Ký sự một lần 
đi Mỹ

 

 

 

 

gParadise is exactly like where you are right now... only much, much better.h

(Thiên đường giống hệt như nơi bạn đang ở hiện nayc chỉ có điều là tốt hơn rất rất nhiều.)

 

Laurie Anderson (1947-) - nghệ sỹ trình diễn Mỹ

 

 

Tháng Ba vừa rồi tôi có dịp đi dự một hội thảo về vật lý hạt nhân ở San Diego (bang California) và thăm viện Máy gia tốc (Cyclotron institute) thuộc ĐHTH Texas A&MCollege Station (bang Texas). Trong phần 3 của bài gĐi Tâyh đăng tại Người Viễn Xứ  ngày 8/2/2005 [1] tôi đã thuật lại buổi  làm visa tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tokyo. Mặc   lãnh sự Mỹ hứa giải quyết nhanh chóng, sau hơn 1 tháng tôi mới nhận được visa nhập cảnh Hoa Kỳ.

 

 

I . SAN DIEGO

1. Hành trình, ở và ăn

Chuyến bay từ Tokyo đến Los Angeles kéo dài 9 tiếng rưỡi trên một chiếc Boeing 777. Hãng Boeing quảng cáo model này như một sáng tạo mới trong công nghệ chế tạo máy bay, được thiết kế bằng kỹ thuật số 100%, v.v.  Tuy vậy, Boeing 777 nhỏ hẹp hơn Boeing 747, lại cố nhét tới 9 ghế vào mỗi dãy ở phần giữa khoang economy (coach). Hành khách hạng này phải ngồi co ro, không thoải mái cho lắm. Tôi khá may vì chọn được chỗ cạnh lối đi (aisle seat) có chỗ để duỗi chân, hơn nữa 3 ghế sát cạnh lại không có ai ngồi. Nhờ vậy khi bay tôi nằm thẳng cẳng trên cả bốn ghế. Cái giá phải trả cho cái chỗ tốt như vậy là bốn người Mexico ngồi ngay hàng ghế sau. Họ nói chuyện rất nhiều, to và không nghỉ hầu như suốt chuyến bay.

 

Đến Los Angeles, tôi nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Tôi đã đến Hoa Kỳ vài lần, hộ chiếu của tôi vẫn còn vài cái visa Mỹ của những lần đi trước. Có lẽ vì thế nên nhân viên cửa khẩu cũng chỉ hỏi vài câu như sang Mỹ lần này làm gì, định ở bao nhiêu lâu, rồi cho qua. Có thêm một chi tiết là phải lăn tay, thực ra là dí ngón tay vào một ống kính để chụp hình vân tay đưa lên computer, chứ không phải bôi mực be bét vào ngón tay như làm chứng minh thư nhân dân ở ta trước kia. Tôi chuyển sang chuyến bay tiếp theo đi San Diego. Từ sau vụ bọn khủng bố đánh sập hai tòa tháp tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001 và chiến tranh Iraq, kiểm tra an ninh ở các phi trường được tăng cường. Lúc ở phi trường Narita, tôi đã thấy một phụ nữ Nhật bị các nữ nhân viên hải quan căn vặn kịch liệt khi họ tìm thấy trong túi sách tay của bà ta một con dao nhỏ mà bà ta nói là để cắt pho-mát. Đến phi trường ở Mỹ, người ta xếp hàng dài để qua cửa kiểm tra an ninh. Tất cả các đồ kim loại trên người từ máy vi tính cá nhân đến xu trong ví đều phải bỏ vào khay để soi tia X. Tôi thấy các hành khách còn tự động tụt cả giầy ra cho vào khay để soi luôn.

 

Hotel tôi ở tại San Diego nằm tại khu Gaslamp – trung tâm buôn bán và du lịch của thành phố, vì thế giá cắt cổ: hơn 150 đô một đêm. Được cái là nó nằm gần nơi tổ chức hội nghị, có dịch vụ đón khách từ sân bay, internet, và ăn sáng miễn phí. Tuy nhiên phòng ở nhỏ và đặc biệt là nhân viên phục vụ không được lịch sự cho lắm. Họ toàn là người gốc Mexico. Vào buổi sáng hôm trước khi bay đi College Station để đến ĐHTH Texas A&M, tôi hỏi nhân viên ở bàn tiếp tân để đặt xe shuttle bus ra sân bay mà theo như hotel quảng cáo là không mất tiền. Anh ta nói tôi có thể đặt xe bất cứ lúc nào sau 5 giờ chiều. Khoảng 8 giờ tối hôm đó, đi họp về, tôi ghé bàn tiếp tân để đặt xe như đã được thông báo. Một nữ nhân viên trực ở đó nói: gÔng chỉ có thể đặt shuttle bus trước 24 tiếng!h Tôi thắc mắc là tại sao anh nhân viên buổi sáng lại cho tôi một thông tin khác hẳn. Cô ta sẵng giọng: gThưa ông, ông không cần phải đôi co với tôi. Tôi không biết ai đã nói với ông thông tin như vậy. Tôi sẽ gọi taxi cho ông nếu ông muốn!h Sáng hôm sau lúc tôi xuống gọi taxi để rời hotel, một nhân viên trực khác lại cho tôi biết là shuttle bus chỉ phục vụ khách từ sân bay về hotel chứ không phải từ hotel ra sân bay. Như vậy là trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hố 3 nhân viên tiếp tân của cùng một hotel đã cung cấp cho tôi 3 thông tin hoàn toàn khác nhau! Những chuyện đó nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng cuộc sống nhiều khi làm con người phát tức mình cũng chỉ vì những điều tưởng như lặt vặt ấy, nhất là khi bạn đã quen được chiều chuộng bởi dịch vụ tuyệt hảo và thái độ cực kỳ nhã nhặn của người Nhật. Cũng là nhân viên phục vụ khách sạn, nhưng anh chàng người Mỹ trắng trẻo ở một nhà nghỉ loại 70 đô một tối tại College Station, mà tôi sẽ nói đến ở dưới, lại tỏ ra lịch sự khác hẳn mấy nhân viên phục vụ da màu người Mexico nói trên. Độc giả chớ vội chụp cho tôi cái mũ kỳ thị màu da. Hoàn toàn không có vấn đề da trắng da đen gì ở đây hết. Văn hóa của một con người là do môi trường sống và giáo dục tạo nên. Ở những xã hội phát triển, con người thường được tiếp thu một nền văn hóa ứng xử lịch sự. Ở những xã hội nghèo nàn con người phải tranh đấu vất vả để kiếm miếng cơm manh áo. Nhiều người thất học. Vì thế họ ứng xử cũng kém văn minh hơn, đôi khi cục cằn thô lỗ, có thể cãi nhau bất cứ lúc nào. San Diego nằm ngay sát biên giới với Mexico - một nước nghèo, khét tiếng vì các vụ buôn lậu ma túy và cờ bạc. Hoa Kỳ phải thường xuyên đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp gia tăng từ nước láng giềng Trung Mỹ này.

 

                                

 

Lối vào khu Gaslamp (trái) và San Diego Convention Center (phải)

 

Nhận phòng xong, tôi lăn ra giường ngủ một chập đến 7 giờ rưỡi tối, rồi khóa cửa phòng đi ra phố tìm chỗ ăn tối. Giống như New York, San Diego cũng có các đại lộ đánh số, có Broadway. Khu Gaslamp là trung tâm. Đường phố ở đây cắt nhau vuông góc như bàn cờ nên rất dễ định hướng. Dọc đại lộ số 5 có rất nhiều tiệm ăn hai bên đường. Hôm đó là thứ Bảy. Nam thanh nữ tú đi lại dập dìu, tiếng nhạc xập xình, ánh đèn mờ ảo. Tôi vào một tiệm ăn Thái Lan khá rộng rãi. Phải đợi một lúc mới có chỗ vì khá đông khách. Tôi gọi một xuất thịt vịt rưới xốt chua ngọt. Xuất ăn ở Mỹ thường rất lớn, bằng xuất cho 4 người ăn ở Nhật. Vì thế nhiều khi hai người chỉ gọi một xuất rồi chia nhau. Ăn xong lại còn gói đem về. Tôi có một mình nên ngồi cố chén hết. Đồ ăn của Thái cũng rất ngon. Thịt vịt quay ròn nhưng lại mềm. Độ chua mặn vừa phải. Độ ngọt chỉ điểm xuyết, không phá ngang khẩu vị. Các lá rau xà lách to và mềm xanh rờn lót bên dưới. Đồ ăn thường kèm theo cơm, mùi bốc ngào ngạt thơm lừng.

 

2. Giải thưởng Glenn T. Seaborg năm 2005

Năm nay giải thưởng mang tên Glenn T. Seaborg [2] về hoá hạt nhân của hội hóa học Mỹ được trao cho Luciano G. Moretto (65 tuổi) – giáo sư hóa học người Mỹ gốc Ý tại ĐHTH CaliforniaBerkeley. Ông đồng thời là nhà vật lý tại viện nghiên cứu Lawrence Berkeley (LBL). Năm 2002 nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ ra bằng chứng rằng hạt nhân nguyên tử có thể chuyển pha từ trạng thái lỏng sang khí tương tự như nước nóng thì bốc hơi vậy. Nhân dịp GS Moretto nhận giải thưởng, một hội thảo về gCơ học thống kê và nhiệt động học của hạt nhân và phản ứng hạt nhânh được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 3 năm 2005. Hội thảo nằm trong chương trình hội nghị lần thứ 229 của hội hóa học Mỹ tổ chức tại San Diego. Hội nghị với 18 ngàn đại biểu tham dự diễn ra tại Trung tâm đại hội (Convention Center) San Diego. - một toà nhà 3 tầng khổng lồ, trông giống như một con tàu úp sấp, nằm trên bờ Thái Bình Dương. Toà nhà có 7 đại sảnh làm triển lãm với sức chứa tổng cộng ngót 50 ngàn người trên tổng diện tích hơn 160 ngàn mét vuông và gần 100 phòng họp với diện tích từ 900 đến 4 ngàn mét vuông mỗi phòng. Hội thảo mừng GS Moretto thuộc phân ban Hóa học hạt nhân và công nghệ - một trong 30 phân ban tại hội nghị.

 

                                    

 

GS Luciano G. Moretto (trái) và Aristotle trong bức gViện hàn lâm Athensh của Rafael (phải)

 

Ngoài sự nghiệp vật lý-hóa học, nhờ thông thạo tiếng Latin và Hy Lạp, GS Moretto còn có tiếng là một ngưòi am hiểu văn chương cổ điển. Nét mặt với mái tóc và bộ râu khiến ông hao hao giống Aritotle [3], tới mức mà tại hội thảo này, GS W. Bauer từ  ĐHTH bang Michigan đã chiếu cho chúng tôi xem bức bích họa gViện hàn lâm Athensh của Raphael trong đó ông đã thay chân dung của Aristotle bằng chân dung GS Moretto! Lúc tranh luận hay thuyết trình, GS Moretto thích trích dẫn triết học và văn chương. Một nhà vật lý từ viện nghiên cứu Brookhaven, sau bài thuyết trình của mình về chuyển pha trong các phản ứng do máy gia tốc ion nặng năng lượng cao (RHIC), đã bị GS Moretto chỉ trích là đã có nhiều khẳng định gầm ĩ và giận dữh[4].

 

Tôi đã được gặp GS Moretto lần đầu tiên cách đây đúng 11 năm, khi ông đến Hà Nội dự hội nghị  gTriển vọng vật lý hạt nhân cuối thập niên 90h năm 1994. Hai mươi năm trước, khi còn làm nghiên cứu sinh tại viện Dubna (Liên Xô cũ), tôi đã được biết đến các công trình nghiên cứu của GS Moretto về thăng giáng nhiệt động học trong hạt nhân. Gần đây GS Akito Arima và tôi đã đề xuất một lý thuyết vi mô cho vấn đề này, nhờ đó chúng tôi đã mô tả được độ rộng của cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực trong hạt nhân nóng, kể cả ở nhiệt độ thấp (dưới một triệu electron-volt), phù hợp với các kết quả thực nghiệm mới nhất, điều mà các lý thuyết hiện hành đều chưa làm được. Tôi kết thúc bài thuyết trình 30 phút của mình như sau: gTôi vừa cho các quý vị thấy rằng mặc dù cộng hưởng khổng lồ là một vấn đề đã có hơn 70 năm tuổi nhưng vẫn tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên. Cuộc đời không chỉ đầy những điều gầm ĩ và giận dữh mà còn mang cho ta rất nhiều ngạc nhiên. Nhiệm vụ của chúng ta, các nhà vật lý, là phải tìm xem liệu các ngạc nhiên đó gcó nghĩa lýh gì.h Để minh họa cho điều này tôi chiếu bức tranh gNgưỡng cửah [5] của tôi lên màn ảnh. Sau đó tôi tặng GS Moretto cuốn vựng tập 28 bức tranh sơn dầu của mình [6], có bức gNgưỡng cửah in trên bìa, để ghi nhớ cuộc hội thảo đầy ý nghĩa này. GS Moretto cảm động cám ơn và nói: gTôi thật không còn biết nói gì nữa!h Sau đó đến phần hỏi đáp, và chúng tôi thảo luận sôi nổi về một số vấn đề nêu ra trong bài@thuyết trình của tôi. 

 

Đến giờ nghỉ, GS Moretto hỏi tôi:

- Anh là người châu Á, nhưng sao tranh của anh lại thấm đượm nền văn hóa phương Tây nhuần nhuyễn đến kỳ lạ vậy?

        - Có lẽ do tôi may mắn đã được cha mẹ dạy cho từ khi còn rất bé. – Tôi trả lời.

- Tôi ghen tị với anh! – người vừa đoạt giải Glenn T. Seaborg nói và mỉm cười hóm hỉnh.

 

 

I I . COLLEGE STATION

3. Chớ đi ngày 7

            Nhận lời mời của GS Shalom Shlomo tại ĐHTH Texas A&M (College Station, bang Texas), sáu giờ sáng ngày 16 tháng 3 nhằm ngày 7 tháng 2 năm Ất Dậu, từ hotel tôi đáp taxi ra phi trường San Diego Lindberg để bay đi College Station. Hôm đó tôi đã có dịp kiểm nghiệm gđi ngày 7h tệ hại như thế nào.

 

        Tới phi trường, check-in xong, tôi xếp hàng để qua cửa kiểm tra an ninh. Lạ kỳ thay hàng dài rồng rắn và đứng yên, không nhúc nhích. Một lát sau có tiếng loa thông báo rằng tạm thời tất cả các terminals đều ngừng hoạt động. Người ta không nói lý do. Nắng đã lên chiếu thẳng vào gáy. Hàng đã dài đến mức hành khách phải đứng cả xuống tầng dưới. Một nữ nhân viên sân bay da đen xuất hiện nói oang oang:

-    Hiện nay tất cả các chuyến bay đều tạm dừng. Không ai có thể bay đi đâu hết, vì thế các vị không có gì để mất (!) Các vị hãy chuẩn bị sẵn sàng vé lên máy bay và căn cước. Khi nào chúng ta rục rịch chuyển động tôi xin hứa là chúng ta sẽ chuyển động rất nhanh! Lúc đó xin đừng có nói với tôi: gVé của tôi đi đằng nào mất rồi!h Tôi không đưa các vị gđi đằng nàoh (Nguyên văn: I wonft take you  nowhere). Tôi đưa các vị đi có nơi có chốn rõ ràng (Nguyên văn: I will take you  somewhere)!h

 

Tôi thấy phục sự nhẫn nại của người Mỹ. Họ đứng yên chứ không ai tỏ ý kêu ca, phàn nàn gì hết. Tôi nhớ cách đây nhiều năm, dưới thời Liên Xô cũ, có lần tôi dẫn một vị khách, mới từ Pháp sang, ra trung tâm điện thoại tại Maxcơva ở phố Gorky để ông này gọi điện về Paris. Chúng tôi phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ người ta mới nối được với Paris. Ông này thốt lên: gSao người Nga kiên nhẫn vậy! Nếu chuyện này xảy ra ở Paris thì tụi Pháp nó đã đốt cái tổng đài này từ lâu rồi!h Té ra bây giờ tôi thấy người Mỹ cũng kiên nhẫn không kém người Nga. Chỉ có 2 cách lý giải. Một là những trục trặc ở sân bay như thế này xảy ra ở đây như cơm bữa khiến người ta đã quen với nó rồi. Hai là người ta không còn cách lựa chọn nào khác. Thế mới biết không phải chỉ riêng XHCN mới là gxếp hàng cả ngàyh. Đúng là gđi một bước đàngcxếp hàng cả tiếngh . Thật ra nóinhư vậy kể cũng hơi oan cho nước Mỹ, vì chỉ sau hơn cnửa tiếng thôi tôi đã nghe phía đầu hàng có tiếng vali ầm ầm để lên bàn kiểm tra. Hàng bắt đầu rục rịch chuyển động, nhưng không hề nhanh như nữ nhân viên vừa rồi đã hứa.

 

Đúng là gchậm một giờ thì cphải chờ hàng tiếngh. Sau 2 giờ bay tôi đến Dallas – phi trường transit đi College Station. Tôi chạy rất nhanh đến cửa lên chuyến bay tiếp theo đi College Station chỉ để nghe nữ nhân viên ở đó nói: gMáy bay vừa cất cánh. Tôi sẽ xếp ông bay chuyến tiếp theoh, tức là 2 tiếng đồng hồ sau. Có nhiều người ngồi chờ trước các cửa lên máy bay trong một gian phòng rộng mênh mông. Họ khá trật tự, không hề tỏ ra cáu bẳn. Nhiều người cười nói. Bao nhiêu người trong số họ đã lỡ máy bay như tôi? Hay chỉ có mình tôi là người glỡ tàuh? Theo thói quen, tôi tìm điểm nối internet để định thông báo cho ĐHTH Texas A&M là tôi đến trễ. Chớ trêu thay điểm nối internet ở đây thực đúng chỉ là gđiểmh, không hề có computer gắn sẵn, lại không thể bỏ xu mà phải dùng thẻ tín dụng. Thế là dẹp tiệm internet. Tôi phải đi đổi tiền giấy ra xu để gọi điện. Gọi điện xong, tôi buộc phải vào một quán fastfood để kiếm cái gì đó ăn tạm cho đỡ đói. Cả ba món mà người Mỹ từ trẻ con đến người lớn hay ăn là McDonald, hot-dog, và hamburger tôi đều không nuốt nổi. Tôi đành chọn một thứ từa tựa như bánh tráng nhân thịt gà kèm rau xà-lách. Ăn vào rồi mới biết là người Mỹ quả là sành điệu. Món tôi chọn còn kinh khủng hơn 3 món vừa kể trên. Mà có rẻ gì cho cam: một cái gbánhh như vậy kèm một chai nước cam hết toi 10 đô!

 

Giờ lên máy bay đã đến mà vẫn không động tĩnh gì. Thấy đội bay mở cửa ra để lên máy bay, tôi đã mừng, bụng bảo dạ: gChắc họ sắp cho lênh. Một lúc thấy đội bay đi trở vào, tôi hết mọi hy vọng. Giờ lên máy bay bị lùi đi vài lần. Cuối cùng chuyến bay bị hủy hẳn. Người ta chuyển tất cả các hành khách chờ đi chuyến đó sang chuyến gần 5 giờ chiều. Lại tiếp tục chờ đợi. Thấy tôi lắc đầu ngao ngán, một bà già Mỹ bật cười. Tôi nói với bà ta:

-    Trong 5 lần đi Mỹ của tôi thì có tới 4 lần tôi bị chậm máy bay.

Bà ta nói rằng có thể tôi là người không may. Một lát sau có một cô nhân viên hàng không da đen xuất hiện. Bà già nói lại cho cô ta điều than phiền của tôi. Câu trả lời của cô này làm tôi hơi bị gsốch:

-    Trước khi ông đến đây, chúng tôi không hề bị chậm trễ!

Đành rằng có thể cô ta đùa! Nhưng nếu vậy người Mỹ quả là những người thích đùa! Một cô nhân viên người Nhật ở Tokyo trong tình huống như vậy chắc chắn sẽ chắp tay cúi xuống xin lỗi với vẻ mặt thành khẩn. Mất tới 2 giây tôi không phát ra được âm thanh nào. Thế rồi tôi cũng cười và nói với cô ấy như sau:

-    Có lẽ cô nói đúng. Tôi đã mang đến cho các vị sự chậm trễ từ một nước mà hầu như không bao giờ tôi gặp những sự chậm trễ tương tự.

Nói cho công bằng thì trong chuyến đi vừa rồi tôi chỉ gặp có 2 – 3 người gthiếu nhã nhặnh như vậy. Còn nói chung tôi thấy người Mỹ, đặc biệt là những người trông có vẻ có học,  đều tỏ ra cởi mở, lịch sự, kể cả đối với những người họ không quen. Nếu bạn lạc đường, họ thường tận tình chỉ giúp, tuy không phải lúc nào họ cũng chỉ đúng đường. Ở trong hotel, gặp nhau ở hành lang, ở chỗ ăn sáng họ đều chào hỏi, hỏi thăm. Hình ảnh của những con người này hoàn toàn không ăn nhập gì với cảnh những tên lính Mỹ bắn giết, đốt nhà, ném bom, hãm hiếp phụ nữ, tra tấn, chặt đầu tù binh, v.v. trong các cuộc chiến tranh mà điển hình là cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi mới càng thấm thía tác phẩm của Sigmund Freud gTâm lý đám đông và phân tích cái tôih [7], trong có đoạn nói rằng gkhi tham gia vào đám đông có tổ chức mỗi cá nhân đã tụt xuống một vài nấc thang của nền văn minh (c) Đám đông chỉ bị phấn khích bởi những kích động phóng đại. Do đó kẻ muốn có ảnh hưởng với đám đông chẳng cần lý lẽ đúng, hắn chỉ tạo ra những bức tranh thật rực rỡ, phóng đại và lặp đi lặp lại một chuyện là đủ.h Những quan sát sắc xảo này lý giải vì sao những con người, khi hành động riêng rẽ, có thể tỏ ra rất hòa bình, hữu nghị, mến khách, nhưng lại có thể dễ dàng bị kích động bởi một vài tên độc tài, tội phạm, mị dân, để trở thành một đám những kẻ có thể gây nên những tội ác man rợ nhất mà con người có thể và không thể tưởng tượng nổi. Học trò cũ của tôi ở ĐHTH Texas A&M mà tôi sẽ nói đến bên dướí có kể cho tôi rằng ở gần trường cậu ta có một trại lính. Các cậu lĩnh Mỹ đều trẻ măng. Đêm trước ngày lên đường sang đánh nhau ở Iraq, tất cả đều ôm nhau khóc hu hu và uống rượu say khướt. Còn biết sợ tức còn là con người. Theo Freud thì cốt lõi của lương tâm chính là nỗi sợ hãi do xã hội ấn định. Nhưng cũng vì sợ hãi mà đám đông có thể trở nên hung hãn, dễ gây tội ác.

 

 

Động cơ máy bay của hãng American Eagle

 

Sáu giờ chiều chú gchim ưng Mỹh [8] mới phành phạch hạ cánh xuống phi trường College Station.  Hành trình từ San Diego đến College Station trong cái ngày 7 đen đủi đó đã xơi của tôi 12 tiếng đồng hồ (thay vì 3 tiếng), bằng thời gian bay từ Tokyo sang Hoa Kỳ!

 

4. Gặp lại học trò cũ

Lái xe hơi ra đón tôi ở phi trường College Station là Vương Kim Âu. Âu từng là một trong 4 học sinh Việt Nam đoạt giải thưởng mang tên GS vật lý người Nhật Tamaki trong niên khóa 1997 – 1998 [9]. Lần đó tôi được GS Tamaki ủy nhiệm mang giải thưởng về Hà Nội trao tận tay cho các em. Lễ trao giải được tổ chức long trọng tại trường ĐHTH Hà Nội. Sau buổi trao giải thưởng tôi đã phỏng vấn tuyển sinh viên đưa sang viện Vật lý – Hóa học Nhật Bản (RIKEN) để hướng dẫn nghiên cứu về lý thuyết hạt nhân. Trước đó tôi cũng đã vài lần phỏng vấn sinh viên ở Hà Nội, nhưng chỉ có Âu là người duy nhất trả lời được tất cả 5 câu hỏi của tôi.

 

Âu ra đời 2 tuần trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong một gia đình mà người cha dạy tại Đại học văn khoa Huế còn mẹ là cô giáo tiểu học. Sau ngày 30 tháng Tư, ba của Âu cũng như nhiều người khác trong xóm phải tập trung đi lao động trồng cây cối và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Đời sống khó khăn khiến mẹ Âu phải bỏ nghề dạy học, quay ra buôn bán kiếm sống nuôi gia đình với 4 con mà Âu là út. Ngày ra Hà Nội nhận giải Tamaki, Âu gọi xe ôm chở đến ĐHTH Hà Nội. Gã xe ôm thấy Âu bé nhỏ ngơ ngác, có vẻ gthấp cổ bé họngh như gnhà quê ra tỉnhh, bèn giở trò bắt nạt, khi đến nơi đòi tiền cao hơn giá đã thỏa thuận. Âu không chịu. Gã đấm Âu vào mặt. Âu lượm hòn gạch vỡ ném thẳng vào đầu gã. Gã tránh được và đuổi theo. Âu chạy tuốt vào trường trốn. Sau lễ trao giải thưởng và trả lời phỏng vấn, Âu phải ngồi lại trong trường tới tối mịt mới dám ra về vì sợ gã xe ôm còn rình trước cổng. Sau này, kể cho tôi câu chuyện trên, Âu nói: gNgày đó nếu em không gặp thầy em đã bỏ hẳn vật lý rồih.

 

Trong thời gian làm việc với tôi tại RIKEN vào năm 2000 Âu chịu khó học tập nghiên cứu. Ở viện từ các cô thư ký, nhân viên thư viện trở đi, mọi người đều quý mến cậu. Sau một năm Âu đã có tên trong 2 bài báo đăng chung với tôi và GS Arima tại 2 tạp chí danh tiếng của Mỹ là Physical Review Letters và Physical Review C [10]. Mùa hè năm đó GS Shalom Shlomo từ ĐHTH Texas A&M sang thăm RIKEN. Tôi đã giới thiệu Âu với ông ta. Một thời gian sau khi GS Shlomo trở về Hoa Kỳ, ĐHTH Texas A&M đã gửi giấy mời đồng ý cấp học bổng cho Âu sang làm luận án tiến sỹ dưới sự hướng dẫn của GS Shlomo. Ngày Âu lên đường sang Hoa Kỳ, tôi đang dự hội thảo ở Ấn Độ. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được tin của Âu. Đặc biệt là ngày 20 tháng 11 nào Âu cũng chúc mừng tôi nhân ngày quốc tế nhà giáo!

 

Gặp tôi lần này, Âu nói:

               - Thày ơi, em thấy nghiên cứu khoa học khó quá thầy hỉ!

               - Có ai bảo là dễ đâu! Vì thế nên phải cố gắng không ngừng. – Tôi trả lời.

Việc học tập và nghiên cứu của Âu ở Mỹ có kết quả tốt. Cùng với GS Shlomo và một nhà khoa học Ấn Độ cậu đã đăng thêm 2 bài báo nữa tại Physical Review C. Bây giờ Âu bắt đầu xúc tiến viết luận án tiến sỹ.

    Bốn năm trôi qua, từ một thanh niên nhiều bỡ ngỡ trong cuộc sống cũng như trong khoa học, Âu đã trở thành một con người tự lập. Lái xe trên xa lộ đưa tôi đi chơi, Âu kể cho tôi những gì cậu trải nghiệm trên đất Mỹ. Té ra cậu cũng có một số bà con ở gần đây. Họ đều là những thuyền nhân vượt biên sang đây sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Một người anh họ của Âu khi sang Mỹ chỉ là một thợ sửa móng tay móng chân cho các quý bà quý cô để kiếm sống. Nay anh ta đã là chủ của vài tiệm gnailh (sửa móng chân móng tay) tại Dallas. Anh dồn tâm huyết cho việc ăn học của 2 cô con gái. Anh nói với các con: gCác con phải học cho giỏi để sau này khỏi làm cái nghề suốt đời đi ngửi chân người tah.

 

 

GS Shalom Shlomo (trái) và Vương Kim Âu (phải)

 

Chiều 17 tháng 3 tôi thuyết trình về gSự bảo toàn số hạt trong tái chuẩn hóa gần đúng pha ngẫu nhiên" tại viện máy gia tốc ĐHTH Texas A&M. Không may cho tôi (lại không may nữa) hôm sau toàn đại học sẽ nghỉ học kỳ. Vì thế một số người đã gvắng mặt sớmh. Tuy nhiên hầu hết những người tới làm việc hôm đó đã  dự buổi thuyết trình. Nó diễn ra cũng tương tự như hàng chục buổi thuyết trình khác của tôi trước đây tại nhiều nơi,  tức là có nói, có nghe, có hỏi, và có trả lời. Kết quả quan trọng của buổi thuyết trình và chuyến viếng thăm lần này là khả năng áp dụng ý tưởng tôi đề cập đến trong bài thuyết trình để cải tiến lý thuyết mà GS Shlomo và cộng sự đã công bố trước đây. Đó là hướng tôi đã thảo luận với GS Shlomo và dự định sẽ hợp tác trong năm nay.

 

Buổi tối hôm đó tôi có một buổi thuyết trình nữa tại viện: về hội họa. Tôi đã vài lần nói chuyện về tranh của mình tại ĐHTH Đức Bà (bang Idiana), ĐHTH bang Michigan, ĐHTH Texas tại Dallas (bang Texas). Những buổi nói chuyện như vậy là dịp gặp gỡ giữa họa sỹ và người xem. Tuy không được xem tranh thật, người xem cũng hình dung được một phần các bức tranh của tôi qua các phiên bản tôi chụp lại bằng máy ảnh kỹ thuật số với độ phân giải khá cao sau đó copy vào máy tính và chiếu lên màn ảnh. Âu và 2 thực tập sinh sau tiến sỹ giúp tôi chỉnh lại cái máy chiếu cho đúng màu, độ đậm nhạt và độ rõ.

-    Đúng là nhờ có thầy đến đây nên mới có dịp chỉnh lại màu sắc của cái máy chiếu này chứ trước kia không thấy có ai kêu ca về nó hết! – Âu nói.

 

5.  HoustonAustin

Tối hôm tôi vừa đến College Station, GS Shlomo và Âu đến hotel rủ tôi đi ăn tối. GS Shlomo hỏi tôi thích ăn kiểu gì tôi nói ngay:

-    Hãy cho tôi đến ăn tại một tiệm ăn Việt Nam.

Chúng tôi đến một quán phở trong thành phố. Chủ quán và mấy người phục vụ là người Việt. Tôi gọi một bát tái-gầu-nạm, và nói thêm là lấy tô bé vì đã biết là xuất của Mỹ thường khá to. Ăn thấy cũng được, hơn phở Việt NamTokyo, nhưng không bằng những lần tôi ăn ở DallasSan Francisco vài năm về trước. Nước dùng vẫn còn mùi viên vị phở. Âu nói:

-    Ngày mai là ngày nghỉ ở đây. Em sẽ chở thày đi Houston. Ở đó cộng đồng người Việt đông, có chợ Việt Nam. Phở ở đó ngon hơn.

 

Hôm sau, sau khi dẫn tôi đi thăm thư viện George Bush trong khu đại học, Âu lái xe đưa tôi đi Houston. Đi từ 10 giờ sáng, chạy 120 km/giờ trên xa lộ, đến tầm 12 giờ trưa thì tới khu chợ của người Việt, nằm bên đường lớn, chơ như giữa sa mạc. Tên chợ là Hongkong. Âu giải thích khu vực quanh chợ này vốn là khu buôn bán của người Tàu. Sau khi dân tị nạn Việt Nam tới đông, dần dần người Tàu rút ra làm khu riêng ở cạnh đó. Một số người nói rằng người Việt đã gđánh bậth người Tàu ra ! Bên trong chợ khá to, giống như một trong các shopping mall nhan nhản trên đất Mỹ, tức là có một gian lớn cho người đi lại ở giữa và các gian bán hàng, cửa hiệu ở hai bên. Đối diện cửa chính là một gian rất rộng và cao bán thực phẩm. Mùi tanh của tôm cá bốc lên nồng nặc như ở chợ Đồng Xuân vậy. Thực phẩm Việt Nam bán ở đây thật phong phú: từ các loại rau, quả, kể cả sầu riêng, đến các loại mắm, có cả tôm chua dầm cà pháo, các loại lạp xường v.v. Màu sắc xanh đỏ trông rất đẹp mắt. Có những món sản xuất tại Việt Nam. Rất nhiều cá tươi to, tôm, cua bể, thịt thà, chân giò, v.v. Không xa chợ thực phẩm là các tiệm nail, tiệm thẩm mỹ, các hiệu bán quần áo với nhiều kiểu áo dài Việt Nam giá hơn 126 đô một chiếc. Rồi đến các hiệu bán sách, CD, DVD, băng video của các ca sỹ Việt Nam ở đây như gThúy Nga Paris by Nighth, DVD của trung tâm Asia, các CD, DVD, video của các ca sỹ sáng giá từ Minh Tuyết tới Trish Thùy Trang. Cũng thấy cả Mỹ Linh, Thu Phương, Bằng Kiều thấp thoáng trên các bìa vỏ đĩa. Chúng tôi đến vào đúng giờ ăn trưa. Mấy người bán hàng trong tiệm đĩa nhạc thản nhiên ăn phở hay mì ngay đằng sau quầy: Người Việt Nam dù có đi bốn phương trời vẫn không quên ggiữ gìn bản sắch.

 

 

Quán phở chợ Hongkong (Houston)

 

Cuối cùng phải kể tới tiệm ăn. Âu dẫn tôi vào quán phở nổi tiếng ở Houston – gPhở Danh 2h. Quán to, sáng sủa, sạch sẽ. Thực đơn có đến hai chục loại phở khác nhau. Mấy cô phục vụ người Việt mặc đồng phục, tươi cười niềm nở và lễ phép. Người ăn đông, hầu hết là người Việt Nam. Tiếng Việt râm ran xung quanh. Nếu không nhìn ra ngoài đường thì có cảm giác như mình không phải đang ở trên đất Mỹ. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua, vì bát phở của tôi to dễ gấp đôi bát phở ở Hà Nội. Thịt bò Texas có tiếng là ngon. Nước dùng ngọt, không có mùi của viên vị phở. Rau thơm, mùi, đậu giá, chanh, dấm, ớt đủ cả. Giá một bát phở khoảng hơn 5 đô tức   rẻ hơn phở Việt NamTokyo. Ăn phở xong, tôi gọi một li chè quả còn Âu chén một li chè Đà Lạt. Chè quả thật ngon, có cả cùi dừa non, sầu riêng, dứa, v.v.

 

Từ Houston Âu đưa tôi đi Austin - thủ phủ của bang Texas. Xa lộ cao tốc có nhiều làn xe chạy. Chỉ cần đi không đúng làn là có thể chạy tuốt sang hướng khác. Chỉ cần rẽ nhầm chỗ ra là mất khá thời gian để quay lại đường cũ vì không thể dừng xe trên xa lộ để nhìn ngược ngó xuôi như ở ta. Vì mới chỉ đi Austin trước đó một lần, Âu cũng không nhớ đường. Khi đến gần khu trung tâm, cậu cũng rẽ nhầm vài chỗ,  nhưng rồi lại tìm được lối quay lại xa lộ khá nhanh.

-    Ở đây họ có rất nhiều lối ra cho mình lựa chọn. Mình phải biết chính xác lối ra của mình. Tuy nhiên nếu mình chót rẽ nhầm đường, thì họ cũng cho mình khả năng quay lại! – Âu ggiảng giảih cho tôi như vậy.

 

 

Năm giờ rưỡi chiều chúng tôi đến điện Capitol - nghị viện của bang Texas. Đó là một tòa nhà khổng lồ nằm trong một công viên, trông na ná như điện Capitol ở thủ đô Washington, nhưng không vĩ đại bằng. Bên trong có thượng viện và hạ viện của bang. Những lúc nghị viện không họp, khách được tự do vào xem các phòng họp hội nghị, phòng họp báo, v.v. Ở chính giữa sàn của tầng hầm dưới cùng và trên trần của đỉnh vòm cao nhất của toà nhà có hình ngôi sao năm cánh của bang Texas.

Khi chúng tôi xem xong thì trời đã bắt đầu tối. Ở lối ra của công viên chúng tôi hỏi đường một nữ cảnh sát da đen. Cô ta vui vẻ chỉ dẫn, lại còn đứng cạnh cho chúng tôi chụp hình, và chúc chúng tôi đi an toàn.

Chín giờ rưỡi tối chúng tôi mới về đến College Station. May mắn thay một hiệu ăn buffet Trung Hoa vẫn còn mở cửa. Tại đây chỉ cần trả 5 đô gđồng hạngh là có thể chọn gì tùy ý và ăn bao nhiêu cũng được. Có những hiệu ăn kiểu buffet như vậy với hàng chục, có khi tới cả trăm món ăn khác nhaucTrông người Mỹ ăn nhiều mà phát sợ luôn. Phát phì do ăn uống quá nhiều (obesity) là một trong những vấn đề xã hội mà tôi thấy TV Mỹ đề cập tới.

 

 

I I I. SEE YOU AGAIN

 

Sáng thứ Bảy  tôi rời College Station để bay về Tokyo. GS Shlomo là ngưòi theo đạo Do Thái nên không lái xe vào ngày lễ Sabbath. Âu tiễn tôi ra phi trường. Trong lúc chờ máy bay, tôi hỏi Âu đã có kế hoạch gì tiếp theo sau khi bảo vệ tiến sỹ. Âu nói cậu không nghĩ quá xa như vậy, mà chỉ tập trung giải quyết những việc trước mắt cho xong. Câu trả lời của Âu khiến tôi nhớ đến đoạn tôi vừa đọc lại từ Kinh Tân ước tại hotel tối hôm trước: gĐừng có lo lắng tới ngày mai; ngày mai sẽ có các rắc rối của ngày mai. Ngày nào cũng đã có đủ các khó khăn của ngày đó.h[11] (Mỗi phòng ngủ trong bất cứ hotel nào của Mỹ cũng có một cuốn Kinh Thánh).

 

Tôi sẽ còn quay lại Hoa Kỳ, có lẽ vào cuối năm nay. Nhưng đó là việc của ngày mai. Còn bây giờ tôi cầu Chúa phù hộ cho chuyến bay của tôi về Tokyo không bị chậm trễ.

 

                See you again very soon, America!

 

 

Tác giả và nữ cảnh sát giao thông thành phố Austin

(bang Texas)

Nguyễn Đình Đăng

31/3/2005

________________

 

Trích dẫn:

1. Xem bài gĐi Tâyh (phần 3) của N. Đ. Đ tại gNgười Viễn Xứh (8/2/2005).

2. Glenn T. Seaborg (1912 – 1999) – nhà vật lý - hoá học hạt nhân Mỹ, một trong những người đầu tiên tạo ra các nguyên tố nặng hơn Uran. Ông đoạt giải Nobel về hóa học năm 1951 cùng với Edwin McMillan.

3. Aristotle (384 – 322 trước CN) – triết gia Hy Lạp cổ đại, cùng với Plato, được coi là một trong hai triết gia có ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy phương Tây. Ông đã viết nhiều tác phẩm về vật lý, thi ca, sinh vật học, động vật học, và nhà nước. Trong bức bích họa gViện hàn lâm Athensh, đại danh họa Rafael đã vẽ Plato (trái) và Aristotle (phải) ở trung tâm bức tranh.

4. Mượn lời từ vở kịch Macbeth của W. Shakespeare:

 gCuộc đời chẳng qua chỉ là một cái bóng  đi đi lại lại, một diễn viên đáng thương

Huênh hoang và run sợ trên sân khấu

Rồi sau đó không còn nghe thấy gì nữa: Đó là một câu chuyện

Được kể bởi một thằng điên, ồn ào và giận dữ,

Không có nghĩa lý gì hết.h

Nguyên văn:

 gLife's but a walking shadow, a poor player
That struts and frets his hour upon the stage
And then is heard no more: it is a tale
Told by an idiot, full of sound and fury,
Signifying nothing.h

5. Nguyễn Đình Đăng, gNgưỡng cửah, sơn dầu 130 x 162 cm, 2003 (Xem tại: http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/threshold.html)

6. Nguyen Dinh Dang, The joy of imagination (Onoue Printing Co. Ltd., 2003), 60 pages.

7. S. Freud, Group Psychology and  the Analysis of the Ego (1921).

8. American Eagle (Chim ưng Mỹ) – tên hãng hàng không dùng máy bay cánh quạt bay khoảng cánh ngắn tại Hoa Kỳ.

9. GS H. Tamaki (sinh năm 1909) đã tự bỏ tiền mình đặt ra giải thưởng này để tặng cho các học sinh tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành vật lý hàng năm tại 5 trường đại học lớn nhất Việt Nam. Ông còn định thành lập một quỹ hộ trợ nghiên cứu khoa học cho Việt Nam bằng tiền của mình. Tiếc rằng vì một số trở ngại hành chính phía Nhật Bản kế hoạch của ông cuối cùng đã không thực hiện được, trừ đợt trao giải thưởng đầu tiên.

10. N. Dinh Dang, V. Kim Au, and A. Arima, Phys. Rev. Lett. 85 (2000) 1827,

    N. Dinh Dang, V. Kim Au, T. Suzuki, and A. Arima, Phys. Rev. C 63 (2001) 044302.

11. Kinh Tân Ước: Matthew 6: 34