© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
17.2.2004
Nhỏ Thanh
Đôi điều phân vân của bố cu Tý
Đến học kỳ hai của lớp một, Tý đã có thể đọc trôi chảy những đoạn văn ngăn ngắn trong sách tập đọc hoặc trong những quyển truyện tranh thỉnh thoảng bố mẹ mua về. Tý thích viết, thích đọc, và nói chung... chăm học. Tý lại ngoan và tốt bụng nữa, các bạn ai cũng mến Tý, cô giáo yêu Tý, còn bố mẹ thì khỏi phải nói rồi, cả bố và mẹ đều hết sức tin tưởng và tự hào về Tý. Tương lai của Tý rạng rỡ. Việc học hành của Tý rất có kết quả. Lớp một chủ yếu học có hai môn đọc và viết thì cả hai môn ấy Tý đều học tốt cả. Về viết, sắp tới ở trường sẽ có cuộc thi vở sạch chữ đẹp, cô giáo bảo nếu Tý cứ giữ gìn sách vở sạch sẽ và viết chữ nắn nót như hiện nay thì kiểu gì cô cũng chọn sách vở của Tý để dự thi. Còn về đọc, căn cứ vào những buổi tập đọc trên lớp, cô cũng bảo sẽ chọn Tý vào đội tuyển đọc diễn cảm của lớp.

Ai cũng bảo Tý là một đứa con ngoan. Tý rất biết nghe lời bố mẹ. Vậy nên, mặc dù đang tuổi mải ăn mải chơi, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, ở trường về, Tý chỉ chơi có một tẹo tèo teo cho đỡ thèm rồi lại ngồi vào bàn học ngay. Tý ngoan đến mức, cả những ngày thứ bảy, chủ nhật, cả những ngày lễ... đáng lẽ được nghỉ học mà Tý vẫn cứ học. Tý ý thức được việc học của Tý là để ấm vào thân Tý, và cũng là để vui lòng bố mẹ và thầy giáo, cô giáo của Tý nữa.

Hôm ấy, một thứ bảy nữa lại đến. Buổi sáng, sau khi đã cố ăn hết một cái bánh mỳ sữa và uống hết một cốc sữa nóng to đùng, Tý nghĩ ngay đến việc mang sách vở ra học. Theo chương trình đã thống nhất với bố thì tối nay Tý sẽ đọc thử cho bố nghe một bài xem diễn cảm như thế nào. Tuy rất yêu Tý, cũng rất dễ tính, nhưng riêng về việc học hành của Tý thì bố Tý lại tỏ ra rất nghiêm khắc. Chưa bao giờ Tý thấy bố tỏ ra thật sự hài lòng với việc học tập của mình. Những bài tập viết, tập đọc, cô giáo phóng tay cho Tý những điểm chín, điểm mười hẳn hoi mà Bố Tý chỉ nói là tạm được, phải cố gắng nữa. Tý chán mấy cái chữ tạm, chữ cố ấy của bố lắm. Hôm nay, nhiều thời gian, Tý sẽ cố gắng đọc đi đọc lại cho thật trôi chảy, để đến lúc phải đọc cho bố, bố không thể nói tạm, nói cố được nữa thì thôi.

Tý cầm quyển Tập Đọc, mở bài 28 và đọc to lên hết lần này đến lần khác:

Ông Ké

Một buổi chiều hè, trời nắng to, ông Ké nhờ mấy người khiêng chiếc loỏng ra suối. Ông cọ sạch rồi múc nước đổ đầy vào. Một lát sau, ông Ké dắt theo một đàn cháu nhỏ. Tự tay ông múc nước tắm cho từng cháu.

Ông Ké đó là Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.

Tý là con một của bố Tý. Vì Tý hiền, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, học hành chăm chỉ và sự chăm chỉ ấy lại có kết quả nên bố Tý lại càng yêu Tý lắm. Như những ông bố khác, đi đến đâu, có điều kiện là bố Tý lại mang chuyện học tập của Tý ra khoe. Hôm thứ bảy ấy, khi Tý đã ăn bánh mỳ và uống sữa xong, để ý thấy Tý đã lôi sách vở ra cắm cúi học, bố Tý mới yên tâm sang nhà bác láng giềng ngồi uống nước chè và nói chuyện phiếm cho hết thì giờ. Cũng như mọi khi, lúc những chuyện trên giời dưới bể đã được hơi nhiều nhiều, một cách rất tự nhiên, bố Tý lại gợi đến chuyện Tý:

- Ở nhà trường bây giờ người ta dạy hay lắm! Không như thời bọn ta còn đi học đâu. Bọn nó bây giờ cái gì cũng đãu đá. Sắp tới, thằng Tý nhà tôi lại được cô giáo cử đi thi đọc diễn cảm trên trường đãy.

Bố Tý vừa nói với bác hàng xóm như vậy vừa nghĩ rằng, đọc diễn cảm là ác lắm, rồi xem, ông này lại chẳng há mồm ra vì ngạc nhiên và khâm phục thì chớ kể. Và, chính vì như vậy nên chính bố Tý mới lại ngạc nhiên khi thấy bác hàng xóm chẳng tỏ ra mặn mà lắm với đề tài rất là văn hoá này. Quả vậy, bác ta chỉ hơi nhún vai:

- Ôi giời! Diễn cảm à... Tôi thấy nhiều đứa đưa cho cái gì cũng thao thao bất tuyệt, đọc như con vẹt mà chẳng hiểu cái quái gì!

Nghe xong câu nói ngắn ngủi ấy của bác hàng xóm, tự nhiên bố Tý cứ như ngồi phải lửa. Bố Tý nghĩ, về phần đọc thì thằng Tý nhà mình có thể cũng coi như là được. Cho đi thi đọc diễn cảm, có khi cũng được giải gì thật đãy... Nhưng về cái sự hiểu, sự cảm thì thật đến bây giờ mình cũng chẳng biết là nó có hiểu, có cảm được cái gì mà nó đã đọc không. Nguy quá! Nguy quá! Phải về nhà ngay, phải hỏi thử thằng này mấy câu xem nó đối phó thế nào.

Thường thì một cữ trà của bố cu Tý với bác hàng xóm có ít cũng phải mất một hai tiếng đồng hồ. Thời gian gần đây, chẳng hiểu từ nguồn nào mà cả bố Tý và bác hàng xóm đều biết và tin rằng nước rất cần cho cơ thể con người ta, nước chè thì tất nhiên là tốt rồi, nhưng thậm chí chỉ có nước lã không thôi mà cũng chữa được khối thứ bệnh. Vậy nên dạo này cả hai cụ đều rất tích cực uống nước. Không gặp nhau đã uống mạnh, gặp nhau lại uống càng mạnh hơn. Có tí chè mà hai cụ làm đến mấy phích nước sôi, uống cho đến khi chè trong ấm phải tập thể dục hết lượt, để nước lần nào rót ra cũng trắng dã như là mắt ma, mà vẫn còn uống. Nhưng hôm nay, lòng dạ bố Tý cứ nóng như là có lửa đốt. Bồn chồn, ngồi chẳng yên mà đứng cũng chẳng yên, nhấp nha nhấp nhổm, đi đi lại lại trong nhà mấy vòng, cuối cùng rồi bố Tý phải nói thật với bác hàng xóm:

- Chẳng hiểu sao tự nhiên tôi lại thấy nóng ruột quá. Thôi, bác cứ ngồi chơi, cứ uống nước nữa đi! Tôi phải đảo ù qua nhà một lát.

Cu Tý vẫn đang đọc bài Ông Ké. Tý đọc say sưa, mải mê đến nỗi bố nó tới đứng bên cạnh từ lúc nào mà nó cũng chẳng biết.

Bố Tý lấy bồi dưỡng thêm cho Tý một cốc sữa nóng nữa, đợi Tý ngoan ngoãn uống một hơi hết sạch rồi mới bảo:

- Con đọc cho bố nghe một lần xem nào!

Cu Tý đọc liền một mạch từ đầu đến cuối, đến hết bài Ông Ké mà vẫn không hề ngắc ngứ, không mảy may vấp váp ở bất cứ chỗ nào. Giá như mọi lần, bố Tý sẽ lại xoa đầu nó: "Tạm được đãy, cố lên!". Nhưng hôm nay, ngoài câu khích lệ ấy, bố Tý còn hỏi thêm: "Thế Tý có hiểu đoạn văn mà Tý vừa đọc ấy nói lên điều gì không?"

Thật may cho Tý. Đã mấy lần được nghe cô giáo giảng về bài này nên Tý trả lời được câu hỏi của bố. Đại thể, nó nói:

- Dạ! Nói lên tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi ạ.

Bố Tý thấy câu trả lời của Tý tuy cũng đúng nhưng có vẻ chung chung quá mới hỏi thêm:

- Ngoài điều ấy ra, Tý còn thấy cái gì nữa không?

Đến lúc này cu Tý mới thấy động não. Nó nhíu mày, nhăn trán suy nghĩ một lúc giống hệt mấy bạn trong chương trình truyền hình Vườn Cổ Tích dành cho thiếu nhi trên VTV 3, rồi nhún vai:

- Không ạ. Tý chẳng thấy thêm điều gì nữa. Bác Hồ rất yêu thiếu nhi, Bác lấy nước suối tắm cho các bạn...

Bố Tý cầm lấy cuốn sách Tập Đọc của Tý, đọc qua bài Ông Ké, xem lướt cái tranh minh họa một lần rồi để xuống mặt bàn trước mặt Tý, hỏi:

- Tý có biết ông Ké trong bài này là ai không?
- Tý biết chứ. Ông Ké trong bài này chính là Bác Hồ.
- Bác Hồ đâu?
- Đây ạ, Tí đáp và lấy ngón tay chỉ vào ông già ở trung tâm bức tranh.

Bố Tý lại chỉ vào cái dụng cụ đựng nước đặt trước mặt ông Ké mà hỏi Tý:

- Bố đố Tý biết cái này là cái gì?
- Cái này là cái loỏng ạ.
- Thế Tý thấy cái loỏng này giống cái gì của nhà mình?
- Tý trông nó giống cái máng lợn của nhà mình.

Vì Tý trả lời đúng với ý bố Tý nên bố Tý cười thầm trong bụng. Quả là hoạ sỹ vẽ cái loỏng rất giống với cái máng lợn. Cũng hình thang, trên to dưới nhỏ như thế, cũng cao, cũng dài, cũng rộng như thế. Chả cha, chẳng biết cha nào viết cái bài này đây. Có một cái loỏng to bằng cái máng lợn mà phải mấy người khiêng, chuyện này có thật hay không hà. Hay đây là lỗi của hoạ sỹ. Cái loỏng thật của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc chắc là phải to hơn cái máng lợn rất nhiều chăng. Có to thế thì mới đủ nước tắm cho ngần này bạn chứ.

Vì chưa biết cụ thể là ông Ké tắm cho bao nhiêu bạn, nên bố Tý lại chỉ vào hình vẽ hỏi tiếp:

- Thế bố đố Tý biết đàn cháu nhỏ mà ông Ké dắt xuống bờ suối có bao nhiêu bạn?

Tý nhìn bức tranh, đếm từng bạn một rồi đáp:

- Không kể một bạn còn quá bé, phải bế, tất cả có tám bạn được ông Ké dẫn xuống bờ suối ạ.

Bố Tý cũng đếm theo Tý và chợt thấy phân vân. Đúng là có bảy bạn nhỏ đang đứng xung quanh vừa xem ông Ké tắm cho bạn thứ tám vừa chờ đến lần mình. Tắm cho tám em bé chỉ bằng số nước chứa trong một cái loỏng, chi tiết này xem ra không được chính xác cho lắm. Trong hai ông, một ông nhà văn và một ông hoạ sỹ thế nào cũng phải có ít nhất là một ông sai, ở chỗ nào đó còn được chứ ở sách giáo khoa cho trẻ con mà bừa bãi như thế này thì thật là quá đáng.

Từ phân vân, bố Tý chuyển sang đoán già đoán non. Theo suy luận của bố Tý thì vào một buổi chiều hè rất nắng nào đó, cũng rất có thể có chuyện Bác Hồ, tức ông Ké dẫn một vài đứa trẻ xuống suối tắm thật. Còn chuyện cái loỏng thì chắc là người ta bịa ra. Ở đời này thiếu gì kẻ bịa chuyện. Với lại, là văn học thì phải hư cấu là đúng rồi. Nhưng có bịa thì cũng phải để cho người ta tin. Đằng này các bố bịa dở quá. Ông Ké đã dắt lũ trẻ ra bờ suối được, sao ông không dắt luôn chúng xuống suối mà tắm, vừa thoải mái, sung sướng cho cả Bác và cháu, vừa đỡ mất công múc nước từ suối lên đổ vào loỏng.

Bố Tý xem lại toàn bộ quyển Tập Đọc của Tý và thấy số bài bịa "sai cơ bản" như bài Ông Ké chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Thế này mà tại sao đến tận bây giờ người ta vẫn không phát hiện ra? Hay là có phát hiện ra thì người ta cũng vẫn cứ mặc kệ? Bố Tý chán quá. Nếu người ta cứ cố tình nhồi vào đầu bọn trẻ những thứ tạp pí lù vô lý đến ngớ ngẩn như thế này thì thật là nguy hiểm. Đồng ý, đã là lãnh tụ, đã là Bác Hồ thì phải ca ngợi rồi. Nhưng mà thiếu gì cách, tại sao lại cứ phải... Ông Ké.

Trong khi bố Tý đứng thần người ra, mặt đỏ lên vì bực bội, thì Tý lại cầm quyển sách lên và lại ra rả đọc: " Ông Ké... Một buổi chiều hè, trời nắng to, Ông Ké nhờ mấy người khiêng chiếc loỏng xuống suối...". Như mọi khi, Tý cứ tưởng sẽ được bố khen là chăm chỉ. Vậy nên, Tý mới hết sức ngạc nhiên nghe bố nó nói:

- Thôi Tý để sách đãy, vào bếp lấy một ít cám trộn với một ít nước mang cho mấy con gà ăn hộ bố, xong làm việc này việc nọ một tí đi.
- Giời ơi là giời ơi. Sao bố Tý không giục Tý học mà lại bảo Tý đi làm việc này việc nọ. Thế này thì có lạ, có chết người ta không hả giời?.

Có thể tí nữa mẹ Tý về sẽ kêu lên như vậy. Nhưng mặc kệ! Mẹ muốn kêu gì thì kêu. Còn ý bố Tý đã quyết là quyết. Bố Tý quyết là từ nay thỉnh thoảng Tý cũng phải tham gia việc nhà việc cửa, mở rộng chơi bời với chúng bạn cho thư giãn đầu óc, chứ cứ để Tý suốt ngày lải nhải những chuyện vớ chuyện vẩn về ông Ké, bà Ké mãi như thế này rồi mê muội đi thì nguy lắm.

© 2004 talawas