English Japanese
Nhân
kỷ niệm 85 năm bãi bỏ chữ Nho (1919) và 80
năm (1924) quyết định đưa chữ Quốc
ngữ vào dạy tại cấp tiểu học Việt Nam
___
Sự ra đời của chữ quốcngữ
-
Cái
chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh
Alexandre de Rhodes
(1591 - 1660)
|
Nguyễn Văn Vĩnh
(1882 - 1936)
|
Chữ
Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn
năm mãi đến tận đầu thế kỷ thứ
20. Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon,
Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt
Nam truyền
đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là
người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng
Việt (nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu
tựchữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự
chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh). Kế tục
công trình của những người đi trước là
các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha
như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio
Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de
Rhodes đã xuất bản “Bài giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên bằng tiếng
Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ
đầu tiên vào năm 1651 tại Rome. Hệ thống chữ
viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được
chúng ta ngày nay gọi là “chữ quốc
ngữ” (chữ viết
của quốc gia).
Nguyễn Văn Vĩnh
sinh năm 1882 tại Hà Nội – cái năm thành Hà Nội
thất thủ vào tay quân Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ
huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng
Diệu thắt cổ tự vẫn. Gia đình Nguyễn
Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học.
Lên tám tuổi, cậu Vĩnh đã phải đi làm để
kiếm sống. Công việc của cậu lúc đó là làm
thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp
đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở
đình Yên phụ - Hà Nội. Vừa kéo quạt, cậu vừa
nghe lỏm bài giảng. Cậu ghi nhớ mọi thứ rất
nhanh và còn trả lời được các câu hỏi của
thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn
đương lúng túng. Thầy giáo người Pháp thấy
vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền
cho cậu vào học chính thức. Năm 14 tuổi Nguyễn
Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học và trở
thành một thông dịch viên xuất sắc. Sau đó ông
được bổ làm trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh
Bắc Ninh.
Năm 1906, lúc
ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi
sang dự triển lãm tại Marseilles. Tại đây, ông
được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn
và báo chí. Ông còn là người Việt Nam
đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp.
Trở về Việt
Nam, Nguyễn
Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt
đầu làm báo tự do. Năm 1907 ông làm chủ bút tờ Đăng Cổ
Tùng Báo - tờ báo đầu tiên in chữ quốc ngữ
ở Bắc Kỳ. Năm 1913 ông ông làm chủ bút tờ
Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt
viết văn bằng quốc ngữ. Ông là người
đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm của
các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre
Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là ngườiđầu
tiên dịch “Truyện Kiều” sang tiếng
Pháp. Bản dịch “Kiều” của ông Vĩnh rất đặc
sắc vì ông không chỉ dịch cả câu mà còn dịch nghĩa
từng chữ và kể rõ các tích cổ gắn với nghĩa
đó - một điều chỉ có những ai am hiểu
sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ
Nôm), Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm
được. Sự cố gắng và sức làm việc
phi thường của ông Vĩnh đã góp phần rất
quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và
văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đẩy xã hội
Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp
nhận chữ quốc ngữ. Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ
các khoa thi (Hương - Hội
- Đình) ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải
Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở
Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các
trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ
thống trường Pháp - Việt. Ngày 18 tháng 9 năm 1924,
toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định
đưa chữ quốc ngữ vào dạy ở ba năm
đầu cấp tiểu học. Như vậy
là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ
điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra
đời, người Việt Nam
mới thật sự đoạn tuyệt với chữ
viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ
quốc ngữ. Đây quả thực là một cuộc
chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn
Vĩnh đã vô hình trung đóng vai trò một nhà văn hóa lớn
của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn
Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng
nghề báo của mình. Ông là người luôn lên tiếng phản
đối chính sách hà khắc của Pháp đối với
thuộc địa, là người Việt Nam đầu
tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân
chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ
Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn
người Pháp viết đơn gửi chính quyền
Đông Dương phản đối việc bắt giữ
cụ Phan
Chu Trinh. Vì thế chính quyền thuộc địa của
Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông.Tòa báo của
ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên.
Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó
năm 1936 vì sốt rét. Người ta tìm thấy xác ông nằm
trong một chiếc thuyền độc mộc trên một
dòng sông ở Sepon. Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt
một cây bút và một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết
dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp “Một tháng với
những người tìm vàng”. Khi đoàn tàu chở chiếc
quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ,
hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một
sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng
trường nhà ga để đưa tiễn ông - con
người bằng tài năng và sức lao động
không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm
cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của
toàn dân Việt. Tháng 9 năm 1945,
trong lời kêu gọi toàn dân chống thất học chủ
tịch Hồ Chí Minh nói: "Là một người Việt
Nam, phải
đọc thông, viết thạo chữ Quốc ngữ".
Tôi đã vẽ bức
tranh
“Sự
ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu
việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với
lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ
nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de
Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.
Lời cảm ơn:
Tác
giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình - nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người
đầu tiên kể cho tác giả về cuộc đời
và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ
khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo
khoa chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là “gián điệp” còn Nguyễn Văn Vĩnh là “bồi bút” của Pháp.
Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con
trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh vì
những câu chuyện xúc động về cuộc sống
và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng
như của gia tộc cụ. Tác giả xin cảm
ơn thày Trí - cháu ngoại cụ
Nguyễn Văn Vĩnh đồng thời từng là thày dạy
toán của tác giả khi tác giả là học sinh trung học.
Nguyễn
Đình Đăng
Tokyo,
10/11/2004
Một số bài báo về Alexandre de Rodes and Nguyễn Văn
Vĩnh:
Hoàng Tiến, “Dịch
giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối
văn hóa Đông Tây”
Jacques Roland, “Phải
chăng cần viết lại lịch sử”
Nguyễn Đình Đăng, "Tôi đã vẽ bức tranh 'Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông
Nguyễn Văn Vĩnh)' như thế nào?"