May hơn khôn

 

 

 

 gNhưng cái chết đang ở đây,  trong bóng tốih

Alfred Cortot (1877 – 1962), nghệ sỹ piano Pháp

 

 

Dịp Tết Ất Dậu vừa qua hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản có mời tôi tham gia giao lưu với khoảng 200 khán giả. Hầu hết là thanh niên Việt Nam đang làm việc hoặc học tập ở vùng Kan-tô. Trong số những câu MC của chương trình giao lưu hỏi tôi có một câu đại loại là liệu tôi có cho rằng mình là người gặp may không. Tôi đã trả lời như sau:

- Đúng! Tôi cho rằng mình đã gặp may rất nhiều. Cái may mắn thứ nhất là tôi đã được bố mẹ tôi sinh ra, nuôi dạy thành người, và được hưởng một nền văn hóa của cả Đông lẫn Tây từ bố mẹ mình. Cái may mắn thứ hai là tôi đã thoát chết trong một trận máy bay Mỹ ném bom vào năm 1972, nếu không tôi đã không được hân hạnh giao lưu với các bạn tại đây ngày hôm nay. Cái may mắn thứ ba làc.

Chương trình giao lưu chỉ diễn ra khoảng 20 phút nên tôi không thể kể chi tiết về vụ chạy bom của mình 33 năm về trước. Nay tôi mượn mặt báo để kể câu chuyện này ra. Tôi hy vọng rằng, đọc xong câu chuyện, đặc biệt là trong không khí hân hoan của những ngày đầu xuân có thể coi là sung túc và dư dật này, một số độc giả cũng sẽ đồng ý với tôi, thắp lên nén trầm hương để tưởng nhớ vong linh những người đã không may phải bỏ mình trong những cuộc chém giết của con người, hay những cơn cuồng nộ của trời đất. Trong số họ, biết đâu chẳng có những cá nhân, mà nếu được sống, có lẽ cũng trở thành những tài năng xuất chúng.

 

* * *

 

Năm 1972 Mỹ ném bom miền Bắc trở lại, nghe nói là để gây sức ép tại bàn đàm phán hòa bình với Việt NamParis. Mọi người ở thành thị một lần nữa lại phải đi sơ tán. Khác với lần đi sơ tán trước, khi ba anh em chúng tôi đi theo bố, còn mẹ tôi đi theo bệnh viện bà làm việc, lần này gia đình tôi phải chia làm bốn. Anh tôi, lúc đó đang học Đại học Bách khoa năm thứ hai, phải nhập ngũ cùng cả khóa năm đó theo lệnh tổng động viên. Bố tôi đi theo trường bố tôi dạy. Chị tôi theo mẹ tôi đi với cơ quan của mẹ tôi. Còn tôi lại đi theo trường nghệ thuật Hà Nội ở một làng gần Chèm. Lúc đó tôi 14 tuổi, đang học đàn cello ở trường này. Ba nơi này cách nhau vài chục cây số.

Một ngày tháng mười, mẹ và chị tôi đến chỗ tôi sơ tán để từ đó chúng tôi cùng đi thăm bố tôi. Ba mẹ con tôi đạp ba xe đạp đi từ trong làng ra đường cái. Đường cái dẫn đến thị trấn S.Đ. cách đó chừng mươi cây số. Từ S.Đ. đến chỗ bố tôi còn khoảng hai chục cây số nữa. Chúng tôi đến S.Đ. vào gần trưa. Đấy là một thị trấn nhỏ nằm trên trục đường nhựa đi Hà Nội nhưng khá sầm uất với nhiều hàng phở, quán cơm hai bên đường. Tôi thấy đói bụng. Tôi chắc mẹ và chị tôi cũng đói như tôi, vì thế mẹ tôi bảo dừng lại ăn trưa, sau đó sẽ đi tiếp. Chúng tôi vào một quán phở cạnh đường. Tuy nhiên, trước khi gọi phở mẹ tôi bỗng dưng đổi ý định:

 

-          Ngồi ăn ở đây cũng mất ít nhất nửa tiếng.– mẹ tôi nói - Bố chờ lâu sẽ sốt ruột và lo. Thời buổi bom đạn thế này c Hay là các con và mẹ ráng chịu đói, đạp xe đi tiếp. Gặp bố rồi ăn sẽ càng vui.

 

Máy bay F4 của Mỹ ném bom Bắc Việt Nam

(ảnh USAF photo)

 

Thế là chúng tôi lại đứng lên, xin lỗi chủ quán, lên xe đạp và tiếp tục đi. Sau khoảng 200 thước, chúng tôi rời đường nhựa, rẽ vào một con đường đất mới mở, xuyên qua một cánh đồng rộng trồng hoa màu. Tiết trời thu khô ráo nhưng trời không nắng. Đất ải hình viên xếp đống bên bờ ruộng. Đây đó là những ruộng ngô lá xanh mơn mởn khẽ lay động và phát ra tiếng kêu loạt soạt khi gió nhẹ thổi tới. Đạp xe đi được chừng 300 thước nữa, tôi bỗng nghe thấy tiếng máy bay phản lực. Hồi đó máy bay phản lực chiến đấu xuất hiện trên trời là chuyện xảy ra hàng ngày, có lúc là máy bay Mig của ta, có lúc là máy bay của Mỹ - thường là F4. Máy bay của ta thường hay bay thấp hơn, nên tiếng nghe to hơn. Máy bay Mỹ thường bay cao hơn để tránh đạn súng phòng không dưới đất bắn lên. Lần này tiếng máy bay nghe khá to nên tôi cho rằng đó là mấy chiếc Mig 21. Mẹ và chị tôi cũng như mấy người đạp xe đi trên cùng con đường chắc cũng nghĩ vậy nên chẳng ai tỏ vẻ lo lắng. Cũng có lẽ là do chúng tôi đã quá quen thuộc với những tiếng máy bay gầm rít rồi. Chẳng ai buồn ngửng đầu lên trời nhìn máy bay. Thình lình đất rung lên kèm theo hàng loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc. Có tiếng ai đó hét: gBom!...h. Ngay lập tức chúng tôi vứt xe giữa đường chạy nháo nhác tìm chỗ nấp. Ở miền Bắc Việt Nam hồi ấy hai bên  đường quốc lộ và đường cái thường có nhiều hầm trú ẩn. Đó là các hố sâu ngang đầu người, được lót bên trong bằng hai ống xi măng cốt thép hình trụ trồng lên nhau với một cái nắp tròn dày chừng 7 – 8 phân đậy ở trên. Mỗi hố thường chỉ giành cho một người. Khi máy bay Mỹ đến ném bom, những người đi đường nhảy xuống hố kéo nắp che lên đầu. Những hầm trú ẩn cá nhân loại đó chỉ tránh được các mảnh bom, mảnh đạn, hoặc bom bi của Mỹ – là thứ bom mà khi nổ làm bắn ra nhiều viên bi nhỏ như bi xe đạp, nhưng sắc cạnh, có thể cắm sâu vào da thịt của người và súc vật. Nhưng lần này, trớ trêu thay, có lẽ do con đường mới được làm cách đây không lâu nên hai bên đường không có một cái hầm trú ẩn nào. Tôi đành nằm sấp úp mặt xuống đất ruộng bên lề đường. Đất rào rào phủ lên lưng tôi. Tôi nghĩ phen này chúng tôi chắc chết ở đây. Bố sẽ không gặp được ba mẹ con mình chiều nay nữa. Chắc bố sẽ đau khổ lắm. Không hiểu sao lúc đó tôi không thấy sợ. Hé mắt liếc xung quanh tôi thấy mẹ và chị tôi cũng nằm úp sấp cách tôi vài thước. Tôi gặp ánh mắt của mẹ tôi - ánh mắt lộ vẻ bình thản và nhẫn nại. Bỗng dưng tôi nhớ đến hình ảnh con gà mái xù lông, xòe cánh, cố che chở cho đàn con nhỏ của mình khỏi sự đe dọa của những con diều nanh ác đang quần đảo trên không. Ngước nhìn lên về phía xa, tôi thấy những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên từ cái thị trấn mà chúng tôi vừa đi khỏi. Trên trời là hai chiếc F4 đang cắm đầu lao xuống. Hàng loạt tiếng bom nổ lại vang dậy và các cột khói đen mới lại ngùn ngụt bốc lên. Tôi thấy có cả những cột đất tung lên ở phần cánh đồng bên kia đường chỉ cách chỗ chúng tôi chừng 200 thước. Tôi đã từng đi sơ tán 4 năm trời cho đến năm 11 tuổi, đã nhiều lần xuống hầm tránh bom, nhưng chưa bao giờ thần chết đến gần tôi như vậy. Ngay sau tiếng bom những tiếng nổ chát chúa của các loại súng phòng không thi nhau vang lên. Tiếng bom ngừng. Máy bay Mỹ bay đi. Tôi ngồi dậy và sờ khắp ngườị. Không bị thương. Mẹ, chị tôi và mọi người xung quanh cũng không ai việc gì. Tôi nghe có tiếng người nói: gPhải chạy thật nhanh cho xa chỗ này. Nó còn quay lại đấy!h Thời chiến tranh phá hoại đại từ ngôi thứ ba số ít gnóh rất hay được dùng để chỉ ggiặc Mỹh, gmáy bay Mỹh. Chúng tôi dựng xe đạp dậy, nhảy lên, cố đạp thật nhanh trên đường về phía rặng tre của một ngôi làng trước mặt. Như là trêu ngươi, xe đạp của mẹ tôi tự dưng tuột xích! Thông thường lắp xích xe đạp tuột chỉ mất vài giây. Tuy nhiên lúc đó tay tôi run bần bật. Cả tôi và mẹ tôi thử mấy lần mà không lôi được đoạn xích mắc kẹt. Tôi không thể đạp xe chạy trước để mẹ tôi một mình dắt xe, còn mẹ tôi không dùng xe tôi được vì xe đạp của tôi khá cao. Thế là chúng tôi dắt xe chạy bộ. Tiếng máy bay vẫn ầm ì đằng xa. Chạy được một quãng, tôi thấy yên tâm hơn, nên dừng lại và lắp được xích xe. Chúng tôi đạp xe thật nhanh cùng mọi người khác trên đường. Cuối cùng tất cả đến được rặng tre đầu làng. Chúng tôi tìm được một cái hầm chữ A to đủ cho tất cả khoảng chục người cùng trui vào. Mọi người ngồi ép sát vào nhau trong hầm. Mùi mồ hôi quện với mùi đất âm và hơi thở dồn dập làm không khí bên trong hầm ngột ngạt. Định thần lại sau một lúc, tôi nhìn ra phía trước. Dưới rặng tre tối đối diện với cửa hầm, tôi thấy lù lù một bệ phóng tên lửa phòng không trên một chiếc xe quân sự với cả một quả tên lửa phủ vải bạt rằn ri ngụy trang. Dần dần tất cả mọi người ngồi trong hầm đều nhận ra là dưới các rặng tre tiếp theo còn có vài xe chở tên lửa nữa. Tình trạng bỗng trở nên rõ ràng: Chúng tôi đang ngồi trong hầm thuộc vị trí đóng quân của một đơn vị bộ đội phòng không. Trận bom hồi nãy có thể là nhằm vào đơn vị này, nhưng do chỉ điểm sai, máy bay Mỹ đã ném bom nhầm xuống thị trấn S.Đ. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi hiểu là phải rời bỏ trốn này ngay lập tức, trước khi máy bay Mỹ nhận ra đã ném bom trệch mục tiêu. Tất cả ra khỏi hầm và lại đạp xe chạy tiếp.

Khoảng 3 – 4 giờ chiều chúng tôi mới đến được chỗ bố tôi sơ tán. Lúc này tin về trận bom đã lan đến mọi nơi nên có vẻ bà con nông dân đã biết cả. Chắc trông chúng tôi nhếch nhác lắm vì người lấm bùn đất, nên mấy bà đang gồng gánh ở đầu làng thoạt nhìn thấy chúng tôi đã nói to: gMấy người thoát chết bom về đấy a?h .

Ba mẹ con tôi vào đến sân ngôi nhà mà bố tôi đang ở nhờ cũng là lúc bố tôi và mấy thầy giáo khác đang xúm quanh cái đài bán dẫn nghe tin giờ chót về vụ oanh tạc. Bố tôi đã biết trước là hôm nay chúng tôi sẽ đến thăm, nên ông rất bồn chồn. Dường như linh cảm đã báo cho ông rằng chúng tôi đã ở đâu đó rất gần khu vực bị nạn.

Trận bom đó đã san phẳng thị trấn S.Đ. Nhiều người chết. Người ta thấy cả những xác trâu trúng bom bị hất tung lên nằm vắt trên cành cây to.  Dãy hàng quán hai bên đường qua thị trấn bị bom phá sập tan tành, kể cả cái quán phở tại đó chúng tôi suýt nữa đã ngồi lại ăn.

 

             

Phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau trậm bom B-52 Mỹ đêm 26/12/1972 (ảnh trái)

và phố Khâm Thiên ngày nay (ảnh phải)@(ảnh VNTTX)

 

Mùa Giáng Sinh năm ấy máy bay B52 của Mỹ trút bom rải thảm xuống Hà Nội. Vào những đêm thành phố bị ném bom, đứng ở nơi sơ tán cách Hà nội chưa đầy hai chục cây số, tôi nghe thấy tiếng bom ầm ì và nhìn thấy những quầng lửa bùng lên sáng cả một góc trời. Sau trận bom xuống phố Khâm Thiên đêm 26/12/1972, tôi đã đạp xe về Hà Nội. Khu phố đông đúc ngày nào nay chỉ còn là một đống đổ nát. Trong bóng tối nhá nhem, nổi lên màu trắng của khăn tang, của vôi bột, của khói hương nghi ngút. Một nhóm dân phòng im lặng đưa xác người chết lên một chiếc xe tải. Tôi thấy một mảng thịt giập nát, hình người đang dang rộng chân tay, dính chặt vào tấm lưới bê-tông của một bức tường đã đổ sập xuống. Trong một góc, có lẽ nguyên là một căn phòng nay chỉ còn là một đống gạch vụn, một người đàn ông gầy gò đứng trước một bát hương, khóc và đôi khi gào lên những tiếng đứt đoạn, không rõ nghĩa. Trong hố mắt của ông ta tôi như thấy niềm đau thương của cả dân tộc tôi. Một tháng sau, ngày 27 tháng 1 năm 1973, hiệp định về hoà bình và chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký ở Paris. Chúng tôi trở về Hà Nội. Một lần, sau giờ tan học, tôi cùng lũ bạn học phổ thông trèo lên tường của Tòa án thành phố tò mò đứng xem các tù binh phi công Mỹ được phóng thích từ nhà giam Hỏa Lò. Họ cao to, đầu húi cua, mặc đồng phục gồm áo blouson và quần tây màu xám, đi thành hàng một. Mỗi phi công xách một cái túi du lịch. Có người mang thêm mấy chiếc nón lá, chắc là để làm quà lưu niệm cho vợ con, họ hàng ở quê hương Hoa kỳ của họ. Họ leo lên mấy chiếc xe buýt chờ sẵn cạnh vỉa hè để đưa họ ra sân bay. Một phi công Mỹ nhìn qua cửa kính về phía tôi đứng. Con ngươi mắt anh ta có màu xám nhạt gần như trong veo.

 

* * *

 

Năm 1976 tôi xuất dương đi học đại học. Sau nhiều năm tu nghiệp tôi trở thành một nhà vật lý, vì thế có dịp chu du nhiều nước kể cả Hoa kỳ. Trong thời gian rỗí tôi cũng thích vẽ và chơi piano. Gần đây tôi còn nổi hứng viết bài lăng nhăng đăng báo chí trong nước. Đôi khi các bạn người Âu, người Nhật, hay người Mỹ hỏi sao tôi có thì giờ làm nhiều việc như vậy. Tại buổi giao lưu mà tôi đã nói đến ở đầu câu chuyện này một sinh viên từ khán phòng cũng hỏi tôi một câu tương tự. Tôi trả lời rằng bất kỳ ai có tình yêu và niềm say mê thì luôn tìm ra thời gian. Tuy nhiên, còn có một lý do nữa tôi ít khi nói ra. Tôi vẫn tin rằng hình như trực giác luôn mách bảo cho tôi phải làm thế này mà không làm thế kia. Trực giác này có lẽ tôi được di truyền từ mẹ tôi – cái trực giác cách đây hơn 30 năm đã cứu ba mẹ con tôi thoát chết.

 

 

Nguyễn Đình Đăng

Tokyo, 11/2/2005