Piano kỹ thuật số có
thay thế được piano dây không? Nguyễn Đình Đăng Khoảng mười năm trở
lại đây công nghệ sản xuất đàn piano kỹ thuật số phát triển vượt bậc với âm
thanh hay, độ nhậy của phím đàn phù hợp với cảm giác của ngón tay, kết hợp với
giá thành phải chăng. Vậy liệu đàn piano kỹ thuật số có thay thế được đàn
piano thông thường không? Để có câu trả lời chính xác chúng ta hãy cùng nhau
so sánh hai loại đàn này. Piano kỹ thuật số là
loại nhạc cụ điện tử có âm thanh gần giống như âm thanh đàn piano thông thường
(dưới đây gọi là “piano dây” hoặc “piano thật” để dễ phân biệt vì piano kỹ thuật
số không có dây). Khác với piano dây, piano kỹ thuật số không có dây, không có
tấm rung âm thanh (sound board) để tạo ra âm thanh mà tai chúng ta nghe thấy,
và hầu hết là không có hệ thống búa gõ (trừ thế hệ đàn GranTouch của Yamaha sẽ
nói đến bên dưới). Thay vào đó là một loạt con “chip” âm thanh và loa. Các ưu điểm của
piano kỹ thuật số Piano kỹ thuật số có
nhiều tính năng khiến, thoạt nhìn và nghe thì quả là rất hấp dẫn, khiến nhiều người cho rằng chúng dần dần sẽ thay thế được đàn piano dây. Những tính năng đó là: - Chúng có thể tạo
ra các loại âm thanh piano khác nhau, như đại dương cầm (grandpiano), tiểu dương
cầm (upright piano), tiếng piano
trong phòng nhỏ, tiếng piano trong phòng hòa nhạc lớn, tiếng ấm, tiếng trong
trẻo, v.v.; - Chúng có khả năng
tạo ra các âm thanh của các đàn phím khác như đàn organ, harpsichord, v.v.; - Chúng có khả năng
bắt chước âm thanh các nhạc cụ dây như violin, viola, cello, contrabass, …, các
nhạc cụ của bộ hơi như sáo, kèn, v.v., bộ gõ, v.v.; - Bè nhịp, đệm có
thể tự động đệm cho giai điệu bạn chơi; - Chúng có thể
thu lại bản trình diễn của bạn; - Chúng có thể
phối hợp dễ dàng với các thiết bị điện tử khác (MIDI); - Không bao giờ
phải lên dây; - Vận chuyển dễ
dàng. Các nhược điểm của
piano kỹ thuật số Nhược điểm lớn nhất
của piano kỹ thuật số là chúng không thể nào bắt chước y hệt âm sắc và độ nhậy
cảm của phím (touch) piano thật. Tuy rằng công nghệ hiện đại có thể bắt chước
khá chính xác từng nốt đàn bằng cách sao lại các âm thanh phát ra từ các đàn đại
dương cầm biểu diễn trứ danh như Steinway & Sons, Yamaha, Bechstein,
v.v., nhưng vẫn không thể nào khiến piano kỹ thuật số bắt chước được âm sắc của
các hợp âm phát ra từ piano dây với các hòa thanh rất phức tạp và độ cộng hưởng
sâu rộng vang từ tấm rung âm thanh bằng gỗ - trái tim của đàn piano dây. Kết
quả là âm nhạc chơi trên piano kỹ thuật số nghe có vẻ nông cạn và nhạt nhẽo so
với khi chơi trên đại dương cầm. Piano kỹ thuật số
không có được cái cảm giác của đàn piano dây. Độ nhậy và độ nặng của phím đàn
khác xa các tính chất chỉ có được nhờ hệ thống cơ học phức tạp gọi là bộ truyền
động (action) của đàn piano dây. Piano kỹ thuật số chỉ “nhái” lại cảm giác của
phím đàn piano dây, chứ không thể tạo ra độ nhậy của phím tuơng ứng với lối
chơi của bạn. Kết quả là khả năng biểu cảm của bạn bị hạn chế bởi nhạc cụ.
Khi nói đến kỹ thuật trình diễn thì piano kỹ thuật số trở nên phản tác dụng. Các
kỹ thuật chạy ngón không thể tập trên piano kỹ thuật số rồi đem áp dụng trên piano
dây vì cảm giác khác nhau rất lớn nói ở trên. Piano kỹ thuật số
quả có rẻ hơn piano dây nhiều, nhưng một đàn piano dây tốt có thể dùng được
100 năm, trong khi đàn piano kỹ thuật số có thể sẽ trở nên lạc hậu chỉ sau 5
năm giống như một cái computer vậy. Piano kết hợp kỹ
thuật số Một số nhà làm đàn
gần đây cho ra đời thế hệ đàn kết hợp kỹ thuật số như Yamaha Disklavier hay
Baldwin Concert Master có tính năng của cả piano dây lẫn piano kỹ thuật số.
Chúng thực chất là các piano thật nhưng lại được “cấy” thêm các tính năng
MIDI. Chúng có thể ghi lại trình diễn của bạn với độ chính xác rất cao và có
thể tự chơi các bản nhạc đã được ghi sẵn. Tuy nhiên giá thành của chúng rất
cao. Yamaha GranTouch Để khắc phục nhược điểm
của phím piano kỹ thuật số, hãng Yamaha đã cho ra đời thế hệ đàn GranTouch vào
năm 1998. Đàn GranTouch (xem ảnh) có hệ thống truyền động (action) bao gồm phím
và bộ búa giống hệt như của đàn piano thật. Do đó nhạc cảm của nghệ sỹ có thể
được truyền qua phím đàn và bộ búa hệt như khi chơi trên piano thật. Tuy nhiên
hệ thống búa đó không nện vào dây mà kích động các samples âm thanh để phát
ra âm nhạc. Như vậy đàn Yamaha GranTouch đã khắc phục được nhược điểm về độ
nhậy của phím đàn piano kỹ thuật số. Về âm thanh, Yamaha GranTouch sử dụng các
samples thu từ đàn Yamaha Concert Grand CFIIIS là loại đại dương cầm biểu diễn
đầu bảng của Yamaha. GranTouch cũng có hệ thống im lặng (silent) tức là bạn có
thể đeo tai nghe và chơi mà không làm ồn người xung quanh, trừ tiếng lịch bịch
của phím đàn đập xuống mỗi khi bạn gõ. Giá của Yamaha GrandTouch DGP-1 là khoảng
5,000USD, tức là khoảng gấp đôi giá một piano kỹ thuật số Yamaha Clavinova
loại tốt, nhưng chỉ bằng một nửa giá một baby grand piano A1R cuối bảng của các
đại dương cầm Yamaha thật.
Yamaha
GranTouch GT2
Hệ thống phím và truyền động của Yamaha GranTouch Tôi đã từng mua một
Yamaha Clavinova cách đây mười năm (1994) với hy vọng là nó có thể thay thế được
piano thật cho con tôi học piano. Tuy nhiên chỉ vài năm sau tôi đã buộc phải “đẩy”
đi để thay thế bằng một chiếc Yamaha GranTouch. Cho dù âm thanh chưa được như
của đại duơng cầm thật, phím đàn và bộ truyền động đã phù hợp với việc luyện
kỹ thuật để người chơi không bị hẫng khi áp dụng vào đại dương cầm thật. Lời kết Tóm lại, không có
hy vọng là đàn piano kỹ thuật số có thể thay thế được đàn piano thật. Nếu bạn
chỉ cần một một nhạc cụ phím (keyboard) có thể dễ mang vác, dễ nối với hệ thống
âm thanh, hoặc có thể dùng để thu âm nhạc qua một phần mềm máy tính, thì bạn
có thể sắm một piano kỹ thuật số. Nếu không, trừ phi bạn thừa tiền, bạn nên
suy nghĩ hết sức cẩn thận trước khi bạn mua một piano kỹ thuật số thay vì mua
một piano thật. Còn nếu bạn nuôi hy vọng để con bạn trở thành nghệ sỹ
piano chuyên nghiệp hoặc có thể chơi piano giỏi “như chuyên nghiệp” thì bạn có
thể quên hẳn piano kỹ thuật số đi. Hãy mua cho cháu một grand piano
thứ thiệt, một Yamaha GranTouch, hoặc một upright piano loại tốt. Tokyo, 29/5/2004
|