăng tại tạp chí chuyên ngành có uy tín là Physical Review C của Hoa Kỳ.
Các công trình đó cũng đã được báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế
tại Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Italia, và New Zealand. Buổi bảo vệ nói trên đã
thành công tốt đẹp. Sáng 9 tháng 1 tôi thuyết trình tại Viện Vật lý. Trong số người nghe có
giáo sư Pièrre Darriulat và giáo sư Phạm Duy Hiển. GS Darriulat là một người
bạn của tôi kể từ khi tôi được gặp ông lần đầu tiên cách đây 7 năm. Chúng tôi
có chung một nỗi bức xúc là làm sao những người Việt Nam trẻ tuổi do chúng
tôi trực tiếp đào tạo không bị cái cơ chế hiện hành trong nước làm thui chột
đi. GS Darriulat đã viết nhiều bài đầy tâm huyết nhằm cải cách tình trạng
nghiên cứu và giáo dục tại Việt Nam. Tôi đã có hân hạnh được dịch
một bài
viết như vậy của ông ra tiếng Việt. GS Phạm Duy Hiển là người gần đây đã
nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng xuống cấp của nghiên cứu khoa học
trong nước qua việc so sánh số lượng và chỉ số trích dẫn các công bố khoa học
trong nước mà ông đã thống kê được với công bố của các nhà khoa học ở các
nước láng giềng. Vì thế, sự hiện diện của hai ông cũng như của một số sinh
viên trẻ tuổi và các đồng nghiệp trong nước tại seminar của tôi là một vinh
dự đối với tôi. Song, cái việc mà lúc đầu tôi tưởng như nằm trong chương trình ngoại khoá
té ra lại trở thành hấp dẫn nhất trong chuyến đi ngắn này. Tôi muốn nói đến buổi
nói chuyện với sinh viên ĐHMT Hà Nội sáng ngày 8/1/2009. Làm thế nào để
chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà nêu được những gì quan trọng nhất, đúc kết
từ lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu trong suốt 5 đến 10 thế kỷ, lại còn thòng thêm
cái đuôi 30 năm kinh nghiệm của bản thân? Để có 2 giờ đồng hồ ấy tôi đã chuẩn
bị đúng một tháng. Tôi đã được toại nguyện: Buổi nói chuyện có khá đông sinh
viên mỹ thuật, hoạ sĩ và những người quan tâm tới nghe. Người nghe ngồi kín
hội trường. Một số phải đứng vì ghế không đủ. Điều quan trọng là họ đã nghe
từ đầu đến cuối. Sau khi kết thúc nói chuyện, tôi còn trả lời khá nhiều câu
hỏi từ phía người nghe. Vì thế buổi nói chuyện bắt đầu lúc 9 giờ sáng, chỉ
thực sự kết thúc vào khoảng 12 giờ 30 phút. Theo lời ban tổ chức, đây là một
trong số rất ít buổi nói chuyện tại ĐHMT Hà Nội có nhiều người tự nguyện nghe
cho đến phút cuối cùng. Điều đó chứng tỏ rằng đề tài, nội dung, và diễn giả
đã “gãi đúng chỗ ngứa” của người nghe.
NĐĐ: Cách đây hơn 50 năm, sau khi Pháp thua tại Điện Biên Phủ năm 1954,
bố mẹ
tôi – khi đó đang du học ở Pháp -
đã làm một sự lựa chọn giữa về nước hay ở lại. Họ đã chọn về nước để sống,
để cống hiến, v.v. Bốn năm sau đó tôi ra đời. Khác với bố mẹ tôi, tuổi thơ
của tôi, nếu như không nói là hoàn toàn không có sự lựa chọn, thì cũng rất ít
sự lựa chọn. Tuy thích vẽ và được nhiều người lớn trầm trồ khen là vẽ giỏi từ
khi mới lên 5 - 6 tuổi, tôi đã chọn vật lý. Lựa chọn này không đơn thuần chỉ
do thiên hướng, mà vào thời đó, đây là cách duy nhất để tôi có thể ra nước
ngoài học tập. Cũng như bố mẹ tôi, lựa chọn đó đã thay đổi hoàn toàn tương
lai của tôi. Tôi không thể nói là liệu tôi có tự do hơn hay bị hạn chế hơn nếu tôi ghi
tên theo học một trường mỹ thuật nào đó. Điều này cũng tương tự như hỏi một
người ăn rau bẩm sinh về sự hạn chế hay không hạn chế khi họ không bao giờ ăn
thịt. Có một điều chắc chắn rằng, quá trình đào tạo tại các đại học tiên tiến
chủ yếu cũng vẫn phải dựa vào tự học của sinh viên (tự đọc sách, tự thực
hành, tự nghiên cứu, …). Giảng viên, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của
mình, chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gợi ý. Họ có thể lôi con ngựa đến bờ sông
nhưng không thể bắt nó uống nước! Một nền giáo dục đại học tốt phải tạo được
cho sinh viên một phương pháp để tư duy độc lập, chứ không phải nhồi nhét cho
họ những kiến thức đã cũ mèm, cứng nhắc, nhiều khi sai lạc, mà họ buộc phải
nhắc lại như những con vẹt để được tốt nghiệp, mặc dù trong thâm tâm họ không
hiểu hoặc chẳng tin gì những điều họ bị nhồi sọ. Riêng với ĐHMT Hà Nội thì khi tôi chuẩn bị bài nói chuyện ngày 8/1, để
tránh lắp lại những gì sinh viên có thể đã được học, tôi có đề nghị Ban Mỹ
thuật Hiện đại cũng như một số hoạ sĩ đầy kinh nghiệm trong nước gửi cho tôi
mục lục chương trình dạy lịch sử và kỹ thuật vẽ sơn dầu của ĐHMT Hà Nội. Câu
trả lời khiến tôi thực sự hơi bị “sốc”: Chương trình như tôi nói hiện nay chỉ
đang nằm trong ý đồ dự thảo xây dựng của ĐHMT Hà Nội - một đại học hàng đầu
về mỹ thuật của quốc gia, được thành lập cách đây hơn 80 năm! Sau buổi nói
chuyện, một hoạ sĩ trẻ nói với tôi là cậu ta đón nhận những điều tôi nói hôm
đó như nước đối với người khát. Cậu ta nói, tuy mang tiếng vừa tốt nghiệp ĐHMT
Hà Nội, song chỉ mãi gần đây cậu mới được biết rằng sơn dầu có màu trong và
màu đục. Khi tôi hỏi vậy thì người ta dạy cái gì về lịch sử và kỹ thuật sơn
dầu trong trường, cậu trả lời rằng sinh viên cứ việc mua toile, màu, bút lông
rồi mạnh ai người nấy vẽ. Thầy giáo đến nhìn, ai biết gì thì nói nấy, chẳng
theo một giáo trình, hệ thống nào cả.
NĐĐ: Tôi thích vẽ từ khi lên 4 – 5 tuổi gì đó. Bố mẹ tôi thường kể lại là hồi
đó tôi hay dùng phấn đứng vẽ hàng giờ không chán lên cái bảng đen ở nhà tôi.
Bố tôi là người thầy dạy vẽ đầu tiên của tôi. Ông vẽ rất giỏi song chưa bao
giờ là hoạ sĩ. Ông cũng là người đầu tiên dạy tôi tiếng Pháp, tiếng Anh,
toán, vật lý, và gợi cho tôi niềm hứng thú tới âm nhạc, văn chương phương
Tây. Nói tóm lại, ông là trường học lớn đầu tiên của tôi. Lớn lên một chút bố
mẹ tôi cho tôi đi học vẽ tại các xưởng hoạ, câu lạc bộ, trường nghệ thuật.
Tuy nhiên, sự học này thường bị gián đoạn bởi chiến tranh: tôi đã phải sơ tán
về nông thôn 5 năm từ năm lên 6 tuổi đến 11 tuổi mới quay về sống tại Hà Nội,
sau đó lại phải sơ tán lần thứ hai mất gần 1 năm nữa khi Mỹ ném bom Hà Nội
trở lại vào năm 1972. Cũng khoảng thời gian đó tôi đã vẽ bức sơn dầu đầu
tiên. Tôi thực sự chuyên tâm vào sơn dầu từ năm 1976 sau khi tôi sang Nga học
vật lý tại Đại học Quốc gia Maxcơva. Từ đó đến nay tôi vẽ sơn dầu đã hơn 30
năm. Phương pháp tự rèn luyện của tôi có thể tóm tắt như sau: Tôi tự học hội
hoạ qua sách vở mà tôi có thể đọc bằng 4 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, và Italia.
Tôi có may mắn là công việc nghiên cứu trao đổi khoa học cho tôi cơ hội đi
khá nhiều nước. Vì vậy tôi đã được xem các tác phẩm gốc tại hầu hết các bảo
tàng nổi tiếng trên thế giới từ Á sang Âu và Mỹ. Để thực hành kỹ thuật vẽ cổ
điển tôi đọc được, tôi đã chép lại một số bản sao các tác phẩm của các danh
hoạ thời Phục Hưng và Baroque. Qua đó, dần dần trong khi vẽ, tôi tạo ra và
hoàn thiện kỹ thuật của riêng mình. Bên cạnh đó văn chương và âm nhạc cũng
đóng góp cho việc hình thành một ý tưởng, thậm chí một cách giải quyết trong
bố cục.
NĐĐ: Có lần, sau khi nghe tôi nói chuyện về tranh của mình ngay sau thuyết
trình của tôi về vật lý tại Trung tâm Vật lý Tương tác Cơ bản tại Lisbon, một
nhà vật lý đã thốt lên: “Chắc ông làm việc 25 giờ mỗi ngày!” Bí quyết
có lẽ đó là niềm say mê. Khi bạn say mê một cô gái bạn luôn tìm ra thời gian
để đến với cô ta. Khoa học, nghệ thuật, ngoại ngữ v.v. còn hay là ở chỗ những
thứ đó không đỏng đảnh và không bao giờ phản bội bạn. Bạn cống hiến cho chúng
nhiều thì cũng sẽ nhận được nhiều, rất sòng phẳng. Một điểm nữa là những
quyết định nhanh thường đến do trực giác cho dù sau đó trực giác phải được
kiểm tra lại để thấy nó đúng hay sai. Cuối cùng kỷ luật làm việc đóng vai trò
quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả. Ví dụ không thể nào chơi piano giỏi
nếu không luyện tập thường xuyên, ít nhất 1 - 2 tiếng mỗi ngày.
NĐĐ:
Chắc
là không, vì nếu có tôi đã tìm ra thời gian cho nó rồi.
NĐĐ: Bạn
có nghĩ là nếu Leonardo da Vinci chuyên tâm vào hội hoạ thì ông sẽ vẽ được
những bức tranh hay hơn không? Tôi không chắc. Nguyên thần đồng piano Evgeny
Kissin từng nói: “Nếu một nghệ sĩ piano tập đàn quá 4 tiếng mỗi ngày thì
chỉ có thể có 2 khả năng: một là người đó không có tài, hai là người đó không
còn việc gì khác để làm ngoài việc chơi piano.” Tôi cho
rằng sự am hiểu nhiều lĩnh vực góp
phần nâng cao thêm hiệu quả cho hoạt động trong từng lĩnh vực. Trí tưởng
tượng trong hội họa và âm nhạc chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong tư duy
về vật lý, tuy nhiên cụ thể như thế nào thì khoa học đương thời vẫn chưa hiểu
được tường tận. Chính tài vẽ và tư duy hội họa của Leonardo đã giúp ông thiết
kế những máy móc vượt xa thời đại ông. Hoặc nói một cách khác, cái tinh hoa
trong con người ông đã phát tiết ra mọi lĩnh vực hoạt động của ông.
NĐĐ: Tôi nghĩ rằng mình có cái may là được trời ban cho một số niềm say mê, và
từ đó là khả năng. Vì thế tôi làm mọi việc trong vật lý hay hội hoạ là để
thoả mãn sự đam mê và trí tò mò của mình. Tôi không quan tâm lắm tới những
cách gọi “nhà nọ” “nhà kia”. Tôi nghĩ khó phân biệt rạch ròi các ảnh hưởng
bạn nói trong tư duy con người. Việc tôi không nghĩ đến vật lý trong khi tôi
vẽ hoàn toàn không có nghĩa là
trong vô thức không có một mối liên hệ nào đó đang hoạt động, mà ngược lại
mối liên hệ này có thể rất quan trọng như tôi đã trả lời trong câu trước.
NĐĐ: Lần đầu đó đã xảy ra quá lâu rồi, từ khi tôi còn bé. Bây giờ tôi không
nhớ nữa. Sau đó, người ta đã gọi tôi như vậy vài lần, bằng vài thứ tiếng khác
nhau. Vì thế, khi giáo sư Akito Arima, nguyên bộ trưởng văn hoá giáo dục Nhật
Bản, trịnh trọng tuyên bố: “Ông Đăng là một thiên tài!
” trước
khoảng 100 người tới dự buổi khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên cửa tôi tại
Nhật Bản vào năm 2001, tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt. Có lẽ lúc đó
tôi đang chú ý đến tài diễn thuyết của giáo sư Arima: mặc dù ông nói một lúc
cả 2 thứ tiếng (Anh và Nhật), mà lại nói rất chậm rãi, song chỉ sau khi ông
kết thúc, thính giả mới thấy rằng 2 phút phát biểu của ông chứa đựng rất
nhiều thông tin. Bây giờ, tôi đã ở tuổi ngũ tuần, tức là đã rút được nhiều kinh nghiệm từ
những cái ngu ngốc của mình, và tôi cho rằng tôi đang luyện cho mình sự bình
tĩnh trước mọi thành công hay thất bại, trước mọi lời khen chê, tán dương hay
dè bỉu. Tại buổi nói chuyện với sinh viên ĐHMT Hà Nội, tôi đã nhắc lại lời
của giáo sư Arima: “Nếu bạn tin vào điều mình đang làm thì đừng bao giờ từ
bỏ nó, ngay cả khi bị người khác chỉ trích.”
NĐĐ: Bố tôi năm nay 87 tuổi, bị bệnh đã lâu, hiện không đi lại được, nhưng vẫn
nhận ra tôi khi tôi về thăm. Mẹ tôi năm nay 85 tuổi. Tôi có một anh và một
chị. Gia đình của họ sống cạnh bố mẹ tôi ở Hà Nội. Tất cả anh chị ruột và dâu
rể đều tốt nghiệp đại học và hiện là công chức nhà nước. Anh trai tôi là tiến
sĩ về máy chính xác. Con cái họ cũng đều du học ở ngoại quốc. Tôi nghĩ rằng
những việc tôi làm không có ảnh huởng gì xấu đến bố mẹ và anh chị tôi cùng
gia đình họ. Bố tôi, khi ông còn tỉnh táo, thường rất tự hào về tôi. Còn tôi
rất biết ơn và tự hào về bố mẹ tôi.
NĐĐ: Bố mẹ tôi đều từng là trí thức tu nghiệp tại Pháp. Vì thế, tôi có may mắn
là từ nhỏ đã được tiếp thu một nền giáo dục mang đậm ảnh hưởng của văn
chương, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc phương Tây từ bố mẹ mình. Bố mẹ tôi dạy
các con như nhau, không thiên vị ai. Ngoài học ở trường, tất cả ba anh chị em
chúng tôi đều được học piano, học vẽ từ bé. Chúng tôi không hề bị ngăn cấm
thể hiện ý nghĩ của mình bằng lời nói trong gia đình. Bố mẹ tôi thường thảo
luận việc nhà với con cái. Vì thế, sinh hoạt trong gia đình tôi khá dân chủ
ngay từ khi tôi còn nhỏ. Sau này tôi cũng dạy con trai tôi như vậy. Dân chủ và tự do tư tưởng là
đường lối giáo dục con cái của tôi. Vợ chồng chúng tôi thường xuyên nói chuyện
với con về tất cả mọi điều xảy ra. Không có đề tài cấm kỵ hay tế nhị trong
đối thoại. Chúng tôi không dùng sự sợ hãi để dạy con. Con trai tôi từng nhận
xét rằng hai bố con tôi đối thoại về nhiều vấn đề như hai người bạn. Đổi lại
chúng tôi nhận được từ con mình tình yêu và lòng kính trọng. Tôi không mong
gì hơn thế. Từ lớp 1 đến khi vào đại học cháu học ở Nhật. Nền giáo dục phổ
thông cuả một xã hội văn minh, dân chủ và phát triển hơn Việt Nam rất nhiều
lần không vì thế mà không có những vấn đề riêng, đòi hỏi sự quan tâm phối hợp
của cả nhà trường lẫn gia đình. Học sinh ở Nhật chịu sức ép rất lớn để học
thi vào các trường tốt, để sau này dễ tìm việc ở các công ty tốt. Tôi không
chia sẻ triết lý thực dụng đó. Mặt khác tôi thấy hệ thống giáo dục đại học cuả
Nhật, tuy là tốt hơn Việt nam rất nhiều, vẫn mang nặng tính hình thức và nặng
về tiếp thu thụ động. Trong khi đó, tôi luôn cố dạy con trai tôi hiểu rằng
độc lập tư duy và thực tài mới là quan trọng chứ không phải cái danh hão.
Ngoài các giờ học ở trường, cháu còn học chơi piano 13 năm, võ aikido 9 năm
và được nhận đai đen về aikido khi 18 tuổi. Lúc cháu chuẩn bị vào đại học,
chúng tôi để cháu tự tìm hiểu và tự chọn ngành, chọn trường phù hợp với ý
thích và khả năng của cháu. Hiện nay cháu là sinh viên năm thứ 2 ngành kiến
trúc. Tuy học kỳ nào cháu cũng nằm trong danh sách các sinh viên được đại học
khen vì kết quả học tập, cháu vẫn có nhiều bạn bè và vẫn tham gia những sinh
hoạt ngoại khoá bổ ích. Cháu sử dụng được 3 thứ tiếng: Nhật, Anh, tiếng mẹ đẻ
- Việt, và chỉ thấy bánh chưng ngon khi được chấm với nước mắm.
NĐĐ: Bố mẹ tôi, và Leonardo da Vinci.
NĐĐ: Tôi thường theo dõi các thông tin xảy ra trong hội họa trên thế giới hiện
nay qua internet và các triến lãm tại Tokyo, song không thực sự quan tâm đến
một xu hướng hay cá nhân cụ thể nào. Lý do là vì những gì đang diễn ra trong
nghệ thuật đương đại không gây cho tôi bất cứ một hứng thú nào hết. Tôi nghĩ
những hoạt động hay “tác phẩm” với mục đích chủ yếu chỉ nhằm tạo danh tiếng
và hiệu quả thương mại cuối cùng sẽ là những thứ vô giá trị nghệ thuật. Tiếc
thay đó là trào lưu phổ biến trong nghệ thuật đương đại. Các bậc thầy hội hoạ cổ điển và cuộc sống mới là nguồn không bao giờ cạn
giúp tôi hoàn thiện nghệ thuật của mình.
NĐĐ: Tôi đã từng xem một số trình diễn, sắp đặt, video art khá hấp dẫn. Chúng
chẳng dính gì đến hội hoạ và người sáng tạo ra chúng chẳng hề dùng bút để vẽ
(trừ khi phải làm động tác … giả vờ vẽ). Vì thế đừng nên gọi họ là “hoạ sĩ”
mà gọi là “nghệ sĩ” thì hơn. Không phải tất cả những cái đó là dở. Danh họa
lãng mạn Pháp Eugène Delacroix (1798 –1863) từng nói: “Mục đích cuối cùng
của mọi nghệ thuật là ấn tượng nó gây ra”. Như vậy, cũng như hội
họa, thành công của một tác phẩm trình diễn, sắp đặt, hay video art phụ thuộc
vào cái ấn tượng hay hiệu quả đó đối với người xem.
NĐĐ: Việc đưa ra cái mới trong nghệ thuật hay khoa học là yêu cầu dĩ nhiên đối
với một nghệ sĩ hay nhà khoa học. Nếu không bức tranh hay công trình nghiên
cứu của anh sẽ vô giá trị. Cái mới nhiều hay ít phụ thuộc vào tài năng, kiến
thức và kinh nghiệm của người sáng tạo ra tác phẩm hay công trình. Vì thế
không thể ép cái mới nảy sinh, mà chỉ có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
nó có thể xuất hiện. Tôi cho rằng cái mới chỉ được hình thành dựa trên sự kế
thừa. Mà muốn kế thừa đuợc thì phải hiểu biết sâu sắc những gì tinh túy mà
tiền bối đã đúc kết lại. Mặt khác, cái mới ở trong chính bản thân ta và trong
cuộc sống xung quanh ta. Mỗi cá nhân đều có những đặc biệt không giống bất kỳ
ai khác. Điều đó giúp tạo nên phong cách riêng trong nghệ thuật.
NĐĐ: Để có câu trả lời đầy đủ mời bạn đọc bài “Cuộc
sống Nhật dưới mắt người Việt” của tôi đã đăng tại Người Viễn Xứ cách đây 5
năm. Còn đây là câu trả lời ngắn gọn: Nhật Bản biết
đối xử tử tế với người tài. Ở Nhật người tài được trọng dụng, và trả lương cao. Nhật
Bản là nước có luật
pháp rõ ràng, mọi người bình đẳng trước pháp luật và không có bất cứ một cơ
quan, tổ chức, đảng phái nào có thể vin vào bất cứ lý do gì để được phép tự
cho mình cái quyền đứng trên pháp luật. Không ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện của người
khác. Đó là quyền tự do cao nhất của con người trong xã hội văn minh. Điều 21 trong Hiến pháp cuả Nhật
đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào đối với quyền tự do
biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá
nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển
lãm hay in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc vẽ ra trong tác
phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả hai phía: phía muốn
kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng trước pháp luật,
tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại tòa án. Một đính chính nhỏ: Đặng Thái Sơn không định
cư tại Nhật. Anh là công dân Canada, một quốc gia cũng biết đối xử tử tế với
nhân tài. Trên thế giới có không ít các quốc gia như vậy. Người tài như những
con chim: đất lành thì chim đậu.
NĐĐ: Tôi đưa vào trong tranh những gì tôi trải nghiệm trong cuộc đời của tôi.
Trong tranh của tôi không chỉ có áo dài Việt Nam, kimono Nhật Bản, bánh dày giò chả Hà Nội, mà còn có cả các vũ
công xứ Florence,
các con thuyền trên bờ vịnh Napoli, giăm-bông
Ibérico, v.v. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi phải vẽ những yếu tố Việt Nam chỉ vì tôi là
người Việt Nam. Song, mặt khác, sống ở nước ngoài, kỷ niệm cộng với những đau
đớn và bức xúc của tôi trước những “yếu tố” Việt Nam mà tôi hàng ngày hàng
giờ thấy và đọc được trên internet đã khiến Việt Nam đi vào các bức tranh của
tôi một cách tự nhiên như trong các bức tranh "Ngày
trưởng thành ”, “Hà Nội ám ảnh”,
“Phút cuối cùng
của thành cửa Bắc”, “ Ký ức”, “Nỗi nhớ”, v.v.
NĐĐ: Tôi tin rằng một tác phẩm có giá trị cao, bất kể đó là hội họa, văn
chương, hay âm nhạc, phải đạt được tính toàn cầu, tức là phải chứa đựng những
giá trị chung của toàn nhân loại. Đối với những nghệ sĩ đã trải nghiệm nhiều
nền văn hoá khác nhau qua chính cuộc sống hàng ngày và học vấn của mình, thì
sẽ là một điều thực sự ngớ ngẩn và nhảm nhí khi nói về tính dân tộc trong
sáng tạo của họ. Một cậu bé có bố là người gốc Pháp, mẹ là người gốc Việt,
sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, nếu trở thành nghệ sĩ thì tính dân tộc của cậu
ta sẽ nằm ở đâu? Đừng quên rằng số người như vậy trong thế giới phẳng ngày
nay đang ngày càng nhiều.
NĐĐ: Mỗi bức tranh của tôi thường được bắt đầu khi tôi tìm thấy ý tưởng nghệ
thuật gây ấn tượng cho chính bản thân tôi. Chỉ có như thế tác phẩm mới có thể
gây ấn tượng cho người khác. Vì thế tôi thường mất nhiều thì giờ suy nghĩ để
nảy ra những ý tưởng như vậy. Song cũng có khi ý tưởng đến bất chợt như việc
tôi nhìn thấy một con quạ chết trên đường đi đã đưa đến sự ra đời của bức
tranh “Phút
cuối cùng của thành cửa Bắc”. Khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế
Hán Cao Tổ vào năm 203 TCN có “quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh”. Vì thế
con quạ chết gợi cho
tôi một tượng trưng
cho sự suy vong.
Hoặc khi tôi vẽ bức tranh “Lối ra”, trong
một lần đi ra khỏi cửa xe điện ngầm ở Tokyo, tôi chợt nảy ra ý tưởng vẽ cái
đuôi áo cô dâu kéo lê dưới đất rồi biến thành một cái đàn đại dương cầm, như
thể đuôi áo đang kéo theo cái đàn - sự nghiệp và mơ ước nghệ thuật của cô
dâu. Trong bức “Ngày trưởng
thành”, tôi dùng quy tắc vàng vẽ một bố cục với xương sọ
của 12 con giáp làm thành một vòng tròn, tâm của vòng tròn trùng với mắt phải
của con trai tôi. Một đàn người đi xe máy làm thành đường chân trời. Những ẩn
dụ trong bức tranh được phản ánh một phần trong bài
thơ cùng tên do tôi viết. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, bức tranh sau khi hoàn thành sẽ tự dưng tồn
tại một cách độc lập, như một thực thể sống. Cái bí ẩn và khó bậc nhất của
hội hoạ là cái hồn của tác phẩm. Tác phẩm chỉ trở thành kiệt tác khi cái hồn
đó toát ra. Đó chính là câu chuyện không kể được bằng lời trong mỗi bức tranh
mà người xem, tùy theo trình độ và trải nghiệm của mình có thể cảm nhận được
theo cách riêng của họ. Câu chuyện đó không nhất thiết phải giống nhau. Ngôn
ngữ hội hoạ chính vì vậy mà rất đa nghĩa.
NĐĐ: Tôi không quan tâm tới việc bán tranh vì tôi vẽ không phải để bán, tuy
rằng thỉnh thoảng tôi cũng bán vài bức. Giá tranh của tôi phụ thuộc vào từng tác
phẩm cụ thể. Vì thế nếu bạn hỏi giá bức tranh mới nhất của tôi, bức “Biến thái” (sơn dầu
trên toile kích thước 60 x 73 cm), chẳng hạn, câu trả lời của tôi là khoảng 4
ngàn USD. Tuy nhiên, nếu tôi không sống bằng nghề vật lý, mà phải sống bằng
nghề vẽ thì chắc chắn tôi sẽ phải tổ chức “tiếp thị” tranh của tôi theo một
cách khác. Hiện giờ tôi có may mắn là chưa phải làm như vậy.
NĐĐ: Điều đó không đúng trong mọi thời đại. Nhiều bậc thầy từ thời Phục Hưng
đến hiện đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Velasquez, Goya,
Rubens, Rembrandt, Poussin, Ingres, David, Picasso, Chagall, Dalí v.v. đã rất
nổi tiếng và được công nhận ngay khi còn sống. Bên cạnh đó có những người chỉ
được đánh giá lại và đánh giá cao sau khi đã chết như Vermeer, Van Gogh,
Gauguin, Modigliani, v.v. Tôi không so sánh mình với các danh hoạ đó, song tôi thấy mình vẫn còn
may vì, trong một chừng mực nào đó, cũng đã được công nhận. Ít nhất, việc một
người chưa bao giờ từng học vẽ tại đại học mỹ thuật nay lại được mời thuyết
trình về kỹ thuật vẽ sơn dầu tại một hoạ viện nổi tiếng bậc nhất Việt Nam là
ĐHMT Hà Nội, và lại được sinh viên chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối, đối
với tôi, đã là một sự công nhận đầy ý nghĩa. Cảm ơn
anh đã quan tâm trả lời câu hỏi. Chúc anh
một năm mới với nhiềư hứng khởi mới! |
|